ADB giúp Việt Nam điện khí hóa các vùng sâu, vùng xa
- Cập nhật: Thứ tư, 8/4/2009 | 12:00:00 AM
Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) ngày 7/4 thông báo sẽ cho Việt Nam vay thêm 151 triệu USD, nhằm giúp mở rộng và cải thiện các dịch vụ cung cấp điện cho các cộng đồng người nghèo và vùng sâu vùng xa.
Ban Giám đốc của ADB đã phê duyệt Dự án Phát triển Năng lượng Tái tạo và Mở rộng và Phục hồi Hệ thống cho các xã vùng sâu vùng xa. Dự án này sẽ phát triển 5-10 nhà máy thủy điện nhỏ phục vụ các xã ở khu vực vùng núi phía bắc và miền trung Việt Nam.
Dự án cũng cung cấp hỗ trợ về tài chính cho chương trình điện khí hóa nông thôn do Chính phủ đang tiến hành, nhằm mở rộng phạm vi cung cấp điện trên khắp đất nước, đặc biệt là ở các tỉnh có nhiều cộng đồng dân tộc thiểu số.
“Việc tiếp cận được tới nguồn cung cấp điện ổn định và có chi phí rẻ sẽ cải thiện chất lượng cuộc sống và điều kiện sống ở những xã mục tiêu và làm tăng thêm thời gian cho việc tạo ra thu nhập và giáo dục.” Edvard Baardsen, Chuyên gia cao cấp về Cơ sở hạ tầng thuộc Vụ Đông Nam Á của ADB.
Phạm vi cung cấp điện của Việt Nam đã gia tăng từ 51% số các hộ gia đình năm 1996 lên tới hơn 91% năm 2008 khi nền kinh tế Việt Nam tăng trưởng mạnh. Tuy nhiên, các khoản đầu tư cho ngành điện, chiếm vào khoảng hơn 3 tỷ USD/năm, sẽ vẫn cần thiết trong thập kỷ tới nhằm thực hiện điện khí hóa cả nước. Việc cấp vốn cho các dịch vụ cung cấp điện ở những khu vực vùng sâu vùng xa chưa có điện vẫn là vấn đề đặc biệt khó khăn do chi phí cao và kết quả thu hồi vốn không hấp dẫn.
Để giải quyết khó khăn này, dự án sẽ chia sẻ chi phí của việc mở rộng lưới điện quốc gia với các trạm thủy điện nhỏ trong kế hoạch. Dự án này sẽ sử dụng nguồn thu từ việc bán điện của các nhà máy nhằm hỗ trợ việc mở rộng lưới điện trung thế và hạ thế cho các cộng đồng mục tiêu.
Ông Baarsden cho biết: “Phương thức này sẽ sử dụng các tiềm năng thủy điện sẵn có ở địa phương nhằm mang lại lợi ích cho các cộng đồng địa phương và cung cấp năng lượng tái tạo dư thừa cho mạng lưới điện quốc gia.” Điều này cũng giúp giải quyết các vấn đề khó khăn về tài chính hiện vẫn khiến cho nhiều trạm thủy điện nhỏ hiện nay trên khắp đất nước hoạt động không hiệu quả và bị bỏ quên.
Khoản vay này, được cấp dưới hình thức Quyền Rút vốn Đặc biệt (SDR) từ Quỹ Phát triển Châu Á, chi trả 76% trong tổng số 197,6 triệu USD tổng chi phí dự án. Nguồn tài chính còn lại trị giá 46,6 triệu USD sẽ do ba công ty con thuộc Tập đoàn Điện lực Việt Nam cung cấp. Khoản vay này sẽ có thời hạn là 32 năm, với lãi suất ân hạn 1% cho 8 năm đầu và 1,5% cho thời hạn vay còn lại.
Ba công ty điện thuộc Tập đoàn Điện lực Việt Nam sẽ là các đơn vị thực hiện dự án, dự kiến sẽ hoàn thành vào tháng 12 năm 2015.
Khoản hỗ trợ kỹ thuật trị giá 2,5 triệu USD, do Quỹ Biến đổi Khí hậu và Quỹ Hỗ trợ kỹ thuật Đặc biệt của ADB cấp vốn, sẽ dùng để hỗ trợ xây dựng luật năng lượng tái tạo và xây dựng năng lực. Ngoài ra, Chính phủ và các cơ quan thực hiện dự án sẽ đóng góp thêm một khoản trị giá 400.000 USD dưới hình thức hiện vật.
(Theo NDĐT)
Các tin khác
YBĐT - Đêm ngồi ở Trung tâm huyện Trạm Tấu, bỗng giật mình sửng sốt bởi trên những đỉnh núi cao đen sẫm phía xa có những “ngôi sao” đang chạy. Anh bạn công tác ở huyện bảo: “ánh đèn xe máy về bản!”. Hết bàng hoàng! nhìn những “ngôi sao” vượt núi, tôi đã mơ về những bản Mông no ấm!
YBĐT - Chiếm gần 1/3 diện tích cả nước với trên 9,8 triệu dân, Tây Bắc là địa bàn chiến lược đặc biệt quan trọng về kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng. Đây cũng là nơi có nhiều tiềm năng, lợi thế về, tài nguyên khoáng sản, du lịch và kinh tế cửa khẩu.
Đại diện của Việt Nam và Nhật sẽ có bước đi sau cùng để nối lại ODA, bằng việc ký công hàm ngoại giao về trao đổi dự án vay vốn ODA trị giá 900 triệu USD trong năm 2009.
Hội nghị xúc tiến đầu tư (XTÐT) vào các khu công nghiệp (KCN), khu chế xuất (KCX) và khu kinh tế (KKT) do Bộ Kế hoạch và Ðầu tư phối hợp UBND tỉnh Bắc Ninh tổ chức vừa khai mạc tại Bắc Ninh.