Tây Bắc - Tiềm năng và cơ hội cất cánh
- Cập nhật: Thứ năm, 2/4/2009 | 12:00:00 AM
YBĐT - Chiếm gần 1/3 diện tích cả nước với trên 9,8 triệu dân, Tây Bắc là địa bàn chiến lược đặc biệt quan trọng về kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng. Đây cũng là nơi có nhiều tiềm năng, lợi thế về, tài nguyên khoáng sản, du lịch và kinh tế cửa khẩu.
Khu công nghiệp phía Nam Yên Bái thu hút nhiều dự án đầu tư lớn.
|
Hơn 20 năm đổi mới, kinh tế vùng Tây Bắc đã có những chuyển biến quan trọng nhưng về cơ bản vẫn còn nghèo, các tiềm năng và lợi thế lớn chậm được khai thác. Để đánh thức những tiềm năng, lợi thế đó, cần có giải pháp huy động tối đa và sử dụng hiệu quả các nguồn lực đầu tư, xây dựng các chính sách hỗ trợ để Tây Bắc phát triển bền vững, tiến tới hoà nhập với sự phát triển chung của đất nước trong thời kỳ hội nhập...
Đầu tư phát triển và xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế xã hội vùng Tây Bắc là nhiệm vụ được Chính phủ ưu tiên trong nhiều năm qua. Từ năm 2001 – 2007, tổng vốn đầu tư huy động cho vùng này khoảng 131.300 tỷ đồng, chủ yếu là vốn ngân sách Trung ương và địa phương, vốn tín dụng huy động 12.240 tỷ, vốn đầu tư của doanh nghiệp trên 5.570 tỷ và 9.170 tỷ khác huy động dân cư và doanh nghiệp tư nhân. Nguồn vốn thu hút đầu tư đã tập trung đầu tư vào những công trình quan trọng để chuyển dịch cơ cấu kinh tế, bước đầu khai thác được tiềm năng, lợi thế về đất đai, tài nguyên khoáng sản tạo sức cạnh tranh mới cho các sản phẩm và kinh tế các tỉnh. Tăng trưởng GDP toàn vùng năm 2007 đã đạt 12,4%, GDP bình quân đầu người đạt 5,8 triệu đồng, cơ cấu GDP: nông nghiệp còn 39,1%, công nghiệp 26,6%, dịch vụ 34,3%.
Bức tranh kinh tế Tây Bắc nhìn chung đã có những khởi sắc mới. Nông- lâm - ngư nghiệp phát triển theo hướng sản xuất hàng hoá, đã hình thành một số vùng sản xuất hàng hoá tập trung như chè 86.000 ha, cây ăn quả 180.000 ha; phát triển chăn nuôi đại gia súc, cây dược liệu, mía đường bước đầu đã đưa cây cao su vào trồng ở Sơn La, Lai Châu, Điện Biên diện tích trên 20.000 ha. Công nghiệp được quan tâm đầu tư phát triển, giá trị sản xuất hàng năm tăng 18%, tiềm năng lợi thế kinh tế như thủy điện, chế biến khoáng sản, kinh tế cửa khẩu, du lịch được khai thác. Nhiều dự án lớn được đầu tư đã góp phần làm thay đổi bộ mặt vùng Tây Bắc, như các dự án: Thuỷ điện Sơn La, Nhà máy Gang thép Lào Cai, Nhà máy Xi măng Yên Bình (Yên Bái), Nhà máy tuyển quặng Apatít Cam Đường (Lào Cai). Kết cấu hạ tầng giao thông, thủy lợi, nước sạch, điện, viễn thông được đầu tư xây dựng làm tăng năng lực mới cho sản xuất và nền kinh tế.
Đồng chí Hoàng Xuân Lộc - Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Yên Bái: “...Yên Bái xác định hướng đi là phát triển công nghiệp chế biến khoáng sản, nông - lâm sản, vật liệu xây dựng, lấy công nghiệp là khâu đột phá để tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Nhiều dự án lớn như sản xuất xi măng, luyện gang thép, phát triển thuỷ điện, chế biến gỗ... đã và đang triển khai ở Yên Bái. Riêng năm ngoái, tỉnh cấp giấy chứng nhận đầu tư cho 45 dự án, tổng vốn đăng ký đầu tư 5.300 tỷ đồng. Yên Bái đã quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế dài hơi, trong đó có quy hoạch chi tiết các ngành, sản phẩm; quy hoạch xây dựng các khu, cụm công nghiệp và thực hiện chính sách khuyến khích đầu tư thông thoáng, các nhà đầu tư trong và ngoài nước đến Yên Bái đầu tư làm ăn nhất định sẽ phát đạt...”. |
Các nguồn vốn đầu tư đã tập trung cải tạo nâng cấp 3.060 km quốc lộ như quốc lộ 1A, quốc lộ 2,3,6 và các tuyến vành đai quốc lộ 4, 279, 32... Đã có 1.481/1.559 xã có đường ô tô tới trung tâm (chiếm 95%) và 72,6% số xã có bưu điện, 100% trung tâm huyện phủ sóng di động, 100% số xã có điện thoại...
Vốn đầu tư tuy tăng trưởng nhanh, bình quân đạt 25,59% nhưng phân tích cho thấy, khả năng huy động nguồn lực tại chỗ của các tỉnh Tây Bắc còn hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu; phân bổ vốn đầu tư còn dàn trải, chưa tăng mạnh được năng lực cạnh tranh của nền kinh tế. Định hướng phát triển kinh tế dài hơi các tỉnh Tây Bắc là chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi trong sản xuất nông - lâm nghiệp nhằm khai thác tiềm năng, lợi thế về đất đai, khí hậu, lao động.
Tây Bắc muốn phát triển nhanh và bền vững, tiến tới hoà nhập với sự phát triển chung của kinh tế cả nước cần huy động mạnh mẽ các nguồn lực và sử dụng hiệu quả các nguồn đầu tư cho phát triển kinh tế - xã hội. Các chuyên gia kinh tế cho rằng, yêu cầu có tính cấp thiết và chiến lược là phải xây dựng các chính sách đầu tư phù hợp, như: chính sách ưu đãi đặc biệt để thu hút vốn ODA, FDI, vốn trong nước; chính sách phát triển hợp tác kinh tế với Trung Quốc, Lào; chính sách kinh tế cửa khẩu, biên mậu... Nhà nước tập trung vốn để đầu tư cho các công trình của Trung ương trên địa bàn các tỉnh và điều chỉnh chính sách, cơ cấu chi tiêu ngân sách Nhà nước để địa phương có nguồn lực đầu tư cho cơ sở hạ tầng thiết yếu, bảo đảm các mục tiêu chiến lược về phát triển kinh tế - xã hội.
Giải pháp để huy động các nguồn lực đầu tư là các tỉnh tạo môi trường đầu tư thuận lợi cho các doanh nghiệp và thành phần kinh tế tham gia đầu tư phát triển; tập trung cải cách các thủ tục hành chính, có cơ chế hấp dẫn thu hút đầu tư như tạo thuận lợi cho nhà đầu tư về mặt bằng, hỗ trợ đầu tư thông qua miễn giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, tiền thuê đất, đầu tư xây dựng các khu, cụm công nghiệp và cơ sở hạ tầng. Việc huy động các nguồn lực trong nước cần gắn với huy động các nguồn lực bên ngoài, như tranh thủ các nguồn tài trợ ODA, có chiến lược thu hút và sử dụng vốn ODA cho xây dựng kết cấu hạ tầng tạo thuận lợi cho các nhà đầu tư thực hiện dự án.
Tây Bắc – vùng đất chiến khu cách mạng, giàu truyền thống yêu nước với những tiềm năng to lớn trong phát triển kinh tế - xã hội, thu hút đầu tư đang là điểm đến làm ăn của nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước. Trên 40.000 tỷ đồng vốn đăng ký đầu tư vào Tây Bắc đã được ký kết tại Diễn đàn xúc tiến đầu tư Tây Bắc năm 2008, cho thấy các nhà đầu tư đã rất nhạy bén với cơ hội đầu tư trên vùng đất giàu tiềm năng này.
Đồng chí Đào Ngọc Dung - Ủy viên Trung ương Đảng, Phó ban Thường trực Ban Chỉ đạo Tây Bắc: Ban Chỉ đạo Tây Bắc và toàn vùng xác định một số giải pháp cơ bản sau: Một là: khẩn trương hoàn thành và tổ chức triển khai tốt quy hoạch tổng thể về kinh tế - xã hội của vùng đến năm 2020 trên cơ sở quy hoạch vùng, các tỉnh điều chỉnh, xây dựng quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội phù hợp và tạo môi trường đầu tư thuận lợi. Thực hiện có hiệu quả nghị quyết Trung ương 7 (khoá X) về nông nghiệp, nông dân, nông thôn; các nhiệm vụ quy định tại Nghị quyết 24/2008/NQ-CP, ngày 28/10/2008 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 (khoá X) về nông nghiệp, nông dân, nông thôn; lựa chọn có trọng tâm, trọng điểm những lĩnh vực, dự án cần ưu tiên, tránh sự chồng chéo, trùng lặp, gây lãng phí; chú trọng khai thác có hiệu quả tiềm năng thế mạnh về đất đai, khoáng sản, thuỷ điện, du lịch và lợi thế về cửa khẩu; huy động và sử dụng tốt các nguồn lực để chuyển dịch mạnh cơ cấu kinh tế theo tăng tỷ trọng công nghiệp, xây dựng và dịch vụ, du lịch. Hai là: đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, tạo ra những vùng sản xuất hàng hoá tập trung, vùng chuyên canh sản xuất hàng hoá có giá trị kinh tế, có quy mô lớn gắn với cơ sở chế biến, khuyến khích người dân góp cổ phần gia nhập các công ty bằng giá trị quyền sử dụng đất; phát triển mạnh đàn gia súc, gia cầm và nuôi trồng thuỷ sản theo hướng sản xuất hàng hoá; tăng cường các biện pháp khoa học kỹ thuật, áp dụng quy trình chăn nuôi tiên tiến, công tác thú y và sự liên kết chặt chẽ "4 nhà" để tạo ra những sản phẩm có giá trị, có sức cạnh tranh trên thị trường; chú trọng phát triển rừng kinh tế gắn với chế biến, tiêu thụ sản phẩm để đảm bảo cho người trồng rừng có thể sống ổn định và làm giàu bằng nghề rừng. Ba là: thực hiện đa dạng hoá các nguồn vốn và hình thức đầu tư; đẩy nhanh việc xây dựng đồng bộ hệ thống cơ sở hạ tầng như giao thông, thuỷ lợi, điện, mạng lưới viễn thông, cấp nước sinh hoạt, nhà ở... ; phấn đấu hoàn thành chương trình kiên cố hoá trường lớp học, nâng cấp các cơ sở y tế; chăm lo công tác tái định cư cho các công trình thuỷ điện lớn trong vùng. Bốn là: tập trung các nguồn lực, giải pháp nâng cao nhanh đời sống vật chất, tinh thần đồng bào các dân tộc thiểu số; triển khai thực hiện có hiệu quả Chương trình giảm nghèo theo Nghị quyết 30a/NQ-CP ngày 27/12/2008 của Chính phủ tại 43 huyện có tỷ lệ hộ nghèo trên 50%; đẩy mạnh và tạo sự chuyển biến rõ nét về công tác giáo dục, đào tạo, nâng cao dân trí, trình độ tay nghề, từng bước hình thành đội ngũ lao động lành nghề đáp ứng yêu cầu của nhà đầu tư. Năm là: đẩy mạnh cải cách hành chính, nhất là cải cách thủ tục hành chính. Tiếp tục củng cố xây dựng hệ thống chính trị các cấp vững mạnh, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn mới. Tăng cường công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 3 (khóa X) và chỉ đạo của Chính phủ. |
Các tin khác
Đại diện của Việt Nam và Nhật sẽ có bước đi sau cùng để nối lại ODA, bằng việc ký công hàm ngoại giao về trao đổi dự án vay vốn ODA trị giá 900 triệu USD trong năm 2009.
Hội nghị xúc tiến đầu tư (XTÐT) vào các khu công nghiệp (KCN), khu chế xuất (KCX) và khu kinh tế (KKT) do Bộ Kế hoạch và Ðầu tư phối hợp UBND tỉnh Bắc Ninh tổ chức vừa khai mạc tại Bắc Ninh.
Việc xây dựng thành công công trình đường 2E sẽ trở thành biểu tượng mới, một minh chứng sinh động cho tình hữu nghị giữa hai nước Việt Nam - Lào, Bộ trưởng Giao thông vận tải Hồ Nghĩa Dũng nhấn mạnh.
Ngày 23/3, Ban Giám đốc của Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) phê duyệt khoản vay trị giá 95 triệu USD cho Dự án Nâng cao chất lượng và an toàn vệ sinh hàng nông sản và phát triển khí đốt sinh học.