Sáng chế của hai cậu học trò chuyên Sinh

  • Cập nhật: Thứ năm, 29/3/2018 | 7:16:59 AM

YBĐT - Một chiếc máy hoàn toàn mới, chưa có trên thị trường, thay thế sức người bằng máy móc nhằm nâng cao chất lượng, giảm giá thành, đáp ứng mục tiêu của công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông thôn - đó là sáng chế "Máy xé măng” của em Hoàng Thái Sâm và Nguyễn Quang Đạt - học sinh lớp 11 Sinh, Trường THPT Chuyên Nguyễn Tất Thành.

Các em Hoàng Thái Sâm và Nguyễn Quang Đạt vận hành máy xé măng.
Các em Hoàng Thái Sâm và Nguyễn Quang Đạt vận hành máy xé măng.


Hiện nay, tre măng Bát Độ không chỉ phục vụ nhu cầu của người dân trong tỉnh, trong nước mà còn trở thành một mặt hàng xuất khẩu ra nước ngoài với nhiều loại: măng khô, măng tươi xé sợi... Đối với mặt hàng măng xé sợi, sợi măng yêu cầu phải đạt tiêu chuẩn chất lượng, kích thước cũng như tính thẩm mỹ.
 
Em Hoàng Thái Sâm chia sẻ: "Trong khâu sơ chế măng có công đoạn là phải xé nhỏ măng miếng đã luộc thành từng sợi đều nhau để đáp ứng yêu cầu về tiêu chuẩn và chất lượng của sợi măng thành phẩm. Hiện nay, trên thị trường chưa có máy xé măng nên công đoạn đó được thực hiện hoàn toàn thủ công bằng tay. Việc sơ chế với số lượng lớn đòi hỏi phải có tay nghề cao, tốn kém thời gian, tốn nhiều nhân công... Bởi vậy, chúng em đã nghiên cứu thiết kế, chế tạo sản phẩm "Máy xé măng” với năng suất cao, chất lượng tốt và đạt độ chính xác cao”.

Từ ý tưởng đó, sau nhiều tháng tìm hiểu, nghiên cứu nguyên lý hoạt động của các loại máy cắt dạng sợi hiện có trên thị trường, Sâm và Đạt đã đưa ra các phương án thiết kế phù hợp cho dự án của mình. Được sự tư vấn của người có chuyên môn, hai em đã thiết kế chiếc máy xé măng với 5 bộ phận chính: bộ phận cấp liệu, bộ phận thoát, bộ phận tạo động lực và truyền lực, bộ phận cắt, bộ phận khung máy và vỏ bảo vệ.
 
Trong đó, bộ phận cắt đóng vai trò quyết định bởi với các loại máy cắt sợi trên thị trường khi cắt măng khiến sợi măng bị nát, không đều và dễ đứt gãy. Và bộ phận cắt của hai cậu học trò này đã khắc phục những nhược điểm trên. Bộ phận cắt này gồm 21 lưỡi dao đặt cách nhau 0,5 cm tạo thành một trục dao.
 
Bên dưới có một trục tì (đỡ) quay ngược chiều với trục dao cắt. Khi cắt, vật liệu được kéo vào giữa hai trục, đĩa dao trên trục dao sẽ tì lên trục đỡ để cắt vật liệu. Nguyên lý hoạt động của máy khá đơn giản nhưng sản phẩm măng đưa qua máy lại được cắt thành từng sợi theo đúng kích thước yêu cầu. Không chỉ đạt các tiêu chuẩn về chất lượng, sản phẩm máy xé măng của hai em học sinh chuyên Sinh này còn đáp ứng các yêu cầu về vệ sinh an toàn thực phẩm.
 
Em Nguyễn Quang Đạt cho biết: "Chúng em đã tiến hành cải tiến các nguyên vật liệu, từ lưỡi cắt bằng tôn sang inox không gỉ, băng chuyền từ vải sang nhựa PU, lô ép, lô đỡ từ gỗ sang nhựa POM… để đáp ứng yêu cầu của một máy cắt thực phẩm, bảo đảm an toàn”.

Được biết, tại Công ty cổ phần Yên Thành (tổ 3, thị trấn Yên Bình, huyện Yên Bình), một công nhân xé măng thủ công trong 1 giờ xé được khoảng 10kg măng; một ngày 1 người xé 12 giờ được khoảng 120kg măng sợi. Với nhu cầu xuất khẩu của Công ty là 90 đến 100 tấn/tháng, sẽ cần số nhân công khoảng 750 đến 840 công lao động/tháng. Như vậy, nhu cầu công lao động cho khâu sơ chế xé từ măng miếng thành măng sợi rất cao.
 
Mặt khác, khi xé măng thủ công bằng tay có những nhược điểm như: năng suất lao động thấp, chi phí cho sản xuất cao, ảnh hưởng đến sức khỏe người lao động (công việc không thay đổi tư thế trong một thời gian dài), chất lượng sản phẩm không đều…
 
Trong khi đó sản phẩm máy xé măng do các em sáng chế, 1 giờ hoạt động có thể xé được 50 kg măng với tỷ lệ đồng đều về kích thước lên tới 85%, tỷ lệ hao hụt nguyên liệu chỉ khoảng 6%. Bởi vậy, nếu sử dụng máy xé măng thay thế người lao động sẽ giảm chi phí cho công đoạn sơ chế. Người lao động không phải trực tiếp thực hiện công việc này mà chỉ gián tiếp điều khiển máy.

Với những lợi ích thiết thực, máy xé măng của các em Hoàng Thái Sâm  và Nguyễn Quang Đạt đã đạt giải Ba tại Cuộc thi Khoa học kỹ thuật cấp quốc gia năm học 2017 - 2018 dành cho học sinh trung học, do Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp tổ chức. 

Hoài Anh

Các tin khác
Hoa hậu Doanh nhân thế giới người Việt Nguyễn Lam Cúc tặng áo ấm cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn.

YBĐT - Là Tổng Giám đốc của hệ thống Adora Skincare & Luxury Spa chuyên chăm sóc sắc đẹp, cô gái ấy còn làm nên kỳ tích trên đấu trường sắc đẹp quốc tế khi giành danh hiệu "Hoa hậu Doanh nhân thế giới người Việt” được tổ chức tại Mỹ và nhận cú đúp giải thưởng Hoa hậu ảnh. Cô là Nguyễn Lam Cúc - người con của quê hương Yên Bái.

Khách tham quan trưng bày.

Ngày 29/11, cuộc trưng bày "Tìm lại ký ức” đã được khai mạc tại di tích Nhà tù Hỏa Lò (Hà Nội), nhân kỷ niệm 45 năm chiến thắng Điện Biên Phủ trên không (12/1972-12/2017).

YBĐT - Sau các tập truyện "Rừng Pha Mơ yêu dấu", "Những ánh sao xanh" và tập ký "Trên đỉnh La Pán Tẩn", Nông Quang Khiêm vừa cho ra mắt bạn đọc tập truyện ngắn "Tiếng hú trên đỉnh Pù Cải" - Nhà Xuất bản Trẻ năm 2017.

YBĐT - Không chọn những sản phẩm rau màu thông thường dễ đầu ra, chàng du học sinh hụt thế hệ 8x Phạm Thế Đạt đã chọn khởi nghiệp từ cây hành lá. Đạt đang là chủ Hợp tác xã Nông nghiệp và Dịch vụ mang tên anh chuyên trồng hành lá với ước mơ làm giàu trên đồng đất quê hương.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục