Dự án đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai: Chỉ còn đợi mặt bằng
- Cập nhật: Thứ ba, 24/2/2009 | 12:00:00 AM
Từ trước tới nay, con đường thuận lợi nhất từ Hà Nội tới Lào Cai là đường sắt. Tuy nhiên, vào giai đoạn cao điểm, tuyến đường sắt này cũng bị quá tải. Dự án đường bộ cao tốc Nội Bài - Lào Cai được phê duyệt không chỉ giúp việc đi lại giữa Hà Nội - Lào Cai thuận lợi mà còn góp phần thúc đẩy phát triển KT-XH các tỉnh miền núi phía Bắc, đặc biệt là vùng Tây Bắc.
Phác thảo một đoạn đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai.
|
Đây cũng là dự án đặc biệt quan trọng thuộc Hành lang đường bộ Côn Minh - Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng và nằm trong Chương trình hợp tác giữa 6 nước thuộc Tiểu vùng sông Mê Công là Việt Nam, Lào, Cam-pu-chia, Thái Lan, Mi-an-ma, Trung Quốc. Tất cả đã sẵn sàng, chỉ chờ có mặt bằng là khởi công xây dựng.
Phấn đấu khởi công trước 30-4
Đường bộ cao tốc Nội Bài - Lào Cai dài 245,6km bắt đầu từ điểm giao cắt với đường Vành đai 3 Hà Nội (nằm trên địa phận huyện Sóc Sơn) chạy qua Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Yên Bái và kết thúc ở Lào Cai. Tổng mức đầu tư toàn bộ dự án khoảng 1,25 tỷ USD. Dự án nằm trong quy hoạch phát triển đường bộ cao tốc Việt Nam và được ưu tiên xây dựng trước. Khi xây dựng hoàn chỉnh, tuyến đường này sẽ kết nối với tuyến cao tốc Côn Minh - Hà Khẩu (Trung Quốc). Công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) làm chủ đầu tư.
Ý thức được tầm quan trọng cũng như ý nghĩa của dự án, về phía mình, VEC đã hết sức nỗ lực để bàn giao các mốc giới quy hoạch cũng như phần việc liên quan cho các địa phương thực hiện công tác GPMB từ tháng 1-2008. Tuy nhiên, từ đó đến nay, mới chỉ có 1 tỉnh bàn giao được một phần mặt bằng. Trong cuộc họp mới đây với lãnh đạo VEC và các địa phương, Thứ trưởng Thường trực Bộ GT-VT Ngô Thịnh Đức yêu cầu phấn đấu để có thể khởi công xây dựng trước 30-4-2009.
Sẽ có mặt bằng thi công
Theo Tổng Giám đốc VEC Trần Xuân Sanh, nếu có mặt bằng thì có thể hoàn thành dự án trong vòng 40 tháng. Theo chỉ đạo của Bộ GT-VT, phải có 80% mặt bằng "sạch", chủ đầu tư mới được phép khởi công xây dựng. Từ nay đến thời điểm 30-4 chỉ còn khoảng 2 tháng nữa. Vấn đề đặt ra là các địa phương có thể đẩy nhanh tiến độ và bàn giao mặt bằng kịp thời cho chủ đầu tư hay không? Rõ ràng, đây là nhiệm vụ hết sức nặng nề không chỉ với các địa phương mà còn cả với VEC.
Tính toán sơ bộ của VEC cho biết, để phục vụ dự án sẽ có gần 30 nghìn hộ dân bị ảnh hưởng, trong đó nhiều nhất là Vĩnh Phúc (13.960 hộ), Phú Thọ (8.346 hộ)… Tổng diện tích đất thu hồi khoảng 1.885ha. Để đáp ứng nhu cầu di dân, cần lập 94 khu tái định cư. Không những vậy, trên tuyến còn hơn 3.500 công trình nằm trong địa giới phải GPMB. Những số liệu nêu trên chứng tỏ khối lượng công việc cần làm trong thời gian tới là rất lớn, bởi đến nay hầu hết các địa phương chưa bàn giao được mặt bằng. Duy chỉ có Phú Thọ đã bàn giao được 25/62km. Được biết, tổng kinh phí phục vụ công tác GPMB khoảng 1.600 tỷ đồng, nhưng đến cuối tháng 2-2009, các địa phương mới chi trả được hơn 373 tỷ đồng. Tại Hà Nội, dù phần đường đi qua không lớn, nhưng mới hoàn thành đo đạc, kiểm đếm ở phần đất nông nghiệp và mồ mả. Tại Vĩnh Phúc, địa phương được đánh giá là khá tích cực và có số hộ ảnh hưởng lớn, cũng chỉ hoàn thành áp giá đền bù cho 3/4 huyện. Phú Thọ áp giá đền bù được 21/26 xã. Lào Cai đã duyệt phương án đền bù cho 6/8 xã. Riêng tại Yên Bái, mới chỉ áp giá cho 4/15 xã. Với tiến độ như vậy, rõ ràng không thể yên tâm.
Về phía chủ đầu tư, Tổng Giám đốc VEC Trần Xuân Sanh cho biết, ngoài việc theo sát phối hợp chặt chẽ với các địa phương trong công tác GPMB, VEC đã đấu thầu xong hai gói thầu xây lắp nằm trên địa phận Hà Nội và Vĩnh Phúc. Các công tác chuẩn bị vẫn được tiến hành song song để sắp tới tổ chức đấu thầu 6 gói còn lại. Dự kiến đến 15-3, VEC sẽ đàm phán xong với phía nhà thầu Hàn Quốc để 30-9 có thể tạm ứng cho nhà thầu triển khai dự án. Được biết, các địa phương cũng đã có kế hoạch bàn giao mặt bằng trong thời gian tới. Cụ thể, Hà Nội sẽ bàn giao 50/56ha đất nông nghiệp trong tháng 3, công trình công cộng sẽ bàn giao dần. Vĩnh Phúc đã cơ bản áp giá cho các huyện Phúc Yên, Bình Xuyên, Tam Dương, trong tháng 3-2009 sẽ bàn giao 26/41km. Trong quý I-2009, Phú Thọ cũng sẽ bàn giao 40km để phục vụ khởi công. Tỉnh Lào Cai cũng sẽ bàn giao khoảng 40km cho chủ đầu tư trong tháng 3. Riêng Yên Bái, dự kiến đến tháng 6-2009 mới có thể bàn giao 25/81km.
(Theo HNMĐT)
Các tin khác
Chính phủ Nhật Bản cam kết nối lại viện trợ cho Việt Nam thông qua việc ký công hàm trao đổi viện trợ phát triển (ODA) cho 4 dự án cơ sở hạ tầng trong năm tài khóa 2008.
Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải vừa giao Bộ Giao thông vận tải chỉ đạo triển khai việc lập quy hoạch sân bay dân dụng tại Thanh Hóa.
Kết quả khảo sát này do Ngân hàng hợp tác quốc tế Nhật Bản tiến hành về hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp Nhật Bản ở nước ngoài Việt Nam tiếp tục được đánh giá cao về triển vọng thu hút đầu tư và được xếp thứ ba trong danh sách hấp dẫn đầu tư của các nhà đầu tư Nhật Bản (sau Trung Quốc và Ấn Độ). Đây là kết quả khảo sát về hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp Nhật Bản ở nước ngoài, do Ngân hàng hợp tác quốc tế Nhật Bản tiến hành.
YBĐT - Trong tháng 1/2009, ước tính tổng vốn đầu tư phát triển của Nhà nước thực hiện địa bàn tỉnh Yên Bái đạt 139,653 tỷ đồng, tăng gấp 2,79 lần so với tháng cùng kỳ năm 2008.