Ba trọng điểm thu hút đầu tư vào Tây Bắc
- Cập nhật: Thứ ba, 30/11/2010 | 2:46:34 PM
YBĐT - Công nghiệp chế biến nông - lâm - thủy sản, kết cấu hạ tầng, phát triển du lịch - dịch vụ là ba lĩnh vực trọng tâm được các tỉnh Tây Bắc chú trọng thu hút đầu tư thời gian tới.
Công nghiệp chế biến nông - lâm thủy sản là 1 trong 3 lĩnh vực trọng tâm được các tỉnh Tây Bắc chú trọng thu hút đầu tư.
Trong ảnh: Sơ chế quế cành ở Văn Yên thu hút nhiều lao động địa phương. (Ảnh: Thanh Chi)
|
Công nghiệp chế biến nông - lâm - thủy sản, kết cấu hạ tầng, phát triển du lịch - dịch vụ là ba lĩnh vực trọng tâm được các tỉnh Tây Bắc chú trọng thu hút đầu tư thời gian tới.
Khác với kỳ xúc tiến đầu tư lần trước (tổ chức tại Lào Cai năm 2008), Diễn đàn Xúc tiến đầu tư vào các tỉnh Tây Bắc, dự kiến tổ chức vào ngày 10/12/2010 tại Yên Bái, không đặt ra bất kỳ con số cụ thể nào.
Lý giải về sự thay đổi này, ông Đỗ Nhất Hoàng, Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), một trong những cơ quan đồng tổ chức Diễn đàn cho biết, đã đến lúc, cần xây dựng các kế hoạch thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) dựa trên khả năng giải ngân và hấp thụ của nền kinh tế. "Kết quả của Diễn đàn có thể thấy ngay trong năm 2011, nhưng cũng có thể phải tới năm 2012, 2013 mới có được. Nhưng tôi kỳ vọng rằng, với tiềm năng sẵn có và sự quan tâm của các nhà đầu tư, sẽ có thêm nhiều vốn đầu tư được đổ vào Tây Bắc trong thời gian tới", ông Hoàng nói và chia sẻ rằng, thời gian gần đây, khá nhiều nhà đầu tư nước ngoài đã bày tỏ sự quan tâm tới các cơ hội đầu tư ở các tỉnh Tây Bắc, khi một số nhà đầu tư có xu hướng dịch chuyển đầu tư từ Trung Quốc sang Việt Nam để tận dụng nguồn nhân công giá rẻ hơn.
Chưa thể tiết lộ các kế hoạch đầu tư cụ thể của các nhà đầu tư này, nhưng ông Hoàng cho biết, có thể sẽ có những dự án lớn trị giá cả trăm triệu USD. "Khu vực Tây Bắc có nguồn nhân lực tốt, ổn định, trong khi cơ sở hạ tầng đã và đang được đầu tư. Với nội lực sẵn có và với xu thế của các nhà đầu tư như vậy, thu hút đầu tư vào Tây Bắc sẽ khả quan hơn", ông Hoàng nhận định.
Thực tế cho thấy, thu hút đầu tư của khu vực Tây Bắc trong thời gian qua còn khá hạn chế. Hiện mới có trên 200 dự án FDI, với tổng vốn khoảng 1,4 tỷ USD đầu tư vào Tây Bắc. Con số này, theo đánh giá của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng như Ban chỉ đạo Tây Bắc, còn dưới mức tiềm năng. Tiềm năng đó, theo ông Lê Khả Đấu, Phó trưởng ban Chỉ đạo Tây Bắc, chính là khả năng phát triển kinh tế hàng hóa, khai thác sắt, than, phát triển thủy điện, vật liệu xây dựng, cũng như phát triển kinh tế rừng…
"Công nghiệp chế biến nông, lâm sản gắn với phát triển vùng nguyên liệu phát triển nhanh, đang tạo ra vị thế mới cho đầu tư, kinh doanh nông, lâm nghiệp. Tiềm năng sản xuất vật liệu xây dựng như đá ốp lát, gạch không nung, xi măng… được quan tâm sâu sắc. Các nhà máy thủy điện lớn như Sơn La, Lai Châu, Tuyên Quang… được tập trung cao độ. Khai thác và chế biến sâu các loại khoáng sản có trữ lượng lớn trong vùng như sắt, đồng, chì, kẽm, apatit… đang được xúc tiến mạnh mẽ. Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội được đặc biệt quan tâm…", ông Đấu hồ hởi nói về thế mạnh của Tây Bắc. Tuy nhiên, ông Đấu cũng thừa nhận những điểm yếu của vùng đất này, như xa xôi về địa lý, yếu kém trong công tác quản lý, chưa thu hút mạnh mẽ các nguồn lực cho đầu tư phát triển.
Chính vì vậy, theo ông Đấu, việc tổ chức Diễn đàn Xúc tiến đầu tư vào Tây Bắc lần này được kỳ vọng sẽ tạo điều kiện cho các địa phương tăng cường thu hút các nguồn vốn đầu tư trong và ngoài nước, nhằm khai thác có hiệu quả tiềm năng, lợi thế của toàn vùng.
Cũng theo ông Đấu, tới đây, các tỉnh Tây Bắc sẽ tập trung thu hút đầu tư trong 3 lĩnh vực chính. Đó là công nghiệp chế biến nông - lâm - thủy sản, kết cấu hạ tầng và phát triển du lịch - dịch vụ. "Phát triển công nghiệp chế biến là nhằm mang lại lợi ích thực sự cho người dân trong vùng, chứ không chỉ như các dự án khai khoáng. Phát triển hạ tầng là nhằm tháo gỡ các điểm nghẽn phát triển cho Tây Bắc. Còn phát triển du lịch là bởi Tây Bắc có trục du lịch về cội nguồn rất có tiềm năng phát triển", ông Đấu phân tích và cho biết, bên cạnh đó, các tỉnh Tây Bắc cũng rất hoan nghênh đầu tư vào các lĩnh vực như vật liệu xây dựng, thủy điện, trồng rừng nguyên liệu, đào tạo nhân lực…
Ông Hoàng Thương Lượng, Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái khẳng định, chính quyền tỉnh Yên Bái cũng như các tỉnh Tây Bắc cam kết sẽ luôn đồng hành cùng các nhà đầu tư, sẵn sàng chia sẻ khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư tới đầu tư, kinh doanh tại khu vực.
Có vẻ như, tất cả đã sẵn sàng để chờ đón các dòng vốn lớn đổ về Tây Bắc.
(Theo báo Đầu tư)
Các tin khác
YBĐT - Suối Giàng - vẻ đẹp tiềm ẩn, phù hợp cho du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, tìm hiểu văn hoá bản địa. Khu du lịch Suối Giàng bốn mùa bồng bềnh mây trắng, hấp dẫn du khách bởi khí hậu, vị ngọt của chè Shan tuyết cổ thụ và tiếng khèn, tiếng sáo, tiếng đàn môi cùng tiếng hát trao duyên của các chàng trai, cô gái Mông căng tràn sức sống réo rắt gọi mời du khách và các nhà đầu tư.
YBĐT - Là tỉnh cửa ngõ vùng Tây Bắc, Yên Bái nằm cách thủ đô Hà Nội 180 km, với tổng diện tích tự nhiên trên 6.899 km2, vị trí thuận lợi về giao thông đường bộ, đường thủy, đường sắt và tương lai không xa có đường hàng không.
YBĐT - Ngày 27/11, tại bản Đá Đen xã Nậm Có huyện Mù Cang Chải, Công ty Cổ phần Đầu tư Xây dựng và Phát triển Trường Thành tổ chức lễ động thổ dự án đầu tư xây dựng thuỷ điện Ngòi Hút 2.
YBĐT - Mặc dù còn nhiều khó khăn trong đầu tư phát triển, nhưng trong những năm qua, tỉnh Yên Bái vẫn ưu tiên nguồn lực cho đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng để thu hút nhà đầu tư và các khu công nghiệp.