Các dự án đầu tư xây dựng thủy điện nhỏ: Nỗ lực và những chấn chỉnh cần thiết
- Cập nhật: Thứ sáu, 29/5/2009 | 12:00:00 AM
YênBái - YBĐT - Nhiều dự án thủy điện ở Yên Bái đã thay đổi chủ đầu tư (hoặc cổ đông, đối tác). Nguyên nhân chính là năng lực tài chính không đáp ứng. Các chính sách kích cầu của Chính phủ về tài chính tiền tệ đã tiếp sức cho nhà đầu tư, Tiến độ các dự án được đẩy nhanh hơn nhưng cũng có nhiều vấn đề cần được chấn chỉnh kịp thời...
Công trình thuỷ điện Ngòi Hút (Văn Yên) trong giai đoạn thi công. (Ảnh: Trần Quang Thuật)
|
Thúc đẩy tiến độ
Ngày 29/12/2008, UBND tỉnh cấp mới Giấy chứng nhận đầu tư Dự án Thủy điện Văn Chấn cho Công ty cổ phần Thuỷ điện Văn Chấn. Công suất thiết kế từ 36MW trước đó được nâng lên 57 MW, tổng vốn đầu tư lên tới 1.240 tỷ đồng. Chủ đầu tư trong vòng 5 tháng đã hoàn thành giải phóng mặt bằng, đường cấp điện 35KV, thi công đường vào công trường, Ngòi Thia phấn đấu thông cuối tháng này, các hạng mục khác thi công đồng bộ từ tháng 6.2009.
Yên Bái hiện có 20 nhà đầu tư khảo sát lập dự án đầu tư 29 thuỷ điện nhỏ. UBND tỉnh cấp Giấy chứng nhận đầu tư 19 dự án, số còn lại chấp thuận khảo sát nghiên cứu lập dự án. Hai dự án nhỏ công suất 3,5 MW là thủy điện Hưng Khánh của Công ty TNHH Thanh Bình, Thuỷ điện Nậm Tục của Công ty TNHH Hoà Bình đã phát điện thương mại. 4 dự án sẽ phát điện năm 2009 là Thuỷ điện Hồ Bốn, Mường Kim, Nậm Đông 3, Ngòi Hút 1.
Tiến độ, theo ông Nguyễn Khắc Sơn - Giám đốc Công ty, sẽ chạy tổ máy đầu tiên vào cuối năm 2011, về trước kế hoạch 1 năm và là công trình chào mừng Đại hội XI của Đảng. Trong tháng tới, chính thức ký hợp đồng tín dụng trị giá 650 tỷ đồng với Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam. 30% vốn đối ứng đã thu xếp xong, Công ty đang lập hồ sơ mời thầu mua sắm thiết bị công nghệ, chọn lựa nhà thầu xây lắp.
Dự án Thủy điện Hồ Bốn công suất 18 MW cũng nằm trong nhóm thay đổi cổ đông, chủ đầu tư. Quý IV/2008, UBND tỉnh Yên Bái có quyết định chuyển đổi chủ đầu tư dự án cho Công ty cổ phần Thuỷ điện Hồ Bốn. Sau chuyển đổi, chủ đầu tư đã tập trung vốn thi công xong đường tránh ngập quốc lộ 32, đập đầu mối, các hạng mục phụ trợ tuyến năng lượng và mới đây đã thông hầm áp lực.
Các gói thầu mua sắm, lắp đặt thiết bị cơ khí thuỷ công, đập đầu mối, ống thép áp lực trong và ngoài nhà máy đang triển khai. Một dự án khác là Thủy điện Mường Kim công suất 13,5 MW, chủ đầu tư là Công ty cổ phần Cơ khí thiết bị điện Hà Nội cũng đã thông hầm áp lực, nhà thầu đã cơ bản hoàn thành các hạng mục của đập đầu mối, tháp điều áp, tuyến ống áp lực, chế tạo và vận chuyển thiết bị nhà máy. Ông Nguyễn Ngọc Quyền - Giám đốc Công ty cho biết sẽ chính thức phát điện vào tháng 9.2009.
Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển điện Miền Bắc III triển khai hai dự án là thuỷ điện Nậm Đông 3 và Nậm Đông 4 từ cuối năm 2003, tổng công suất 21,4 MW, vốn đầu tư 354 tỷ đồng. Sau nhiều năm trì trệ do thiếu vốn, từ quý IV/2008 tới nay, nhà đầu tư đã cơ bản hoàn thành các hạng mục trong tuyến năng lượng, đấu thầu lựa chọn nhà thầu, tiếp nhận vật tư thiết bị, hoàn thành 80% khối lượng đập đầu mối, kênh dẫn, đổ bê tông móng Nhà máy Thủy điện Nậm Đông 3, phấn đấu tháng 9.2009 đi vào hoạt động. Dự án Thuỷ điện Nậm Đông 4, hoàn thành khảo sát, phê duyệt dự án đầu tư, thiết kế kỹ thuật thi công, tổng dự toán, đường thi công, đường điện phục vụ thi công, san tạo mặt bằng các công trình trên kênh, kiểm kê đền bù giải phóng mặt bằng.
Những việc cần chấn chỉnh
“Nhiều nhà đầu tư đặt các cơ quan chức năng vào việc đã rồi, “chạy” theo giải quyết rất bức xúc” - một lãnh đạo ngành nói. Nhiều dự án, khi có Giấy chứng nhận đầu tư đã triển khai các hạng mục mà trong tay không có một quyết định nào của cơ quan chức năng như thu hồi, thuê cấp đất, cấp phép khai thác tài nguyên hoặc xây dựng quy trình vận hành hồ chứa trình.
Tình trạng này phổ biến tới mức các ngành phải thông cảm vì nhà đầu tư quá “sốt sắng” thực hiện dự án (!) Cơ quan quản lý Nhà nước có cảm giác bị qua mặt nhưng người ta đặt thêm câu hỏi: Các cơ quan chức năng đã quản lý, hướng dẫn nhà đầu tư thực hiện quy định pháp luật như thế nào? Ý kiến nhận được là, nhà đầu tư cần làm các thủ tục đề nghị cho cơ quan quản lý nhà nước để hướng dẫn hoặc giải quyết theo quy định.
Đúng như vậy, nhưng cũng cần thấy rằng không nên ngồi chờ nhà đầu tư gửi những đơn đề nghị đó tới. “Nhà đầu tư cứ làm, chẳng có đơn từ xin thu hồi, cấp mới thì sao chúng tôi giải quyết?” - lãnh đạo một ngành nói. Chủ động hướng dẫn, đôn đốc và cùng nhà đầu tư giải quyết nhanh những thủ tục theo quy định để triển khai nhanh dự án là một yêu cầu mà Tỉnh ủy và UBND tỉnh đặt ra cho các cơ quan quản lý Nhà nước liên quan trong thực hiện thu hút đầu tư, thực hiện các dự án trên địa bàn, trong đó có thủy điện - đó là tư duy mới và cũng là trách nhiệm của các ngành liên quan.
Nhà đầu tư ngoài khó khăn về vốn cũng có vướng mắc trong giải phóng mặt bằng. Dự án Thủy điện Ngòi Hút 1 (Phong Dụ Thượng, Văn Yên) sau khi chi trả tiền đền bù, một số hộ dân đã rào đường, không cho vận chuyển vật tư, vật liệu tới công trường.
Dự án thủy điện Nậm Đông 3 (Túc Đán, Trạm Tấu), nhà đầu tư đã đền bù, giải phóng mặt bằng từ năm 2005 nhưng dân ở thôn Làng Linh, Pá Khoang vẫn cản trở, không cho thi công. Tình hình hiện đã cải thiện, nhưng “Chúng tôi cần được chính quyền địa phương, nhất là xã và huyện Trạm Tấu bảo đảm thuận lợi về an ninh trật tự để hoàn thành sớm dự án” - Giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển điện Miền Bắc III Đỗ Thế Ngân đã khẩn khoản.
Tiến độ thực hiện các dự án thủy điện được thúc đẩy bởi nỗ lực của nhà đầu tư; sự phối hợp của các ngành liên quan và địa phương. Những vấn đề đặt ra trong quá trình triển khai dự án cần được nhà đầu tư và các cấp, các ngành phối hợp khắc phục kịp thời để các dự án sớm hoàn thành, bảo đảm lợi ích của nhà đầu tư, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Tuấn Anh
Các tin khác
Chiều 27.5, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã tiếp bà Victoria Kwakwa - Giám đốc quốc gia của Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam.
Ủy ban châu Âu (EC) đã cam kết viện trợ không hoàn lại 44 triệu EUR (tương đương 60 triệu USD) giúp Việt Nam thực thi kế hoạch phát triển kinh tế xã hội giai đoạn 2006-2010.
Ngày 20-5, Công ty cổ phần Sợi quang Việt (VFO) đã khởi công xây dựng nhà máy sản xuất sợi quang kỹ thuật cao - sử dụng trong lĩnh vực viễn thông, công nghệ thông tin - tại Khu công nghiệp Bàu Bàng (huyện Bến Cát, tỉnh Bình Dương), trị giá 176 triệu USD.
Hơn 7.500 tỷ đồng đã được các doanh nghiệp cam kết đầu tư vào khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng (Lạng Sơn). Cam kết này được đưa ra tại Hội nghị xúc tiến đầu tư vào Khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng ngày 20/5/2009.