Thi thoảng ngồi một mình trong căn phòng nhỏ khu ký túc, tôi vô thức gọi tên nỗi nhớ bằng những giai điệu trong bài hát năm nào: "Một chiều đi trên con đường này, bao kỷ niệm chợt sống trong tôi. Về lại trong sân ngôi trường này còn đâu đây nỗi nhớ vô bờ…”.
Tôi nhớ biết bao cái thuở lên chín, lên mười hành trang đến trường là quyển vở đã quăn góc hai đầu, cái thước kẻ gỗ lem nhem mực tím và đôi khi cả củ khoai nướng đen nhẻm vẫn còn chưa kịp chín. Tôi nhớ con đường quê mẹ tôi gánh gồng bao buổi chợ, khi lớn lên nó trở thành con đường đến trường bao ngày mải chơi dưới cơn mưa muộn học. Và… tôi nhớ cô giáo tôi, người đã dạy cho tôi những điểm số đầu đời bằng tất cả tình yêu thương trìu mến. Mùa đông sẽ lạnh lẽo thật nhiều, nếu như đến một ngày những dòng ký ức ấy không còn tồn tại trong tôi nữa.
Cô tôi xuất thân từ phố thị. Cô rất hợp với mái tóc buông ngang vai. Từng lọn tóc thường đùa nghịch trên trang giấy còn lem nhem vết mực của tôi mỗi khi cô ân cần lại tận chỗ giảng bài. Tôi rất nhớ mùi hương bồ kết trên mái tóc ấy, nó gần giống với mùi thơm trên tóc mẹ. Tôi nhớ đôi bàn tay búp măng của cô đã nâng tôi dậy, vuỗi sạch bụi đất khi tôi trượt chân ngã ở sân trường khóc không thành tiếng. Tôi nhớ ánh mắt của cô thật hiền mỗi khi tôi mắc lỗi vì nghịch ngợm. Tôi nhớ… nhớ rất nhiều…
Cô trẻ và dạy Văn rất hay nhưng có một điều đặc biệt là giờ Văn nào cô cũng gọi tôi lên đọc bài văn mẫu. Lúc đầu còn thấy thích, hơi vênh mặt lên tự hào với lũ bạn cứ nghểnh cổ lên lắng nghe. Nhưng rồi mãi cũng phát bực vì nghĩ tại sao cô không gọi ai khác mà lại cứ là tôi? Cái suy nghĩ ấy đã khiến một đứa con gái như tôi ấm ức mãi không thôi. Nên có một hôm tôi mặc kệ, không thèm làm bài ở nhà nghĩ bụng: "Muốn đến đâu thì đến, cô giáo mà phạt cũng không sợ”.
Hôm sau như thường lệ, vừa mới bước vào lớp cô đã gọi tôi lên đọc bài văn cô cho về nhà hôm trước. Lúc ấy bao nhiêu cái ý muốn chống đối biến đi đâu mất. Thay vào đó là nỗi sợ hãi của trẻ con khi không thuộc bài bị cô giáo gọi đứng lên. Càng sợ càng cuống nên tôi đứng lên đọc được phần mở bài vừa kịp nghĩ ra. Cô gật đầu hài lòng về phần mở bài của tôi và chẳng một lời trách móc việc tôi không làm bài tâp ở nhà.
Cô vẫn vui vẻ phân tích trước lớp cái hay, cái đúng của phần mở bài tôi vừa đọc. Nhưng cô lại cho tôi một điểm bốn to đoành trong sổ. Tôi bất ngờ đến mức cả giờ ngồi lặng đi, không nghe thấy cô giảng điều gì, không nghe thấy lũ bạn đang xì xào bàn tán, chỉ trỏ xung quanh.
Nhưng cũng phải mãi sau này tôi mới nghĩ được rằng đó là điểm số xứng đáng nhất, cao nhất cho phần mở bài của một bài văn miêu tả. Đó cũng là điểm số xuất phát điểm cho tất cả, nó đã dạy tôi rằng, đừng bao giờ hờ hững, lười biếng với chính bản thân mình. Tôi nhớ lúc cô giáo đã đến bên cạnh buộc lại mái tóc vàng hoe suốt ngày dãi nắng của tôi:
- Em buồn vì điểm bốn cô chấm phải không nào? Bài văn làm dở hôm ấy em đã viết lại đầy đủ hay chưa?
Tôi gật đầu mà nước mắt cứ ứa ra kèm theo những tiếng nấc của tuổi thơ vụng dại. Bài văn làm dở tôi đã viết lại hoàn chỉnh không biết bao nhiêu lần trong trí nhớ. Bài văn miêu tả về cô giáo tôi, bài văn đặt nên những gạch nối đầu tiên cho tâm hồn để sau này tôi quyết định theo nghề cầm bút viết văn. Nhưng cô giáo của tôi thì chưa bao giờ đọc được bài văn hoàn chỉnh ấy.
Tôi lớn lên theo thời gian, những điểm số gắn với việc học hành như là một điều kiện bắt buộc, bất di bất dịch. Kể cả khi bước chân vào giảng đường, khi chúng tôi đã trở thành người lớn, thì câu chuyện điểm số cũng muôn hình vạn trạng. Giữa dọc ngang con số gắn với cuộc đời mình sao tôi lại nhớ điểm bốn ngày xưa cô cho đến thế? Nó đã nằm yên trong quyển sổ điểm cách đây hơn mười năm. Không biết khi xây trường mới thì có còn kho để lưu lại nữa không?
Cũng chắc rằng chẳng ai còn nhớ đến điểm bốn ngày xưa của tôi nữa nhưng lúc nào nó cũng tồn tại trong tâm trí của tôi. Để nhắc nhở tôi phải luôn luôn nỗ lực, cố gắng hết mình. Phải biết trân trọng những gì mình đã có để làm tốt hơn nữa, phải lắng nghe những yêu thương mà cuộc sống đã trao tặng cho mình như một ân huệ.
Vũ Thị Huyền Trang