Bức tranh quê núi qua “Tiếng hú trên đỉnh Pù Cải”

  • Cập nhật: Thứ sáu, 4/8/2017 | 12:20:16 PM

YBĐT - Sau các tập truyện "Rừng Pha Mơ yêu dấu", "Những ánh sao xanh" và tập ký "Trên đỉnh La Pán Tẩn", Nông Quang Khiêm vừa cho ra mắt bạn đọc tập truyện ngắn "Tiếng hú trên đỉnh Pù Cải" - Nhà Xuất bản Trẻ năm 2017.

Kể về mình, anh viết: "Tôi sinh ra ở miền núi, trong một bản nhỏ ven hồ Thác Bà thơ mộng, thấm đẫm không gian văn hóa Tày. Cuộc sống mới tràn về, cái bản nhỏ ấy đang cựa quậy theo nhịp sống hiện đại. Những con người, những mảnh đời, những thân phận nơi tôi sống, tôi chứng kiến chỉ cần kể lại thôi cũng thành một truyện ngắn rồi. Tôi đến với văn học tự nhiên và viết cũng tự nhiên như thế".
 
Vậy nên, từ "Rừng Pha Mơ yêu dấu", "Những ánh sao xanh" đến "Tiếng hú trên đỉnh Pù Cải", con người và cuộc sống nơi vùng quê Xuân Lai - Yên Bình cứ hiển hiện sống động trước mắt bạn đọc. Ta như gặp ở đây những tên bản, tên suối, tên núi quen thuộc: bản Lồ, bản Mẩy, bản Luông, bản Cốc Nhội cùng suối Trò, núi Ngàng, Pù Cải, Éc Vài...
 
Cũng ở đây, cuộc sống lam lũ cùng bao buồn thương của người dân quê diễn ra ngày lại ngày như "con đường hun hút". Đó là Nải (Gió qua Éc Vài) vì cuộc sống nghèo khó mà phải thân gái khăn gói lên đỉnh Éc Vài giữa bao nhiêu rình rập của cạm bẫy người "dựng lán, tối đến nổi lửa, nướng ngô bán" mong khi về có "lùm lùm một túi tiền dắt ở cạp váy". Còn Pu, người yêu của Nải cũng ôm theo khát vọng đổi đời "Nghèo mà cứ cam chịu thì lúc nào mới hết nghèo" nên dấn thân vào con đường kiếm tìm đá quý để "về nhà bằng đôi chân thọt và một bọc tiền lớn vắt chéo trên vai".
 
Rồi Nải bị lừa bán qua biên giới may trốn về được và định quyên sinh bằng nắm lá ngón. Dù tái hợp song câu chuyện của họ lại là một kết cục buồn "Hai người gục vào nhau, bóng đổ dài trên dốc núi. Gió ở đâu cứ ùa về trên đỉnh Éc Vài, cuốn theo những mây là mây mù mịt. Pu đưa tay kéo Nải dậy. Hai người liêu xiêu dắt dìu nhau xuống núi trong chiều thông thốc gió". Với Dìn và Mây (Gió cuốn mây ngàn) thì chuyện buồn ở trong hoàn cảnh khác. Hai con người, hai dân tộc Tày và Dao yêu nhau với ý định tốt "Người hai bản mất đoàn kết, mình sẽ là sợi dây kết nối hai bản lại với nhau".
 
Ước mơ cho Mây đi học để về làm cán bộ xã, để "cuộc sống của vợ chồng Dìn và của con cái sau này mới bớt đi khốn khó". Điều đó đã giúp Dìn có đủ nghị lực để vượt lên gian khổ kiếm tiền nuôi Mây ăn học. Nhưng những đồng tiền ít ỏi từ nghề đánh rọ tôm của chồng đâu đủ chi phí học hành và nhu cầu cuộc sống nơi thành phố. Mây phải đi làm thêm và rơi vào bẫy của lũ dư tiền đầy dục vọng.
 
Hạnh phúc gia đình tan vỡ, Mây mắc căn bệnh AIDS thế kỷ và sống đau khổ trong tiếng xì xầm của người bản Luông "Đấy! Ăn cơm quẳng nồi, tham giàu, giờ đã sáng mắt ra chưa". Cuộc sống nghèo khó nhiều khi cũng làm cho con người ta trở nên túng quẫn và đánh mất cái thiên lương. Khủ (Mùa suối lũ), vì một chút đố kỵ với ông Xù đã viết câu thơ "giết chết hẳn một con người" cùng lấy mất nghề xăm ba ba kiếm sống của ông để cứ phải day dứt vì ân hận.
 
Loóng (Chuyện ở Bản Lồ) trót nảy lòng tham ăn cắp tài sản công để vừa mắc mưu kẻ tham ô lại "mang tiếng là thằng ăn trộm suốt đời". Rồi Tôi (Đường quê) "bao nhiêu năm gồng mình học hành những mong thoát khỏi cái bản nghèo xác xơ đầy những buồn đau tủi nhục này, luẩn quẩn, lại quay về". Tu (Nẻo về) vì nhà nghèo không đủ tiền lấy vợ phải tha phương lập nghiệp với mối tình xưa ấp ủ trong lòng. Đã có những người vượt lên hoàn cảnh gây dựng cuộc sống khá giả song nhìn chung bức tranh quê vẫn mang một màu sắc chưa mấy sáng sủa giữa nền kinh tế thị trường đang bủa vây nông thôn miền núi.

Những nhân vật được tác giả chú ý miêu tả với nhiều thiện cảm vẫn là người phụ nữ. Hầu hết họ đều đẹp người, đẹp nết song lại bị ràng buộc bởi hoàn cảnh gia đình đành cam chịu cuộc sống khổ cả về vật chất lẫn tinh thần. Một cô Sa (Đường quê) con Tào Pú không vượt qua nổi định kiến giàu nghèo dẫn đến tình yêu đầu đời tan vỡ. Nàng Nhình (Nẻo về), nàng Xao (Tiếng hú trên đỉnh Pù Cải), Nải (Gió qua Éc Vài) cùng chung số phận là nạn nhân của đồng tiền.
 
Kể chuyện về vùng quê xa chốn thị thành mà ta vẫn thấy sự tha hóa của lối sống, băng hoại của đạo đức đã len lỏi đâu đây. Nếu không bị cám dỗ bởi lời đường mật "cả đời quẩn quanh ở hai ba cái bản, không bước qua nổi ngọn núi Pù Cải thì chỉ làm lụng khổ mãi như con trâu, con bò thôi" thì Xao đâu đau khổ vì bị lừa mà hóa đá. Hư cấu vậy thôi, hình như cuộc sống đã mặc định ai sa vào đó đều phải chịu hậu quả xấu: Mây phản bội người chồng cuối đời sống thảm; Thảo Ly (Hai lần gặp gỡ) con bé mồ côi thành kẻ móc túi chuyên nghiệp rồi bị đánh đập; mẹ Chít (Ngày cuối năm) đem cả của cải gia đình và thân xác đánh đổi trong cuộc đỏ đen danh lợi đã chuốc lấy thất vọng ê chề...
 
Giữa hỗn độn, xô bồ, Nông Quang Khiêm vẫn nhận ra cái tốt mang tính bản chất là tình người nơi các bà mẹ. Tào Pú cha của Sa độc ác không làm lễ đưa ma cho đứa cháu xấu số, lại còn cắn đứt ngón tay út của nó đem về làm ma Slay nhà mình, tội thật đáng chết mà mẹ vẫn "Thôi con ơi! Để nó làm Slay nhà người cũng hơn làm Phi Eng ngoài đồng cô quạnh. Cái cây gãy cành cây lại mọc cành con à! Về thôi". Bà mẹ của Mây, của Nải, của Nhình và nhất là ềm Lùng - mẹ của Éng (Nàng hương) với tấm lòng bao dung có tác dụng cảm hóa Dung thành người con dâu hiền thảo "Có lỗi lầm thì đứng lên mà sửa để làm người chứ sao lại muốn làm ma hả con?".

Hướng thiện và tìm đến một cái kết có hậu là đích của truyện ngắn Nông Quang Khiêm. Để Dìn đi tìm thuốc cứu Mây, Dung thành vợ Éng, Nải về lại với Pu hay Nhình dù bị Thạ hành hạ đã bao lần ôm con ra đi nhưng rồi vẫn quay lại với mong muốn "Nhình sẽ vực lại cái gia đình này, tất cả trông chờ Nhình và chỉ có Nhình mới làm được".
 
Cũng vì "Những con người, những mảnh đời, những thân phận nơi tôi sống, tôi chứng kiến chỉ cần kể lại thôi cũng thành một truyện ngắn rồi" nên truyện của anh không thiên về lối kết cấu cầu kỳ mà cứ để nó tự diễn ra như cuộc sống vốn có. Tuy vậy đã có vài truyện khá thành công trong việc sắp đặt chi tiết, thể hiện rõ dụng ý nghệ thuật của tác giả như: Đường quê, Nẻo về, Trên đỉnh Pù Cải, Gió cuốn mây ngàn.

Ở tập truyện này, tác giả vẫn giữ được những trang miêu tả về quê hương thật sinh động. Đó là một dòng suối từng gắn bó với tuổi thơ "Từ dãy núi Ngàng mờ xa, dòng suối Cốc Trò đi ra từ rừng cây, ầm ào qua các thác đá. Đến trước bản tôi suối lượn vòng như rồng uốn khúc, lững lờ trôi.
 
Những chiều hè, lũ trẻ chúng tôi lùa trâu vào khe núi rồi ùa xuống suối tắm. Suối ôm chúng tôi vào lòng dịu dàng, xua đi cái nóng hầm hập của nắng hè" (Mùa suối lũ). Hay ngọn gió nơi bản nghèo "Từng ngọn gió thông thốc thổi qua đỉnh Éc Vài, xuống bản. Gió xô đám vỏ ngô bay lạo xạo ngoài sân, thông thốc thổi vào ngôi nhà bạc phếch nắng mưa của mẹ con Nải" (Gió qua Éc Vài).
 
Và anh cũng đã khéo léo kết hợp tả cảnh với tả tình, biến cảnh vật thành tâm cảnh nhằm tạo hiệu ứng nghệ thuât "Vẫn mùa hoa chó đẻ xao xác, rụng trắng cả ngọn đồi. Chúng tôi đi qua nhau, chân bước như đeo đá. Con đường trước mặt tôi và Sa cứ dài hun hút" (Đường quê).

Đọc Nông Quang Khiêm, cái thích nhất vẫn là vốn hiểu biết về văn hóa dân tộc Tày. Chịu ảnh hưởng của ông ngoại - nhà văn Hoàng Hạc chăng mà chất Khảm Hải ta thường thấy trong các bài cúng được tác giả khéo vận dụng vào trang miêu tả. Thật xót xa trước cái chết của đứa trẻ yểu mệnh qua lời khóc than đứt quãng của ông thầy tào "Ới la... sao con lỡ bỏ mẹ bỏ cha mà đi... về cánh đồng Phi Eng lạnh lẽo lắm nhé! Ời là... biết kể sao cho hết nỗi buồn đau... ời là...".
 
Rồi buồn làm sao khi chứng kiến cảnh ruột gan Nhình như xát muối trong đêm tân hôn nghe lời yêu vọng vào "Đêm nghe chim khẳm khắc vọng thương/ Khẳm khắc chẳng đủ đôi than thở/ Khẳm khắc cũng buồn nhớ như ta/ Cũng buồn còn có cây mà đậu/ Anh buồn đi chín núi mười phương/ Đạo bạn nghĩa từ nay thôi đoạn/ Em thôi về cách bản cùng người".
 
Nhình ngồi bật dậy. Đó là giọng hát của Tu. Nhình ra cửa sau, cuống cuồng đi về phía có tiếng hát như ma ám. Tu lại đi rồi! Trên cây ngõa còn để lại nhằng nhịt vết dao chém, nhựa ứa ra từng giọt (Gió qua Éc Vài). Sống ở quê, lời ăn tiếng nói người quê cũng trở thành một thứ tài nguyên quý làm nên giọng điệu riêng của tác giả, có sức hấp dẫn bởi sự lạ hóa ngôn ngữ văn chương.
 
Hầu như ở truyện nào ta cũng gặp, từ lời bàn tán xôn xao của người bản Mấy về chuyện của Dìn và Mây "Đấy! Quả ớt nhìn ngoài thì đẹp, ở trong ăn cay đúng không","Xương gãy không lòi ra ngoài ai biết được đâu" (Gió cuốn mây ngàn); hay lời mẹ già khuyên Xao tái giá "Mình đã từng lầm lỡ, giờ có người thương thì làm lại cuộc đời con ạ! Bố mẹ già rồi, thịt xương đã thơm mùi giun đất... con không thể ở mãi thế được" (Tiếng hú trên đỉnh Pù Cải).

Trong tập "Những ánh sao xanh", Nông Quang Khiêm viết: "lớn lên nghe người ta nói quê tôi nghèo nhưng tôi biết, tôi luôn có những thứ mà nơi khác, người khác không có, những thứ không thể mua được dù thật nhiều tiền”. Hồn quê, tình yêu với quê hương đã làm nên thành quả bước đầu, tạo đà cho anh bước tới những khung trời mới.

Thế Quynh

Các tin khác

YBĐT - Không chọn những sản phẩm rau màu thông thường dễ đầu ra, chàng du học sinh hụt thế hệ 8x Phạm Thế Đạt đã chọn khởi nghiệp từ cây hành lá. Đạt đang là chủ Hợp tác xã Nông nghiệp và Dịch vụ mang tên anh chuyên trồng hành lá với ước mơ làm giàu trên đồng đất quê hương.

Ảnh minh họa

YBĐT - Thực hiện chương trình công tác Đoàn và phong trào thanh thiếu nhi, Trung tâm hoạt động Thanh thiếu nhi tỉnh tổ chức tuyển sinh chương trình Học kỳ trong quân đội và các lớp năng khiếu hè 2017.

Jimmy Kimmel là MC tại Oscar lần thứ 90.

Jimmy Kimmel, một trong những người dẫn chương trình truyền hình nổi tiếng nhất nước Mỹ, sẽ tiếp tục dẫn lễ trao giải Oscar lần thứ 90, dự kiến diễn ra ngày 4/3/2018.

Em Đặng Thị Phương Thảo.

YBĐT - Nếu ai đã từng gặp Đặng Thị Phương Thảo thì chắc hẳn sẽ ấn tượng về một cô bé người Dao nhỏ nhắn với đôi mắt sáng và nụ cười hồn nhiên, dễ thương. Trải qua mất mát lớn nhất trong đời khi bố mẹ đều mất sớm, Thảo vẫn nỗ lực vượt khó vươn lên trong học tập và cuộc sống.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục