500 tỷ đồng được ký kết trong khai mạc Techmart Việt Nam ASEAN + 3

  • Cập nhật: Thứ sáu, 18/9/2009 | 12:00:00 AM

Dưới sự chứng kiến của các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước ta, 48 hợp đồng trị giá 502 tỷ đồng đã được ký kết ngay sau lễ khai mạc Chợ công nghệ và thiết bị Việt Nam Asean + 3 (Techmart Vietnam ASEAN + 3) được xem là lớn nhất từ trước đến nay.

Trong số này, hợp đồng lớn nhất trị giá 240 tỷ đồng được ký giữa Viện KHCN Mỏ và Công ty Than Nam Mẫu, đều thuộc Tổng công ty Than Khoáng sản Việt Nam hợp tác sử dụng máy khấu Combine kết hợp giàn chống tự hành để khai thác than.

Hợp đồng thứ hai có giá trị 150 tỷ đồng, trong đó Công ty Cổ phần thiết bị Điện Đông Anh sẽ thiết kế, chế tạo, lắp đặt máy biến áp điện lực ba pha cấp điện áp 500kV kèm theo các phụ tùng, phụ kiện dự phòng tại Nho Quan, Ninh Bình cho Công ty truyền tải điện I.

Một hợp đồng khác trị giá 91 tỷ đồng cũng được ký giữa Công ty cổ phần truyền thông Mekong và Công ty Lion Asia Investment nhằm hợp tác chuyển giao công nghệ tích hợp đa dịch vụ truyền thông trên nền IP tại tất cả các công trình xây dựng do Lion Asia đầu tư.


Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân tham quan
gian hàng của Trung tâm Tiết kiệm năng lượng TP Hồ Chí Minh.

Phát biểu tại lễ khai mạc, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân nêu lại lịch sử các kỳ Techmart từ năm 2003 đến nay và nhấn mạnh ý nghĩa của Techmart Việt Nam ASEAN + 3 lần này với sự tham gia của tám nước ASEAN và Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc. Phó Thủ tướng khẳng định, đây là chợ thiết bị và công nghệ lớn nhất từ trước tới nay và biểu dương Bộ KH-CN cùng UBND TP Hà Nội và UBND TP Hồ Chí Minh đã phối hợp tổ chức hội chợ quy mô này.

Techmart Việt Nam ASEAN + 3 có 651 đơn vị đăng ký tham gia, trong đó có 600 đơn vị trong nước và 51 đơn vị nước ngoài với khoảng 778 gian hàng giới thiệu, chào bán trên 2.900 công nghệ và thiết bị thuộc hầu hết các lĩnh vực sản xuất đời sống.

Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Thảo cho biết, chợ techmart lần này là sự ra quân hùng hậu của tất cả các lực lượng KHCN trong nước, từ trung ương đến địa phương. Lần đầu tiên, 10 chương trình khoa học và công nghệ cấp nhà nước tham gia giới thiệu và chào bán các công nghệ, thiết bị tiên tiến, có hàm lượng trí tuệ cao, có khả năng hỗ trợ nâng cao năng lực công nghệ của nhiều doanh nghiệp, góp phần đẩy mạnh sản xuất các sản phẩm chủ lực.

Techmart Việt Nam ASEAN + 3 có 46 viện nghiên cứu và 14 trường đại học hàng đầu của cả nước tham gia, tổng cộng có 50 gian hàng giới thiệu và cháo bán thiết bị tiên tiến, công nghệ cao như chế tạo máy, điện tử-viễn thông, công nghệ thực phẩm...

Đặc biệt lần này có sự tham gia đông đảo của 36 Sở Khoa học và công nghệ các tỉnh, thành trong nước. Ngoài ra, còn có 455 đơn vị, cá nhân là các nhà khoa học và công nghệ hoạt động tại các doanh nghiệp, các làng nghề truyền thống cũng đến tham dự.

Ban tổ chức cũng bố trí gian hàng cho 14 nhà sáng tạo quần chúng được các sở KH-CN lựa chọn, đại diện cho phong trào sáng tạo quần chúng của cả nước. Tiêu biểu trong số này là máy cải tiến công nghệ sản xuất sợi đũi của ông Trần Văn Tuấn ở Thái Bình, máy hút bùn cải tạo ao hồ nuôi thủy sản của ông Phan Văn Pha ở Trà Vinh, máy xới cỏ của ông Võ Văn Nghiêm ở Gia Lai, máy tuốt củ lạc của ông Nguyễn Văn Hai ở Bình Thuận...

Trong các ngày 18 đến 20-9, bên lề hội chợ là các hội thảo chuyên ngành về công nghệ môi trường, sở hữu trí tuệ, tiết kiệm năng lượng, chế biến lương thực, thực phẩm...; các buổi thuyết trình công nghệ, thiết bị điển hình trong lĩnh vực hóa chất, vật liệu, môi trường, nông nghiệp, thủy sản...

Chiều 20-9, sau lễ trao Cúp vàng Techmart Việt Nam ASEAN+3 và bằng khen cho các tổ chức và cá nhân là lễ bế mạc Chợ công nghệ.
 
(Theo NDĐT)

Các tin khác

Ngày 17/9, Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) và Chính phủ Việt Nam đã ký một hiệp định cho vay trị giá 151 triệu USD, nhằm giúp Việt Nam mở rộng và nâng cao dịch vụ điện năng ở các cộng đồng nghèo vùng sâu, vùng xa sử dụng năng lượng tái tạo.

Nhà máy điện hạt nhân.

Theo kế hoạch phát triển điện hạt nhân ở Việt Nam, đến năm 2025, nhà máy điện hạt nhân (NMĐHN) Ninh Thuận sẽ cung cấp lượng điện là 11.000 MW/ mỗi năm và đến 2030 có thể đạt tới 15.000- 16.000 MW.

YBĐT - Thực hiện chương trình kiên cố hóa kênh mương và phát triển giao thông nông thôn trên địa bàn thị xã Nghĩa Lộ (Yên Bái), với phương châm Nhà nước và nhân dân cùng làm; khuyến khích huy động mọi nguồn lực và tổ chức thực hiện có chất lượng hiệu quả.

Hành khách đi Hà Nội đến TP HCM chỉ mất 5 giờ 30 phút. Với vốn đầu tư khoảng 38 tỷ USD, nếu được phê duyệt, đây sẽ là dự án lớn nhất trong lịch sử ngành giao thông.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục