Là hộ nghèo, năm 2018, ông Hảng Sáy Rùa, bản La Pán Tẩn, xã La Pán Tẩn được vay 50 triệu đồng từ nguồn vốn tín dụng của Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) huyện Mù Cang Chải. Từ số tiền được vay, ông để mua trâu, lợn giống về phát triển chăn nuôi. Sau nhiều năm nỗ lực mở rộng chăn nuôi, đến nay, ông Rùa có 6 con trâu và thường xuyên có từ 10 đến 12 con lợn nái; thu nhập bình quân mỗi năm khoảng 100 triệu đồng và trở thành hộ kinh tế khá.
Ông Rùa cho biết: "Có đồng vốn từ bán trâu, lợn giống, tôi tiếp tục mở rộng quy mô chăn nuôi và trả bớt tiền gốc, tiền lãi vay ngân hàng. Hiện, tôi đã trả hết nợ và đang làm thủ tục vay thêm để mở rộng quy mô chăn nuôi”.
Năm 2021, gia đình ông Giàng A Nhà, bản Cồ Dề Sàng A, xã Lao Chải được hỗ trợ 15 triệu đồng từ Nghị quyết 69 của HĐND tỉnh thực hiện mô hình nuôi lợn đen bản địa quy mô 3 lợn nái, 20 lợn thịt. Sau 2 năm phát triển chăn nuôi, ông Nhà hiện có 60 con lợn và mỗi năm bán được gần chục con lợn thịt, hơn 2 tạ lợn giống và gia đình ông đã thoát nghèo.
Triển khai thực hiện Nghị quyết số 69 của HĐND tỉnh, từ năm 2021 - 2022, xã Lao Chải có 73 hộ được hỗ trợ thực hiện các mô hình chăn nuôi với tổng số tiền hỗ trợ trên 1,4 tỷ đồng. Riêng năm 2023, có 64 hộ đăng ký thực hiện và trong đợt 1 năm 2023, huyện đã nghiệm thu 43 hộ đăng ký thực hiện các mô hình chăn nuôi với số tiền 786 triệu đồng.
Ông Giàng A Lử - Chủ tịch UBND xã Lao Chải cho biết: "Để thực hiện mục tiêu giảm 108 hộ nghèo, 6 hộ cận nghèo, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo đa chiều toàn xã còn 30,9% vào cuối năm 2023, xã vận động nhân dân sử dụng hiệu quả các chính sách hỗ trợ của tỉnh, nguồn vốn vay ưu đãi vào đầu tư phát triển kinh tế gia đình. Bên cạnh đó, xã còn tranh thủ sự giúp đỡ của các ban, ngành, đoàn thể của huyện, tỉnh, tổ chức các lớp tập huấn, đào tạo nghề ngắn hạn cho các hộ nghèo; tạo điều kiện cho các hộ nghèo, cận nghèo tiếp cận nguồn vốn ưu đãi để phát triẻn kinh tế”.
Để thực hiện mục tiêu giảm nghèo, hằng năm, Ban Chỉ đạo Chương trình Mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững huyện Mù Cang Chải đã phân công nhiệm vụ cho các ngành thành viên, phối hợp với chính quyền các xã, thị trấn triển khai, xây dựng các chương trình, kế hoạch rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo, gắn với lồng ghép các chương trình dự án, các nguồn lực đầu tư để xây dựng kế hoạch sát với tình hình thực tế của từng địa phương.
Đẩy mạnh tuyên truyền; tăng cường đào tạo nghề cho lao động nông thôn, nhất là mở các lớp dạy nghề phi nông nghiệp để người lao động có thể tìm kiếm việc làm sau khi học nghề và xuất khẩu lao động…
Trong năm 2023, huyện đã nghiệm thu, giải ngân 2,4 tỷ đồng theo Nghị quyết 69 của HĐND tỉnh hỗ trợ 42 cơ sở chăn nuôi trâu, bò quy mô từ 10 con trở lên; 2 cơ sở chăn nuôi gia cầm đặc sản có quy mô chăn nuôi từ 300 con trở lên; 75 cơ sở chăn nuôi lợn quy mô 3 con lợn nái và 20 con lợn thịt trở lên, kinh phí hỗ trợ trên 1,1 tỷ đồng; triển khai thực hiện trên 98 tỷ đồng xây dựng các công trình giao thông, cầu, hạ tầng điện phục vụ dân sinh sản xuất, các công trình giáo dục; phân bổ trên 136 tỷ đồng từ nguồn ngân sách trung ương thực hiện các chương trình, dự án trên địa bàn huyện trong giai đoạn 2021 - 2025.
Cùng đó, Phòng Giao dịch NHCSXH huyện thực hiện tốt kế hoạch tín dụng năm 2023 nhằm hỗ trợ cho vay 1.199 hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo với số tiền 72,6 tỷ đồng. UBND huyện thực hiện chính sách hỗ trợ tiền điện, thẻ bảo hiểm y tế cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ chính sách; thực hiện đào tạo nghề cho trên 900 người, giới thiệu việc làm cho 978; chuyển dịch lao động từ nông nghiệp sang phi nông nghiệp cho 358 lao động.
Ông Đỗ Công Chúng - Trưởng phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Mù Cang Chải cho biết: để thực hiện mục tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo bình quân trên 7,8%/năm theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2022 - 2025, đến năm 2025, tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện còn dưới 25%, có ít nhất 5 xã đặc biệt khó khăn của huyện ra khỏi tình trạng đặc biệt khó khăn; đến cuối năm 2025 có 100% các hộ nghèo, cận nghèo có đủ điều kiện và nhu cầu đều được vay vốn tín dụng ưu đãi từ NHCSXH huyện.
Thời gian qua, đơn vị đã tham mưu giúp UBND huyện chỉ đạo các ngành, địa phương xây dựng nhân rộng mô hình giảm nghèo hiệu quả, phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của từng vùng; triển khai thực hiện hiệu quả một số chính sách của tỉnh trợ giúp, triển khai các chương trình, dự án đầu tư củng cố kết cấu hạ tầng, phát triển kinh tế vùng nông thôn tạo môi trường thuận lợi cho hộ nghèo phát triển kinh tế hộ gia đình.
Thanh Tân