KHẲNG ĐỊNH VỊ TRÍ DẪN ĐẦU VỀ XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI
Về xã NTM kiểu mẫu
Đại Phác, huyện Văn Yên, điều khiến ai cũng phải ấn tượng là bởi vùng quê này đã có nhiều đổi thay rõ nét. Sự đổi thay không chỉ đến từ nhận thức của người dân mà còn hiện hữu bằng ngôi nhà xây mới mọc lên san sát, những con đường rợp bóng cây xanh và các loài hoa khoe sắc, những cánh đồng lúa xanh màu no ấm...
Từ một vùng quê còn nhiều khó khăn với 90% dân số làm nông nghiệp, đến nay, hạ tầng kinh tế - xã hội của Đại Phác đã được đầu tư đồng bộ, phù hợp với tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn. Tỷ lệ đường trục xã, thôn có hệ thống chiếu sáng đạt trên 95%; 100% đường liên thôn, liên xã đã được cứng hóa, bê tông hóa; 100% nhà văn hóa thôn, trung tâm xã lắp đặt hệ thống wifi miễn phí phục vụ người dân; 100% hộ được dùng điện thường xuyên, an toàn và có phương tiện nghe nhìn. Xã có hệ thống loa truyền thanh thông minh, mạng Internet phủ kín các thôn…
Trong phát triển kinh tế, nhờ có những quyết sách và bước đi đúng hướng trong phát triển nông nghiệp; triển khai kịp thời các chương trình, dự án hỗ trợ phát triển sản xuất; đẩy mạnh thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp nên đến nay xã Đại Phác đã có những đột phá trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, xây dựng được các vùng sản xuất hàng hóa và sản phẩm chủ lực có giá trị, hiệu quả kinh tế cao như: vùng trồng dâu nuôi tằm, vùng trồng quế, vùng trồng lúa chất lượng cao; chăn nuôi chuyển từ nhỏ lẻ sang chăn nuôi hàng hóa quy mô tập trung. Xã đã thành lập được 3 hợp tác xã và 30 tổ hợp tác liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị nông nghiệp bền vững. Năm 2023, thu nhập bình quân của người dân trong xã đạt trên 56 triệu đồng; tỷ lệ hộ nghèo đa chiều giảm còn 6,3%.
Bà Nguyễn Thị Hậu, người dân xã Đại Phác bày tỏ: "Để góp phần xây dựng NTM kiểu mẫu, người dân chúng tôi đã tích cực tham gia các phong trào, hoạt động do địa phương phát động, tập trung phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp, thương mại - dịch vụ; thực hiện dịch rào hiến đất, đóng góp tiền, ngày công để xây dựng đường giao thông nông thôn, nhà văn hóa; tích cực trồng và chăm sóc các tuyến đường hoa, cây xanh; vệ sinh đường làng, ngõ xóm sáng - xanh - sạch - đẹp”.
Là địa phương cán đích NTM đầu tiên của huyện Văn Chấn vào năm 2016, đến nay, xã Thượng Bằng La cũng đã có những bước phát triển vượt bậc trong phát triển kinh tế - xã hội, đời sống vật chất, tinh thần của người dân ngày càng được nâng lên. Xã đã hoàn thành xây dựng NTM nâng cao vào năm 2023 với 100% tuyến đường liên thôn, bản được bê tông hóa và có hệ thống đường điện thắp sáng đường quê; thu nhập bình quân đầu người đạt 50 triệu đồng/năm; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 4,9%.
Trên địa bàn xã đã quy hoạch được vùng chuyên canh sản xuất lúa nước 2 vụ với diện tích hơn 230 ha, cây ăn quả có múi gần 440 ha, chè kinh doanh trên 116 ha, tre măng điền trúc hơn 400 ha, vùng trồng keo hơn 250 ha. Toàn xã đã phát triển được hơn 40 mô hình chăn nuôi gia súc, gia cầm quy mô tập trung; 1 trang trại chăn nuôi thỏ quy mô 30 ha.
Ông Hà Trung Đông - Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc xã Thượng Bằng La cho biết: "Phát huy tinh thần đoàn kết trong nhân dân, xã đã thường xuyên tuyên truyền, đẩy mạnh các phong trào thi đua gắn với xây dựng NTM trong đoàn viên, hội viên và nhân dân. Qua đó, thu hút được đông đảo cán bộ và nhân dân tham gia các phong trào, hoạt động như: làm đường giao thông nông thôn, xây dựng nhà văn hóa, xóa nhà dột nát, vệ sinh môi trường, giữ gìn an ninh trật tự, góp phần xây dựng quê hương ngày càng đổi mới”.
Những kết quả đạt được trong xây dựng NTM không chỉ góp phần tạo diện mạo mới cho các vùng nông thôn trong tỉnh mà còn góp phần nâng cao chỉ số hạnh phúc cho nhân dân. Năm 2023, chỉ số hạnh phúc của người dân trong tỉnh đạt 65,62%; tỷ lệ gia đình văn hóa đạt 84,5%; tỷ lệ thôn, bản tổ văn hóa đạt gần 40%.
Với mục tiêu năm 2024, toàn tỉnh phấn đấu có thêm 11 xã trở lên đạt chuẩn NTM; có thêm 7 xã trở lên đạt chuẩn NTM nâng cao, thêm 3 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu; 39 thôn, bản được công nhận đạt chuẩn NTM và huyện Văn Yên cơ bản đạt chuẩn huyện NTM, hiện nay, tỉnh đã và đang tiếp tục huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, trong đó cấp ủy, chính quyền đóng vai trò lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành, người dân phát huy vai trò chủ thể; tiếp tục rà soát, duy trì, củng cố và nâng cao chất lượng các tiêu chí đối với các xã đã được công nhận NTM; lồng ghép, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực, nhất là nguồn lực tại chỗ thực hiện xây dựng NTM đảm bảo thiết thực, hiệu quả.
Cùng đó, tỉnh cũng yêu cầu các địa phương tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành chủ động, linh hoạt, sáng tạo, hiệu quả, kịp thời giải quyết những vấn đề mới phát sinh, tạo nền tảng dài hạn cho xây dựng NTM phát triển bền vững; chủ động thích ứng với tình hình thực tiễn, trong đó phải kiên định, nhất quán về mục tiêu, đồng thời có thể điều chỉnh linh hoạt và có những biện pháp khả thi để bảo đảm hoàn thành các mục tiêu đề ra; tiếp tục gắn việc triển khai thực hiện chương trình xây dựng NTM với thực hiện có hiệu quả Đề án cơ cấu lại ngành nông nghiệp của tỉnh.
PHÁT HUY SỨC TRẺ TRONG XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI
Có thể nói, các hoạt động chung sức xây dựng nông thôn mới (XDNTM), đô thị văn minh là một trong những phong trào diễn ra thiết thực, hiệu quả và sôi nổi nhất của tuổi trẻ Yên Bái. Việc phát huy vai trò, sức trẻ của ĐVTN thông qua những công trình, phần việc đã góp phần đổi mới quê hương, xây dựng diện mạo NTM ngày càng khang trang, sạch đẹp.
Phong trào
"Tuổi trẻ chung sức XDNTM” ngày càng có sức lan tỏa mạnh mẽ, khơi dậy tinh thần xung kích, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm vì cộng đồng của tuổi trẻ. Ban Thường vụ Tỉnh đoàn Yên Bái đã chỉ đạo triển khai nhiều hoạt động ra quân bảo vệ môi trường gắn với XDNTM và đô thị văn minh, tiêu biểu như: lựa chọn 4 thôn, bản hỗ trợ XDNTM (thôn Trung Tâm, xã Nà Hẩu, huyện Văn Yên; bản Mồ Dề, xã Mồ Dề, huyện Mù Cang Chải; thôn Km14-17, xã Trạm Tấu, huyện Trạm Tấu; thôn 3, xã Động Quan, huyện Lục Yên), trong đó có 3 thôn về đích sớm NTM năm 2023; xây mới 64 sân chơi thiếu nhi; hỗ trợ xây 15 nhà nhân ái; xây dựng được 86 tuyến đường thắp sáng đường quê với chiều dài hơn 70 km…
Ban Thường vụ Tỉnh đoàn Yên Bái và lãnh đạo các ban, ngành của tỉnh tham gia bê tông hóa đường giao thông nông thôn cùng nhân dân xã Động Quan, huyện Lục Yên.
Tổ chức Đoàn các cấp đã ra quân bảo vệ môi trường gắn với "Ngày thứ Bảy tình nguyện”, "Ngày Chủ nhật xanh” tập trung vào các hoạt động: mở mới, tu sửa, nâng cấp đường giao thông nông thôn, bê tông hóa đường giao thông nông thôn, cầu giao thông, xây dựng mới các điểm trường, kiên cố hóa khu vực kênh mương nội đồng; triển khai tuyến đường, thôn, bản NTM kiểu mẫu; tổ chức trồng đường hoa, cây xanh tạo cảnh quan bảo vệ môi trường; xây dựng mô hình phân loại, xử lý rác thải; triển khai Chương trình "Vì một Việt Nam xanh”, "Hành trình thứ hai của lốp xe”...
Bên cạnh đó, Ban Thường vụ Tỉnh đoàn cũng tập trung tổ chức các hoạt động tham gia bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu; chỉ đạo tổ chức đồng loạt "Ngày Chủ nhật xanh” thu gom trên 115 tấn rác thải, vỏ bao bì, thuốc bảo vệ thực vật; làm sạch trên 125 km đường giao thông nông thôn, cống, rãnh, lòng suối; duy trì 173 tuyến đường thanh niên tự quản về an toàn giao thông và an ninh trật tự.
Các huyện, thị, thành Đoàn làm tốt công tác phối hợp với lực lượng chức năng hỗ trợ nhân dân tháo dỡ biển quảng cáo, công trình xây dựng và vận động các hộ kinh doanh tháo dỡ phần mái che lấn chiếm vỉa hè; duy trì hiệu quả 9 đội hình thanh niên tình nguyện ứng dụng công nghệ sinh học trong bảo vệ môi trường tham gia vận động người dân thay đổi hành vi, thói quen sinh hoạt gây hại đối với môi trường; cắm 25 biển tuyên truyền về XDNTM…
Bí thư Tỉnh đoàn Hà Đức Hải khẳng định: "XDNTM là một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, đòi hỏi sự chung tay vào cuộc của cả hệ thống chính trị. Vì vậy, nhiệm vụ đặt ra cho tuổi trẻ là hết sức vinh dự và tự hào nhưng cũng đầy khó khăn, thách thức. Những công trình, phần việc thanh niên chung tay XDNTM thời gian qua của tuổi trẻ Yên Bái đã để lại nhiều ấn tượng, được triển khai đa dạng, hiệu quả, khơi dậy mong muốn đóng góp sức mình vào công cuộc xây dựng quê hương. Đồng thời, vai trò của tổ chức Đoàn được nâng lên và ngày càng được khẳng định rõ nét hơn trong mọi mặt đời sống xã hội; tạo sự chuyển biến thực sự trong nhận thức của ĐVTN về mục đích, ý nghĩa của Chương trình mục tiêu quốc gia về XDNTM”.
CƠ CẤU LẠI NGÀNH NÔNG NGHIỆP GẮN VỚI XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI
Huyện Lục Yên phấn đấu đến hết năm 2025 cơ bản trở thành huyện nông thôn mới, trong đó tiêu chí số 13 về tổ chức sản xuất và phát triển kinh tế nông thôn là một tiêu chí khó đang được các cấp, các ngành huyện Lục Yên tập trung chỉ đạo thực hiện.
Năm 2023, huyện Lục Yên tiếp tục thực hiện cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng đưa các giống cây trồng có giá trị kinh tế cao vào sản xuất, phòng trừ sâu bệnh, tu sửa, bảo dưỡng, nâng cấp hệ thống thủy lợi đảm bảo tưới tiêu phục vụ sản xuất. Qua đó, nâng cao năng suất, chất lượng các sản phẩm nông nghiệp, đưa giá trị sản xuất nông, lâm, thủy sản năm 2023 đạt 1.145 tỷ đồng.
Cùng với việc thực hiện tái cơ cấu lại ngành nông nghiệp, việc phát triển các sản phẩm nông sản đặc chưng theo Chương trình "Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) tiếp tục được quan tâm.
Người dân xã Mường Lai giới thiệu sản phẩm đặc sản địa phương trong các lễ hội.
Măng mai Lâm Thượng là một trong những sản phẩm OCOP 3 sao đầu tiên của huyện Lục Yên được công nhận năm 2021, hiện đã được đưa lên các sàn thương mại điện tử uy tín như Voso.vn và Postmart.vn. Huyện Lục Yên hiện có 600 ha tre măng mai, sản lượng hàng năm đạt khoảng 12.000 tấn, giá trị trên 30 tỷ đồng.
Từ những đặc điểm sinh thái của cây tre mai, UBND huyện đã triển khai xây dựng Dự án phát triển sản xuất tre mai lấy măng liên kết theo chuỗi giá trị. Đây là một trong những mục tiêu quan trọng nhằm phát triển, nâng cao chất lượng vùng nguyên liệu măng mai Lục Yên hiện có và tiếp tục mở rộng diện tích nhằm đảm bảo cho sản xuất phục vụ tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.
Việc thực hiện liên kết theo chuỗi giá trị, gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm sẽ góp phần nâng cao thu nhập cho các hộ dân tham gia thực hiện trồng tre mai, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn huyện, đảm bảo sản xuất ổn định để tiếp tục xây dựng và phát triển thương hiệu Măng mai Lục Yên.
Trong giai đoạn 2023-2025, huyện Lục Yên dự kiến tiếp tục chăm sóc diện tích hiện có và mở rộng vùng nguyên liệu tập trung đạt trên 1.000 ha, trong đó diện tích hiện có khoảng 600 ha, trồng mới 400 ha tập trung chuyển đổi các loại cây trồng khác kém hiệu quả sang trồng tre mai.
Xác định Chương trình OCOP là chương trình trọng tâm trong phát triển kinh tế khu vực nông thôn theo hướng phát huy nội lực và gia tăng giá trị, là giải pháp và nhiệm vụ trọng tâm trong thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, năm 2024, huyện Lục Yên phấn đấu có thêm 9 sản phẩm đạt tiêu chuẩn 3 sao, cùng với đó sẽ tổ chức đánh giá lại 5 sản phẩm bao gồm: Măng mai Lâm Thượng, Cao gắm, Giảo cổ lam, Dây thìa canh, Gạo nếp Lào mu Khánh Thiện.
Trong quý I, toàn huyện đã có 2 sản phẩm được đánh giá đạt sản phẩm OCOP 3 sao là sản phẩm Rượu gạo ủ, Rượu nếp ủ Lập Nguyễn và sản phẩm Măng mai Lâm Thượng. Đồng thời, UBND huyện tiếp tục chỉ đạo phát triển và nâng cao chất lượng các hợp tác xã, doanh nghiệp, tổ hợp tác, hộ sản xuất kinh doanh tham gia chương trình OCOP; duy trì các chuỗi liên kết sản xuất giá trị gắn với các sản phẩm đặc sản, đặc trưng.
Quan tâm công tác đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực, trình độ chuyên môn cho cán bộ quản lý nhà nước, cán bộ theo dõi thực hiện Chương trình OCOP các cấp về quản lý, điều hành, triển khai thực hiện Chương trình. Chú trọng đảm bảo các điều kiện đưa các sản phẩm lên sàn thương mại điện tử Voso.vn, Postmart.vn và các sàn thương mại điện tử uy tín để quảng bá, giới thiệu và bán sản phẩm, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân
.
Triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp để thực hiện Đề án phát triển các sản phẩm OCOP huyện Lục Yên, giai đoạn 2022-2025, đảm bảo tiến độ và hiệu quả, tạo ra những sản phẩm hàng hóa có chất lượng tốt, đạt các tiêu chuẩn quy định đã góp phần hoàn thành nội dung tiêu chí số 13 về tổ chức sản xuất và phát triển kinh tế nông thôn trong Chương trình xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025, nâng cao thu nhập cho người dân theo hướng bền vững.
KINH NGHIỆM XÂY DỰNG XÃ NÔNG THÔN MỚI NÂNG CAO, THÔN, BẢN KIỂU MẪU Ở THẠCH LƯƠNG
Mặc dù là xã khó khăn của thị xã Nghĩa Lộ, song với quyết tâm chính trị cao của cấp ủy, chính quyền và nhân dân, năm 2020,
Thạch Lương đã xây dựng thành công xã đạt chuẩn nông thôn mới (NTM). Đặc biệt, để tiếp tục xây dựng xã NTM nâng cao và các thôn, bản kiểu mẫu theo đúng kế hoạch, từ năm 2022, Đảng bộ xã Thạch Lương đã ban hành Nghị quyết lãnh đạo xây dựng thôn Bản Bát trở thành thôn NTM kiểu mẫu và phấn đấu hoàn thành trong quý IV/2024.
Để đạt mục tiêu đề ra, Đảng ủy xã Thạch Lương đã lãnh đạo chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức, đoàn thể tập trung tuyên truyền nhân dân thực hiện các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM giai đoạn 2021 - 2025. Điển hình là Phong trào "Xây dựng đường giao thông nông thôn”, năm 2023, xã Thạch Lương phấn đấu bê tông hóa và mở mới 3,7 km đường GTNT.
Để thực hiện được mục tiêu này, Đảng bộ xã Thạch Lương xác định rõ, ngoài sự đầu tư của Nhà nước thì phát huy nguồn lực trong nhân dân là vô cùng quan trọng. Qua tuyên truyền, vận động đã có hơn 200 người dân ở thôn Nậm Tăng cùng cấp ủy, chính quyền xã tham gia mở mới tuyến đường dân sinh với chiều dài trên 400 m. Tuyến đường mở mới hoàn thành đã tạo điều kiện thuận lợi giúp các hộ dân sinh sống trên sườn đồi của thôn Nậm Tăng có điều kiện đi lại thuận tiện và phát triển kinh tế.
Lãnh đạo và các đoàn thể chính trị xã hội xã Thạch Lương tham gia cùng nhân dân thôn Nậm Tăng mở tuyến đường với chiều dài 400 m giúp người dân đi lại thuận lợi.
Ông Hà Văn Tuấn - Chủ tịch UBND xã Thạch Lương cho biết: "Thực hiện chương trình xây dựng NTM, năm 2023, xã Thạch Lương thực hiện 3,7 km đường giao thông nông thôn; trong đó, bê tông hóa 1,2km, mở mới trên 2,5 km. Các công trình đường giao thông triển khai trên địa bàn luôn nhận được sự đồng thuận cao từ người dân. Đặc biệt, mỗi tuyến đường bê tông hay đường đất được mở mới hoàn thành là kết quả của sự đoàn kết, đồng lòng từ cấp ủy, chính quyền đến người dân đều hướng đến mục tiêu chung là nâng cao chất lượng cuộc sống”.
Để tiếp tục xây dựng các thôn, bản đạt NTM kiểu mẫu theo đúng kế hoạch, năm 2022, Đảng ủy xã Thạch Lương đã ban hành Nghị quyết lãnh đạo xây dựng thôn Bản Bát trở thành thôn NTM kiểu mẫu và phấn đấu hoàn thành trong quý IV/2024. Theo đó, Ban Chấp hành, Ban Thường vụ Đảng ủy xã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ hướng tới mục tiêu hoàn thành toàn diện các chỉ tiêu, nhiệm vụ đề ra trong nghị quyết và được cụ thể hóa trong các chương trình, kế hoạch của Đảng ủy.
Đồng thời, chỉ đạo các đoàn thể xã hội vận động hội viên và nhân dân tham gia phát triển kinh tế theo hướng sản xuất hàng hóa nông nghiệp xanh, an toàn thực phẩm, đáp ứng yêu cầu của thị trường… Qua đó, nhiều mô hình sản xuất có hiệu quả được nhân rộng như: diện tích rau màu các loại trên 36 ha; tổng diện tích gieo trồng 3 vụ/năm là 386 ha, năng suất bình quân đạt 50 tấn/ha, sản lượng đạt 2.178,8 tấn/năm; sản xuất hoa mầu và vụ đồng bình quân đạt 356 ha/năm; tổng sản lượng lương thực có hạt 2.783.4 tấn/ năm, tăng 628 tấn, đạt 129,2%...
Cùng với đó, xã Thạch Lương cũng quan tâm, khuyến khích, tạo điều kiện cho các hoạt động thương mại, dịch vụ phát triển để phục vụ cho sản xuất và tiêu dùng trong nhân dân; cơ sở hạ tầng tiếp tục được đầu tư xây dựng ngày càng đồng bộ; công tác giáo dục được quan tâm duy trì phổ cập ở cả 3 cấp, 2 trường đạt chuẩn quốc gia, trạm y tế đạt chuẩn quốc gia y tế xã.
Năm 2024 là năm cuối thực hiện Nghị quyết đại hội Đảng các cấp nhiệm kỳ 2020 - 2025, Đảng bộ xã Thạch Lương tiếp tục nâng cao vai trò, năng lực lãnh đạo, tập trung chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ chính trị với 37 tiêu Nghị quyết Đảng bộ xã đề ra; thực hiện Chương trình hành động số 188 của Tỉnh ủy; Kế hoạch số 115 của Thị ủy Nghĩa Lộ về lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị năm 2024 và Nghị quyết số 69 của Đảng ủy xã về các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị năm 2024…
Đồng thời, phấn đấu các thôn, bản đạt chuẩn NTM kiểu mẫu theo kế hoạch đề ra. Để hoàn thành các yêu cầu nhiệm vụ trên, Đảng ủy xã tập trung lãnh đạo, chủ động phát huy các nguồn lực để phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị vững mạnh, góp phần thực hiện hoàn thành các chỉ tiêu nghị quyết đại hội Đảng các cấp nhiệm kỳ 2020 - 2025. Đồng thời, xây dựng kế hoạch, các nhóm giải pháp cụ thể, sát thực tế địa phương nhằm hỗ trợ thôn Bản Bát hoàn thành 100% các tiêu chí NTM kiểu mẫu trong năm 2024.
Hồng Oanh - Mai Linh - Anh Dũng - Trần Ngọc