Khởi công khai thác mỏ sắt lớn nhất Đông Nam Á
- Cập nhật: Thứ ba, 8/9/2009 | 12:00:00 AM
Giấc mơ khai thác mỏ sắt Thạch Khê, mỏ sắt lớn nhất Đông Nam Á, kéo dài suốt 50 năm qua đang sắp trở thành hiện thực. Hôm nay (8/9), dự án này chính thức được khởi công.
Với trữ lượng 554 triệu tấn, mỏ sắt Thạch Khê (tỉnh Hà Tĩnh) là mỏ sắt lớn nhất Đông Nam Á đồng thời là mỏ chiếm ½ trữ lượng quặng sắt của cả nước.
Được biết đến từ đầu thập kỷ 60 của thế kỷ trước thế nhưng giấc mơ khai thác mỏ sắt Thạch Khê vẫn cứ là giấc mơ vì có quá nhiều khó khăn mà công nghệ khai thác suốt bao nhiêu năm qua không thể đáp ứng. Những khó khăn xuất phát từ chỗ: mỏ sắt Thạch Khê nằm sát bờ biển với nền địa chất yếu, lượng quặng tập trung nằm ở độ sâu tới 750 mét âm (-750 m), hàm lượng kẽm trong sắt lớn hơn mức bình thường…
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng thăm khai trường mỏ sắt Thạch Khê. |
Phải đến những năm đầu của thế kỷ XXI, những thách thức nói trên mới tìm thấy lời giải. Hiện tại các nhà thầu tư vấn quốc tế đã hoàn chỉnh báo cáo khả thi, thiết kế kỹ thuật.
Dự án khai thác mỏ sắt Thạch Khê đã xác định được chủ đầu tư là Công ty cổ phần khai thác mỏ sắt Thạch Khê (TIC). Công ty có vốn pháp định 2.400 tỷ đồng với sự tham gia của các tập đoàn kinh tế và Tổng công ty hàng đầu như Tập đoàn Than và khoáng sản Việt Nam, Tập đoàn Bưu chính viễn thông, Tổng công ty Thép, Tổng công ty Sông Đà, Tổng công ty Khoáng sản và thương mại Hà Tĩnh...
Mỏ sắt Thạch Khê sẽ chính thức được khởi công với việc triển khai hợp đồng bóc đất tầng phủ. Sắt Thạch Khê được kỳ vọng là sẽ làm thay đổi diện mạo đời sống kinh tế xã hội của Hà Tĩnh, biến Hà Tĩnh từ một tỉnh thuần nông thành một trong những trung tâm công nghiệp nặng của cả nước và là trung tâm khai thác luyện cán thép lớn nhất Việt Nam.
Để phục vụ cho việc khai thác mỏ sắt Thạch Khê, tỉnh Hà Tĩnh đã có một sự chuẩn bị bền bỉ suốt từ nhiều năm qua. Đó là việc kêu gọi các dự án xây dựng đường nối quốc lộ 1A đi mỏ sắt, xây dựng đường nối mỏ sắt đi khu kinh tế Vũng Áng, đó là việc khởi công xây dựng hồ chứa nước Ngàn Trươi 800 triệu m3 để cung cấp nước cho khai thác quặng…
2 năm qua chủ đầu tư đã tiến hành bóc đất tầng phủ mỏ sắt Thạch Khê để thử nghiệm công nghệ. |
Một vấn đề đặt ra hiện nay đó là việc tổ chức di dời cho gần 4.500 hộ dân thuộc 6 xã của huyện Thạch Hà bị ảnh hưởng là Thạch Đỉnh, Thạch Khê, Thạch Hải, Thạch Lạc, Thạch Bàn và Thạch Trị. Tổng kinh phí đền bù giải phóng mặt bằng hỗ trợ tái định cư phục vụ khai thác mỏ sắt Thạch Khê lên tới gần 3.500 tỷ đồng. Một cuộc di dời lớn chưa từng thấy đang được khởi động trên đất Hà Tĩnh.
Là mỏ sắt lớn nhất Đông Nam Á, việc khai thác có ý nghĩa quan trọng cho việc chủ động nguồn nguyên liệu sản xuất thép trong nước do vậy chính phủ xác định dự án khai thác mỏ sắt Thạch Khê là dự án trọng điểm của ngành công nghiệp. Để tạo bước đi thận trọng, được sự nhất trí của các bộ ngành Trung ương, trong 2 năm qua chủ đầu tư đã tiến hành bóc đất tầng phủ nhằm thử nghiệm công nghệ. Đến nay các đơn vị đã bốc được 1,5 triệu m3 đất, đã bước đầu khẳng định được tính khả thi trong việc ứng dụng công nghệ hiện có.
Giấc mơ khai thác mỏ sắt Thạch Khê đang dần trở thành hiện thực. Và khi giấc mơ khai thác sắt Thạch Khê thành hiện thực thì giấc mơ biến Hà Tĩnh thành trung tâm công nghiệp của cả nước là hoàn toàn nằm trong tầm tay bởi sắt Thạch Khê cùng với khu kinh tế Vũng Áng (nơi mà dự án luyện thép lớn nhất Việt Nam đang triển khai) sẽ kéo theo hàng loạt công nghiệp phụ trợ ra đời.
(Theo VTC)
Các tin khác
Sáng 5-9 tại Đắc Lắc đã diễn ra diễn đàn Xúc tiến đầu tư với chủ đề "Tây Nguyên - Thức dậy những tiềm năng", do Ban Chỉ đạo Tây Nguyên, Bộ Kế hoạch và Ðầu tư, UBND 5 tỉnh Tây Nguyên phối hợp với Ngân hàng Ðầu tư và Phát triển (BIDV) tổ chức.
YBĐT - Ngày 2/9, Sở Xây dựng tỉnh Yên Bái đã tổ chức Lễ khởi công gói thầu số 3 xây dựng Nhà bảo tàng tỉnh Yên Bái. Các đồng chí Hoàng Xuân Lộc - Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch HĐND tỉnh; đồng chí Hoàng Thương Lượng - Phó bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh đã dự lễ khởi công công trình.
Sáng 1/9, cầu đường bộ bắc qua thượng nguồn sông Hồng từ Khu thương mại – công nghiệp Kim Thành (thành phố Lào Cai, Việt Nam) nối Khu khai phát Bắc Sơn (thị trấn Hà Khẩu, tỉnh Vân Nam, Trung Quốc) đã chính thức thông xe.
Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam Mitsuo Sakaba cho biết trong năm nay, Chính phủ Nhật Bản sẽ dành cho Việt Nam khoản viện trợ phát triển chính thức (ODA) lớn nhất từ trước đến nay, cao hơn cả mức của năm 2007.