Các cơ quan, đơn vị, đoàn thể từ thị xã đến các xã, phường đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức tuyên truyền để cán bộ, đảng viên, nhân viên thuộc cấp mình quản lý và người lao động có nhận thức đúng đắn về vị trí, vai trò của công tác chuyển dịch cơ cấu lao động đối với việc phát triển kinh tế.
Thị xã đã đẩy mạnh công tác quảng bá tuyên truyền, xúc tiến mời gọi đầu tư, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, hộ kinh doanh thương mại, dịch vụ đầu tư vào các xã, phường có tiềm năng, lợi thế; tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, hộ kinh doanh thương mại, dịch vụ, cơ sở sản xuất công nghiệp tiếp cận về vốn vay, chuyên môn, kỹ thuật, đào tạo lao động; khuyến khích các hộ, nhóm hộ phát triển tiểu thủ công nghiệp và nghề thủ công truyền thống, phát triển mô hình du lịch cộng đồng gắn với bảo tồn các giá trị văn hóa đặc sắc của địa phương… nhằm gia tăng cơ hội việc làm trong lĩnh vực phi nông nghiệp cho lao động địa phương.
Các hoạt động giáo dục hướng nghiệp, dạy nghề được các nhà trường quan tâm chú trọng thực hiện, định hướng nghề nghiệp phù hợp với lứa tuổi học sinh, với yêu cầu, điều kiện kinh tế - xã hội của địa phương và điều kiện dạy học của nhà trường; khuyến khích việc dạy nghề truyền thống của địa phương, dạy nghề gắn liền với sản xuất, kinh doanh ở những nơi có điều kiện thuận lợi.
Ngoài ra, các nhà trường đã đưa nội dung dạy nghề vào giảng dạy như: nấu ăn, hướng dẫn viên du lịch… Thị xã hướng dẫn các đơn vị trường thực hiện theo chương trình giáo dục nghề nghiệp gắn với sản xuất, kinh doanh dịch vụ tại địa phương, đưa nghề truyền thống của địa phương vào giảng dạy: thêu dệt thổ cẩm, may mặc, du lịch cộng đồng, chế biến món ăn, múa xòe…
Cùng đó là sự đổi mới nội dung, phương pháp, hình thức giáo dục hướng nghiệp; đồng thời, phát triển đội ngũ giáo viên kiêm nhiệm làm nhiệm vụ tư vấn, hướng nghiệp trong các trường trung học; hỗ trợ thiết bị dạy học cho một số đơn vị trường học để làm tốt hơn nội dung giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh phổ thông…
Các trường THCS, THPT không ngừng đổi mới công tác hướng nghiệp để học sinh có nhận thức và thái độ đúng đắn về học nghề và chủ động lựa chọn các loại hình học nghề phù hợp với điều kiện và hoàn cảnh của địa phương.
Công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm gắn với chuyển dịch cơ cấu lao động cũng được thị xã tích cực thực hiện thông qua việc tư vấn trực tiếp, tuyên truyền qua các phương tiện thông tin đại chúng và phối hợp với Trung tâm Giới thiệu việc làm của tỉnh tổ chức 6 hội nghị tư vấn giới thiệu việc làm cho hơn 4.000 lao động; phối hợp với 10 doanh nghiệp, công ty trong và ngoài tỉnh đến tư vấn, giới thiệu, tuyên truyền trực tiếp cho người lao động tại các xã, phường nhằm mở rộng cơ hội việc làm cho lao động sau đào tạo; liên kết tổ chức đưa trên 400 học sinh đi thực tập tại các công ty và doanh nghiệp nhằm giúp các em nâng cao tay nghề, làm quen với môi trường lao động và có thêm hiểu biết về thị trường lao động, đảm bảo sau khi ra trường các em tìm được việc làm và thích ứng với đòi hỏi công việc của các doanh nghiệp.
Thị xã cũng tăng cường các nguồn lực phục vụ việc chuyển dịch cơ cấu lao động như nguồn ngân sách địa phương hỗ trợ đào tạo nghề cho lao động nông thôn trình độ dưới 3 tháng gắn với chuyển dịch cơ cấu lao động; nguồn vốn vay giải quyết việc làm phát triển kinh tế, tạo điều kiện cho người lao động được vay vốn giải quyết việc làm sau đào tạo để phát triển thương mại, du lịch, dịch vụ ở địa phương, giải quyết việc làm và chuyển dịch cơ cấu lao động…
Qua đó, công tác chuyển dịch cơ cấu lao động trên địa bàn thị xã giai đoạn 2021 - 2025 đã đạt được kết quả bước đầu. Hàng năm, số lượng lao động chuyển dịch đều đạt và vượt kế hoạch đề ra. Năm 2021, đã chuyển dịch 994/950 lao động từ nông nghiệp sang phi nông nghiệp (bằng 104,63% kế hoạch thị xã giao); lĩnh vực chuyển dịch chủ yếu gồm: sản xuất công nghiệp, xây dựng, du lịch, kinh doanh, bán hàng…; tỷ lệ chuyển dịch cơ cấu lao động đạt 5,03%.
Năm 2022, chuyển dịch 1.178/1.160 lao động từ nông nghiệp sang phi nông nghiệp (đạt 101,55% kế hoạch thị xã giao); lĩnh vực chuyển dịch chủ yếu gồm: sản xuất công nghiệp, xây dựng, du lịch, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bán hàng, làm thuê...; tỷ lệ chuyển dịch cơ cấu lao động đạt 7%.
Quý I/2023, chuyển dịch 304/1.200 lao động từ nông nghiệp sang phi nông nghiệp (bằng 25,3% kế hoạch thị xã giao, tăng 0,5% so với cùng kỳ năm 2022); lĩnh vực chuyển dịch chủ yếu gồm: sản xuất công nghiệp, xây dựng, du lịch, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bán hàng, làm thuê…
Thời gian tới, thị xã Nghĩa Lộ tiếp tục đẩy mạnh đồng bộ các giải pháp thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu lao động nhằm đạt mục tiêu đặt ra là phấn đấu mỗi năm giải quyết việc làm cho trên 2.000 lao động; tuyển mới đào tạo nghề cho trên 1.830 lao động; chuyển dịch cơ cấu lao động từ nông nghiệp sang phi nông nghiệp cho trên 1.200 người; tỷ lệ chuyển dịch cơ cấu lao động đạt trên 5%/năm.
Thu Hạnh