- Xin ông cho biết Thượng Bằng La đã đề ra mục tiêu gì trong kế hoạch thực hiện chương trình giảm nghèo bền vững?
Ông Hoàng Đình Mưu: Mục tiêu chúng tôi đề ra là: Thực hiện hiệu quả các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp về giảm nghèo đa chiều, bền vững; góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế gắn với bảo đảm an sinh xã hội, cải thiện đời sống, nâng cao thu nhập của người dân, đặc biệt là người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo; tạo điều kiện cho người nghèo, hộ nghèo tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản; gắn các mục tiêu giảm nghèo bền vững với xây dựng nông thôn mới…
Xã cố gắng để thực hiện đầy đủ, kịp thời, chính xác các chính sách hỗ trợ giảm nghèo. Trong năm 2023 phấn đấu giảm từ 1,93% tỷ lệ hộ nghèo trở lên và giảm 0,73% tỷ lệ hộ cận nghèo trở lên, để cuối năm 2023 tỉ lệ hộ nghèo còn 2.97% và hộ cận nghèo còn 3.36%.
- Những nhiệm vụ chủ yếu trong công tác giảm nghèo bền vững là gì, thưa ông?
Ông Hoàng Đình Mưu: Đầu tiên là tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy, chính quyền nhằm huy động cả hệ thống chính trị và toàn xã hội thực hiện mục tiêu giảm nghèo,
nhằm huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và người dân trên địa bàn huyện cùng chung tay thực hiện công tác giảm nghèo.
Chúng tôi yêu cầu các cơ quan, đơn vị và các tổ chức thực hiện nhiệm vụ công tác gắn với mục tiêu giảm nghèo bền vững năm 2023; gắn việc hoàn thành các mục tiêu giảm nghèo với trách nhiệm của người đứng đầu các cấp, cơ quan, đơn vị trong hệ thống chính trị.
UBND xã phân công các cơ quan, đơn vị, tổ chức hội, đoàn thể có liên quan thực hiện tuyên truyền, vận động, hỗ trợ, giúp đỡ các hộ nghèo tại các thôn để góp phần bổ sung, tăng cường nguồn lực và nâng cao tính bền vững của hoạt động giảm nghèo trên địa bàn toàn xã.
Đồng thời, rà soát, xác định nguyên nhân chủ yếu dẫn đến nghèo; phân tích hiện trạng hộ nghèo, hộ cận nghèo của từng xã, từng thôn, bản để phân nhóm và có chính sách, giải pháp hỗ trợ hộ nghèo nâng cao thu nhập và cải thiện khả năng tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản phù hợp, thiết thực; kịp thời giải quyết những khó khăn, vướng mắc, hỗ trợ người dân vươn lên thoát nghèo…
Người dân Thượng Bằng La tham gia dự án chuyển đổi cơ cấu cây trồng, nâng cao hiệu quả canh tác, góp phần giảm nghèo bền vững.
Chúng tôi sẽ làm tốt công tác phối hợp để đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn nâng cao năng lực cho cán bộ làm công tác giảm nghèo các cấp, nhất là cán bộ cấp xã, cấp thôn, bản; tiếp tục thực hiện các phong trào thi đua và các cuộc vận động vì người nghèo trên địa bàn huyện để huy động thêm các nguồn lực xã hội hóa phục vụ cho công tác giảm nghèo…
Cùng với nâng cao ý thức tự giác thoát nghèo của hộ nghèo, người nghèo, địa phương sẽ coi trọng việc biểu dương, khen thưởng kịp thời đối với các hộ nghèo có nhiều cố gắng, duy trì và nhân rộng phong trào "tự nguyện đăng ký thoát nghèo” trên địa bản theo hướng thực chất, hiệu quả.
- Với một xã rộng, lại đông đồng bào dân tộc thiểu số, Thượng Bằng La sẽ làm gì để triển khai hiệu quả chương trình mục tiêu này?
Ông Hoàng Đình Mưu: Chúng tôi nhận thấy, đa dạng hóa sinh kế, hỗ trợ phát triển sản xuất, tăng thu nhập cho hộ nghèo, hộ cận nghèo sẽ là điều mang đến sự bền vững của chương trình.
Chính vì vậy, xã xác định tiếp tục hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng, nhất là hệ thống đường giao thông, thủy lợi, cơ sở khám chữa bệnh, trường học… ưu tiên cho các địa bàn có điều kiện kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số nhằm tạo thuận lợi cho cho việc mở rộng, phát triển sản xuất, kết nối giao thương và khả năng tiếp cận các dịch vụ xã hội thiết yếu của người dân.
Trong số 40 hộ nghèo ở các thôn được rà soát, chúng tôi đã phân tích nguyên nhân nghèo, xã định nhu cầu cần được hỗ trợ. Người thì cần giống cây con, người cần vốn, người mong được hỗ trợ làm nhà. Trong đó có nhưng hộ thiếu hụt về dịch vụ xã hội... Trên cơ sở đó, chúng tôi đã giao các đơn vị, tổ chức hội, đoàn thể giúp đỡ với địa chỉ cụ thể.
Đồng thời, tiếp tục triển khai thực hiện hiệu quả các chính sách hỗ trợ giảm nghèo theo hướng hỗ trợ có điều kiện, có hoàn trả; hạn chế chính sách hỗ trợ trực tiếp, cho không; tập trung triển khai thực hiện các chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất, tạo sinh kể, giải quyết việc làm, đào tạo nghề, gắn đào tạo nghề với tạo việc làm nhằm nâng cao thu nhập cho hộ nghèo, người nghèo.
Tăng nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội, gắn các hoạt động cho vay với hoạt động sản xuất kinh doanh, tạo sinh kế, việc làm cho hộ nghèo, cận nghèo, hộ mới thoát nghèo; phấn đấu 100% người lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo được hỗ trợ đào tạo nghề, kết nối, cung cấp thông tin thị trường lao động, hỗ trợ tìm việc làm.
Cùng với đó, chúng tôi đẩy mạnh thực hiện các chính sách hỗ trợ hộ nghèo, hộ cận nghèo tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản; huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực đầu tư cho hoạt động giảm nghèo và lồng ghép các nguồn vốn của các chương trình mục tiêu quốc gia để công tác giảm nghèo bền vững đạt được mục tiêu đề ra…
- Xin trân trọng cảm ơn ông?
Quang Tuấn (thực hiện)