Trong những năm qua, tỉnh Yên Bái đã nỗ lực và thực hiện các mục tiêu quan trọng trong công tác giảm nghèo bền vững song vẫn là một tỉnh còn nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo còn ở mức cao; đời sống của các hộ nghèo, hộ cận nghèo tại các địa bàn vùng cao còn nhiều khó khăn, do đó nhu cầu huy động nguồn lực để thực hiện các mục tiêu giảm nghèo bền vững là rất lớn.
Cụ thể hóa các chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội XIX của Đảng bộ tỉnh, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Nghị quyết số 61, ngày 20/10/2021 về tiếp tục lãnh đạo hiệu quả công tác giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030.
Giám đốc Sở LĐTB và XH tỉnh Ngô Thanh Giang cho biết: Để cụ thể hóa Nghị quyết này, Sở và các ngành liên quan đã tập trung làm tốt công tác tham mưu, xây dựng thể chế, chính sách về công tác giảm nghèo bền vững mà trọng tâm là về huy động, sử dụng nguồn lực thực để hiện giảm nghèo nhanh, bền vững và nâng cao chất lượng cuộc sống nhân dân.
"Định kỳ hàng năm, Sở phối hợp với các ngành tham mưu cho UBND tỉnh ban hành Kế hoạch thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững, trong đó xác định rõ mục tiêu và nguồn lực huy động để thực hiện công tác giảm nghèo, cũng như trách nhiệm của các đơn vị, địa phương trong việc huy động nguồn lực cho giảm nghèo" - ông Giang chia sẻ.
Bên cạnh các chính sách của Trung ương, tỉnh Yên Bái cũng ban hành các đề án, chính sách đặc thù nhằm đẩy mạnh thu hút đầu tư, khuyến khích phát triển sản xuất, kinh doanh, hỗ trợ tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản. Qua đó, tăng cường giải quyết việc làm, chuyển dịch cơ cấu lao động và giải quyết các thiếu hụt dịch vụ xã hội cơ bản cho người dân, nhất là người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo.
Đặc biệt là ban hành Đề án hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn tỉnh Yên Bái giai đoạn 2023-2025, trong đó đặt ra mục tiêu từ nay đến năm 2025, hỗ trợ làm nhà cho 3.022 hộ nghèo, hộ cận nghèo khó khăn về nhà ở. Tổng kinh phí hỗ trợ thực hiện Đề án trên 148 tỷ đồng, ngoài ra dự kiến sẽ huy động thêm từ các gia đình, dòng họ và cộng đồng dân cư khoảng 128 tỷ đồng.
Do hệ thống thể chế, chính sách về giảm nghèo bền vững được quan tâm nên việc huy động sử dụng hiệu quả nguồn lực xã hội để thực hiện mục tiêu giảm nghèo nhanh, bền vững, nâng cao chất lượng cuộc sống cho nhân dân đã thu được nhiều kết quả tích cực.
Từ năm 2021 đến nay, hệ thống Ngân hàng Chính sách xã hội đã giải ngân cho vay các chương trình tín dụng ưu đãi đối với 62.000 lượt khách hàng, trong đó có 24.400 hộ nghèo, hộ cận nghèo và hộ mới thoát nghèo. Toàn tỉnh đã đóng hoặc hỗ trợ đóng bảo hiểm y tế cho 1.129.000 lượt đối tượng; trợ cấp tiền ăn cho trên 545.000 lượt học sinh; trợ cấp tiền điện cho trên 95.000 lượt hộ nghèo.
Từ nguồn vốn của 3 Chương trình mục tiêu quốc gia, toàn tỉnh đã bố trí đầu tư, xây dựng 45.843 công trình hạ tầng thiết yếu tại các địa bàn thuộc huyện nghèo, địa bàn vùng dân tộc thiểu số và miền núi và khu vực nông thôn trên địa bàn tỉnh.
Ngoài các chính sách giảm nghèo của Trung ương, từ năm 2021 đến nay, tỉnh đã bố trí kinh phí trên 230 tỷ đồng để thực hiện các đề án, chính sách đặc thù nhằm thúc đẩy phát triển sản xuất, tăng cường giải quyết việc làm, đào tạo nghề và chuyển dịch cơ cấu lao động; hỗ trợ giải quyết việc làm cho 57.427 lao động; tuyển sinh đào tạo nghề cho 50.128 người; chuyển dịch cơ cấu lao động cho 20.923 lao động.
Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, toàn tỉnh đã huy động được trên 10.490 tỷ đồng để đầu tư cho công tác giảm nghèo bền vững. Trong đó, nguồn vốn thực hiện các Chương trình mục tiêu là 2.225 tỷ đồng; nguồn vốn ngân sách Trung ương thực hiện các chính sách hỗ trợ giảm nghèo là 2.321 tỷ đồng; vốn Ngân hàng chính sách xã hội 3.550 tỷ đồng; nguồn vốn ngân sách địa phương là 1.144 tỷ đồng và từ các nguồn xã hội hoá 127 tỷ đồng, vốn vay ODA 1.123 tỷ đồng.
Về cơ bản, các nguồn vốn đã được sử dụng đảm bảo đúng đối tượng, đúng mục đích và phát huy hiệu quả, góp phần quan trọng vào việc thực hiện các mục tiêu giảm nghèo bền vững trên địa bàn tỉnh. Năm 2021, tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh giảm 2,28%, đạt 117,6% kế hoạch; năm 2022, tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn tỉnh giảm 5,15%, đạt 127,5% kế hoạch. Tỷ lệ thiếu hụt về dịch vụ xã hội cơ bản của các hộ nghèo có sự chuyển biến tích cực, đời sống của các hộ nghèo, hộ cận nghèo và người dân sinh sống tại các địa bàn khó khăn ngày càng được nâng cao.
Giám đốc Sở LĐTB và XH tỉnh Ngô Thanh Giang cho biết: Ngành tiếp tục tham mưu giúp tỉnh ban hành kế hoạch thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững hàng năm nhằm huy động cả hệ thống chính trị, các doanh nghiệp và nhân dân trên địa bàn tỉnh tham gia đóng góp nguồn lực, nhất là các nguồn lực xã hội để tổ chức thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững. Tiếp tục tuyên truyền để mỗi cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, địa phương và nhân dân trên địa bàn tỉnh đều nhận thức đầy đủ về tầm quan trọng của việc huy động và sử dụng hiệu quả nguồn lực đối với công tác giảm nghèo nhanh, bền vững và nâng cao đời sống nhân dân cũng như vai trò, trách nhiệm của mỗi cơ quan, đơn vị, cá nhân trong việc tham gia huy động, quản lý, sử dụng nguồn lực đầu tư cho công tác giảm nghèo.
Yêu cầu các cơ quan quản lý các dự án, tiểu dự án, nội dung thành phần thuộc các Chương trình mục tiêu quốc gia theo chức năng, nhiệm vụ được giao, thường xuyên bám sát sự chỉ đạo, hướng dẫn của cơ quan ngành dọc cấp trên và thực tiễn triển khai chương trình tại các cơ quan, địa phương trong tỉnh để kịp thời cập nhật, triển khai, hướng dẫn các cơ quan, đơn vị, địa phương tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện Chương trình; thực hiện tốt việc lồng ghép các Chương trình mục tiêu quốc gia để thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững.
Đồng thời phát huy vai trò chủ thể, trung tâm của hộ nghèo, người nghèo trong hoạt động giảm nghèo; việc hỗ trợ nguồn lực cần được tiến hành đồng bộ với công tác tuyên truyền, phổ biến để nâng cao trách nhiệm, kiến thức, kỹ năng của hộ nghèo; từng bước giảm dần các chính sách hỗ trợ trực tiếp, tăng dần các chính sách hỗ trợ có điều kiện.
Làm tốt công tác phân tích, đánh giá các thiếu hụt về dịch vụ xã hội và nhu cầu hỗ trợ của hộ nghèo, trên cơ sở đó đề ra phương án hỗ trợ thoát nghèo cụ thể đối để trực tiếp tác động, cải thiện thu nhập và khả năng tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản của các hộ nghèo, từ đó góp phần nâng cao hiệu quả sử dụng các nguồn lực hỗ trợ cho hộ nghèo, đảm bảo mọi nguồn lực đầu tư cho công tác giảm nghèo bền vững đều được sử dụng đúng đối tượng, đúng mục đích và phát huy hiệu quả bền vững.
Mạnh Cường