Gia đình chị Nông Thị Phiên ở thôn Trấn Thanh, xã Tân Thịnh rất khó khăn. Hai vợ chồng chị không có việc làm ổn định lại phải nuôi bố già và 2 con nhỏ. Bao năm qua, gia đình chị Phiên phải sống trong căn nhà lá lụp sụp, ẩm ướt và đã xuống cấp.
Được sự quan tâm của Hội Chữ thập đỏ thành phố, Hội Nữ doanh nhân tỉnh Yên Bái, Đảng ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc xã Tân Thịnh đã hỗ trợ, giúp đỡ gia đình chị Nông Thị Phiên xây dựng được căn nhà cấp 4 có tổng diện tích 60 m2, tổng trị giá 90 triệu đồng.
Chị Phiên xúc động chia sẻ: "Nếu không có sự quan tâm, hỗ trợ của các cấp chính quyền thì gia đình tôi chẳng dám mong có được căn nhà khang trang, vững chãi để ở. Gia đình tôi sẽ tích cực tham gia lao động sản xuất để ổn định cuộc sống và từng bước vươn lên thoát nghèo”.
Với mục tiêu trên địa bàn tỉnh không còn nhà tạm, nhà dột nát và "không ai bị bỏ lại phía sau”, năm 2023, xã Tân Thịnh đã huy động các nguồn lực xã hội hóa, thực hiện sửa chữa, làm mới 4 nhà cho hộ nghèo. Đến nay, 4/4 nhà đã hoàn thành và đưa vào sử dụng, tạo điều kiện thuận lợi để người dân yên tâm phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo bền vững.
Ông Trung Hải Sâm - Phó Chủ tịch UBND xã Tân Thịnh cho biết: Xã đã làm tốt công tác tuyên truyền, vận động để cán bộ, đảng viên và đặc biệt là các đối tượng trong diện được hỗ trợ nhà nêu cao tinh thần tự lực, tự cường, có ý thức vượt khó, nỗ lực cùng cấp ủy, chính quyền thực hiện nguồn vốn đối ứng để làm nhà.
Để triển khai hiệu quả, xã làm tốt công tác rà soát đảm bảo hỗ trợ kịp thời, đúng đối tượng, không để ra sai sót, gây bức xúc trong nhân dân. Cùng với đó, xã luôn đồng hành cùng các hộ nghèo trong quá trình làm nhà, huy động nhân dân trong thôn cùng chung tay, hỗ trợ ngày công.
"Đối với những hộ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, không có khả năng đối ứng, chúng tôi thực hiện kêu gọi hỗ trợ 100% kinh phí làm nhà và sau khi hoàn thành, chính quyền địa phương đã ủng hộ thêm một số vật dụng sinh hoạt hàng ngày như: bàn ghế, chăn màn, ti vi… Đặc biệt là hỗ trợ sổ tiết kiệm để người dân có điểm tựa vươn lên thoát nghèo bền vững" - ông Sâm nói.
Ngay sau khi có chỉ đạo theo Công văn số 378/UBND-VX, ngày 15 tháng 02 năm 2023 của UBND tỉnh Yên Bái về xây dựng Đề án hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo giai đoạn 2023-2025, UBND thành phố Yên Bái đã ban hành Công văn số 233/UBND - LĐTBXH về việc rà soát nhu cầu hỗ trợ làm nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn thành phố năm 2023; Kế hoạch số 86 của UBND thành phố về việc hỗ trợ làm nhà và sửa chữa nhà ở cho hộ nghèo có khó khăn về nhà ở trên địa bàn thành phố năm 2023.
Để việc triển khai đạt kết quả tốt, huyện đã chỉ đạo, gắn trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị, địa phương cũng như các tổ chức, cá nhân đối với thực hiện các nhiệm vụ cụ thể; chỉ đạo UBND các xã, phường xây dựng kế hoạch thực hiện đảm bảo tiến độ.
Theo đó, năm 2023, thành phố Yên Bái được tỉnh giao làm 16 nhà ở cho hộ nghèo, trong đó 9 nhà làm mới (kinh phí hỗ trợ làm mới là 50 triệu/nhà), 7 nhà sửa chữa (kinh phí hỗ trợ 25 triệu/nhà) từ 100% nguồn do thành phố xã hội hoá.
Để hoàn thành kế hoạch, ngoài sự chỉ đạo sát sao của Thường trực Thành ủy, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp, sự chung tay đắc lực của các nhà hảo tâm, cộng đồng dân cư cũng như sự quyết tâm, nỗ lực của chính những hộ nghèo là yếu tố quan trọng, then chốt trong quá trình thực hiện.
Ông Nguyễn Đình Hưng - Trưởng Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội thành phố cho biết: "Được sự quan tâm của tỉnh và sự phối hợp của các ngành, đoàn thể, cộng đồng trong và ngoài tỉnh, sự sát sao chỉ đạo của Thành ủy, UBND, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể của thành phố, lãnh đạo các xã, phường nơi có đối tượng hộ nghèo và đặc biệt là sự đồng thuận của người dân trên địa bàn nên việc triển khai làm nhà cho hộ nghèo, cận nghèo trên địa bàn thành phố được nhanh chóng và thuận lợi.
"Đến hết tháng 11/2023, thành phố đã làm mới và sửa chữa được 21 nhà ở cho hộ nghèo, trong đó 12 nhà làm mới, 9 nhà sửa chữa, đạt 131% kế hoạch tỉnh giao với tổng kinh phí trên 2 tỷ đồng, trong đó nguồn do thành phố và các xã, phường vận động là gần 1,2 tỷ đồng” - ông Hưng thông tin.
Dù đã quyết liệt trong chỉ đạo, triển khai song trong quá trình thực hiện vẫn còn một số vướng mắc, khó khăn: đa số hộ nghèo của thành phố là hộ nghèo bất khả kháng, như già cả, neo đơn, ốm đau, không có sức lao động, không có nhu cầu làm nhà; một số hộ nghèo còn khó khăn về nhà ở có nhu cầu làm nhà nhưng lại không đủ điều kiện làm nhà do đất trong vùng quy hoạch, đất đã có kế hoạch thu hồi…
Có thể khẳng định, việc triển khai thực hiện hiệu quả Đề án làm nhà ở cho hộ nghèo là minh chứng cho sự quan tâm của cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể tới đời sống vật chất và tinh thần đối với các hộ nghèo, thể hiện truyền thống "lá lành đùm lá rách” của dân tộc Việt Nam.
Đây cũng là việc làm thiết thực cụ thể hoá phong trào cả nước chung tay vì người nghèo, không để ai bị bỏ lại phía sau, góp phần thực hiện tốt công tác giảm nghèo - một trong những mục tiêu quan trọng trong lộ trình phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.
Thu Trang - Mạnh Cường