Trạm Tấu khi đường vượt núi

  • Cập nhật: Thứ năm, 2/4/2009 | 12:00:00 AM

YênBái - YBĐT - Đêm ngồi ở Trung tâm huyện Trạm Tấu, bỗng giật mình sửng sốt bởi trên những đỉnh núi cao đen sẫm phía xa có những “ngôi sao” đang chạy. Anh bạn công tác ở huyện bảo: “ánh đèn xe máy về bản!”. Hết bàng hoàng! nhìn những “ngôi sao” vượt núi, tôi đã mơ về những bản Mông no ấm!

Mở đường giao thông nông thôn ở xã Bản Mù (Trạm Tấu).
(Ảnh: Đức Hồng)
Mở đường giao thông nông thôn ở xã Bản Mù (Trạm Tấu). (Ảnh: Đức Hồng)

Nói đến Trạm Tấu là nói đến vùng cao, những cái tên như: Cổng Trời 1178m, Háng Đề Chơ 1876 m, Kam Bưa 1502 m... thoạt nghe đã kinh người. Trước đây, ai đã lên với vùng cao, chắc hẳn đều cảm thông với nơi đây. Địa hình cách trở, núi cao vực sâu, đi công tác tính thời gian bằng thời gian chứ không tính bằng đơn vị kilômét vì hầu như đều phải đi bộ. Già làng Mùa Chống Hồ đã có gần 80 năm gắn bó với thôn Giàng La Pán xã Bản Mù hồi tưởng: “Trước đây từ Nghĩa Lộ muốn lên Trạm Tấu, chỉ duy nhất có một con đường theo suối Thia, ngược mãi lên, qua thị trấn Trạm Tấu là cụt. Đường từ huyện xuống xã là đường rừng chỉ người ngựa đi được. Giờ thì sướng quá! xuống huyện, ra tỉnh chỉ ngồi xe máy hay ô tô là đến!”.

Qua thời gian, giờ thì Trạm Tấu đã có một hệ thống đường giao thông tương đối hoàn chỉnh với 31 km đường tỉnh lộ; 72 km đường liên huyện, xã, trong đó có 14 km mặt đường được cứng hoá; 426 km đường liên thôn bản, trong đó có 50 km đường ô tô nền đường đất. Cả 12 xã, thị trấn của huyện đã có đường ô tô đến trung tâm, trong đó, có 4 xã ô tô đi lại trong bốn mùa. Với 69 thôn, bản thì đã có 54 thôn bản đã có đường ô tô và xe máy đến trung tâm.  Những kết quả này nhờ sự đầu tư của Nhà nước, của tỉnh và trong đó phải kể đến những nỗ lực của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện vùng cao Trạm Tấu.

Với phương châm: Giao thông phải đi trước một bước để phục vụ cho sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội, đối với những tuyến đường chính liên huyện, liên tỉnh, liên xã, những công trình lớn như: cầu, cống, ngầm... đòi hỏi kỹ thuật cao, Nhà nước đầu tư. Còn đối với tuyến đường thôn, bản thì "Nhân dân làm là chính, phần còn lại nhà nước hỗ trợ". Bởi vậy, trong quá trình thực hiện kế hoạch hàng năm, sau khi thông qua HĐND huyện bàn bạc những ý kiến phát triển giao thông đều được người dân bàn bạc.

 Trong quá trình thực hiện kế hoạch, xây dựng các hạng mục công trình giao thông, phòng ban chuyên môn của huyện cử cán bộ trực tiếp về cơ sở giúp xã thực hiện công tác khảo sát, thiết kế xây dựng công trình, đồng thời giúp địa phương triển khai, hướng dẫn nhân dân trong quá trình thi công các công trình theo đúng yêu cầu. Lý thuyết thì vậy, nhưng để làm được những con đường đến xã, bản vùng cao phải vượt qua biết bao khó khăn vất vả. 

Nguyên nhân chính do địa hình phức tạp, vực sâu núi cao, bị phân cách mạnh mẽ bởi nhưng con suối, trên 70% dân số là đồng bào dân tộc Mông, tập quán từ ngàn đời bà con sinh sống thưa thớt thành chòm, từng bản trên triền núi cao. Nhưng khi ý Đảng đã hợp lòng dân, người dân đã hiểu tác dụng của giao thông thì nhiều tuyến đường máy móc không thể thi công mà chỉ bằng sức người và những dụng cụ thô sơ như cuốc, xẻng và mìn phá đá mà những tuyến đường theo triền núi cứ ngày càng vươn xa. Có chứng kiến sự hăng hái của người dân tham gia làm đường giao thông ở vùng cao mới thấy sức mạnh  của nhân dân.

Năm 2008, theo Quyết định 1786 của UBND tỉnh, huyện Trạm Tấu được hỗ trợ đầu tư trên 950 triệu đồng để làm đường giao thông nông thôn, khổ rộng là 2,5 mét. Sau khi UBND huyện triển khai, các xã đã đăng ký 60 km với tổng vốn phải đầu tư là trên 1 tỷ 700 triệu đồng. Chỉ sau hơn một tháng thi công, hầu hết các tuyến đường đã được hoàn thành, nhiều tuyến bà con đã chủ động mở bề mặt đường rộng tới 3 mét, hơn nửa mét so với quy định.

Có đường, Đảng gần dân, chủ trường chính sách của Đảng, Nhà nước đến với đồng bào nhanh và thấm đậm hơn. Sự đầu tư của Nhà nước được dễ dàng và hiệu quả hơn. Đến nay, 10/12 xã, thị trấn của Trạm Tấu đã có trụ sở làm việc. Vui hơn cả là xã nào cũng có trường học, trạm y tế để phục vụ sự nghiệp giáo dục và chăm sóc sức khoẻ nhân dân. Huyện đã có trên 100 công trình thuỷ lợi lớn nhỏ, 38 công trình quan trọng đảm bảo tưới tiêu cho 889 ha lúa mùa và trên 500 ha lúa xuân. Cuộc sống của người vùng cao đổi thay vì có đường mới, đường đem ánh sáng văn hoá và kiến thức đến với vùng cao.

Không giấu được niềm xúc động, già làng Mùa A Sùng ở thôn Tấu Dưới xã Trạm Tấu bảo: “Giờ hàng hoá phục vụ cuộc sống thiết yếu nhiều mà lại được bán tận xã, tận bản. Những sản phẩm của bà con làm ra đã trở thành hàng hoá để đem lại cuộc sống ấm no. Hơn thế, trẻ con lại được học hành mai sau đem tri thức về xây dựng quê hương. Bà con vùng cao cảm ơn Đảng, Nhà nước nhiều lắm!”.

Đường lên núi ở Trạm Tấu sẽ càng vươn xa vì trong năm 2009, Đảng bộ và nhân dân các dân tộc trong huyện tiếp tục phấn đấu mở mới 100 km đường thôn, bản. Hơn thế, nhiều công trình, dự án phát triển giao thông ở vùng cao đang tiếp tục được đầu tư để làm thay đổi bộ mặt vùng cao. Đó là 2 tuyến đường thuộc nguồn trái phiếu Chính phủ là đường Bản Mù – Tà Xi Láng dài 17,5 km, tổng mức đầu tư trên 20 tỷ 700 triệu đồng, đến nay tiến độ thi công đã đạt 25%; đường Trạm Tấu – Bắc Yên ( Sơn La) tổng mức đầu tư 49 tỷ đồng, tiến độ đã đạt 15%. Là dự án nâng cấp đường Tà Xi Láng dài 18,5 km, vốn đầu tư 18 tỷ 407 triệu đồng, tiến độ đã đạt trên 70%. Đường Làng Nhì dài 18 km, vốn đầu tư 16 tỷ 656 triệu đồng, tiến độ đạt trên 90%. Cuộc sống mới no ấm đang về với đồng bào vùng cao khi có những con đường vượt núi!

Nguyễn Đình

Các tin khác
Khu công nghiệp phía Nam Yên Bái thu hút nhiều dự án đầu tư lớn.

YBĐT - Chiếm gần 1/3 diện tích cả nước với trên 9,8 triệu dân, Tây Bắc là địa bàn chiến lược đặc biệt quan trọng về kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng. Đây cũng là nơi có nhiều tiềm năng, lợi thế về, tài nguyên khoáng sản, du lịch và kinh tế cửa khẩu.

Một cây cầu tại quận 5, TP.HCM, nằm trong dự án Đại lộ Đông Tây, có vốn đầu tư từ nguồn vốn ODA của Nhật

Đại diện của Việt Nam và Nhật sẽ có bước đi sau cùng để nối lại ODA, bằng việc ký công hàm ngoại giao về trao đổi dự án vay vốn ODA trị giá 900 triệu USD trong năm 2009.

Hội nghị xúc tiến đầu tư (XTÐT) vào các khu công nghiệp (KCN), khu chế xuất (KCX) và khu kinh tế (KKT) do Bộ Kế hoạch và Ðầu tư phối hợp UBND tỉnh Bắc Ninh tổ chức vừa khai mạc tại Bắc Ninh.

Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Sinh Hùng và Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Lào Somsavat Lengsevath nhấn nút khởi công Dự án đường 2E

Việc xây dựng thành công công trình đường 2E sẽ trở thành biểu tượng mới, một minh chứng sinh động cho tình hữu nghị giữa hai nước Việt Nam - Lào, Bộ trưởng Giao thông vận tải Hồ Nghĩa Dũng nhấn mạnh.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục