Nghi lễ Cấp sắc được công nhận Di sản văn hóa phi vật thể
- Cập nhật: Thứ hai, 11/11/2013 | 8:47:14 PM
Ông Nguyễn Việt Thanh, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Tuyên Quang cho biết Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch vừa có Quyết định công bố Nghi lễ Cấp sắc và hát Páo dung của người Dao tỉnh Tuyên Quang được đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Lễ Cấp sắc của người Dao quần chẹt.
|
Lễ Cấp sắc là một trong những nét văn hóa truyền thống đặc sắc nhất của người Dao tỉnh Tuyên Quang.
Theo quan niệm của người Dao, lễ Cấp sắc là một thủ tục không thể thiếu của người đàn ông dân tộc Dao. Đối với người đàn ông dân tộc Dao, được cấp sắc mới được coi là người đàn ông đã trưởng thành và có đủ thẩm quyền tham gia các công việc của cộng đồng như thầy cúng, ông mối làng.
Lễ Cấp sắc của người Dao thường được tổ chức vào tháng 11, tháng 12 hoặc tháng Giêng hàng năm. Lễ Cấp sắc có rất nhiều nghi lễ như lễ đội đèn, lễ giữ cây đèn, lễ hạ đèn, lễ giao binh, lễ trình Ngọc Hoàng, lễ cấp bản sắc, lễ tạ ơn ma tổ tiên...
Còn hát Páo dung là điệu hát dân ca của dân tộc Dao. Ở từng nhóm người Dao khác nhau thì điệu Páo dung cũng có sự khác nhau trong biểu diễn.
Páo dung ở các nhóm người Dao Quần Trắng, Áo Dài ở huyện Hàm Yên, Yên Sơn là âm điệu kéo dài, trầm.
Người Dao Đỏ, Dao Tiền ở huyện Lâm Bình, Na Hang, Chiêm Hóa, Hàm Yên và Dao Quần Chẹt ở huyện Sơn Dương có làn điệu bổng.
Các làn điệu Páo dung của người Dao đều có cùng nội dung đề cao tinh thần lao động sáng tạo, đạo đức, lẽ sống, phép ứng xử, ca ngợi thiên nhiên, tình yêu đôi lứa.
Hát Páo dung có nhiều thể loại như hát giao duyên, hát răn dạy, hát uống rượu, hát tiễn đưa. Hát giao duyên là để trai gái tìm hiểu nhau. Thời gian tổ chức hát thường vào lúc nông nhàn, khi Xuân về, Tết đến.
Hiện Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Tuyên Quang đang phối hợp với Ủy ban nhân dân các huyện xây dựng chương trình, kế hoạch bảo tồn hát Páo dung và Nghi lễ Cấp sắc của người Dao tại các thôn, bản, các xã, huyện đúng với truyền thống và theo nguyện vọng của người dân.
Như vậy, tính đến nay tỉnh Tuyên Quang có bốn di sản văn hóa phi vật thể được đưa vào Danh mục Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia, đó là Nghi lễ hát Then, Lễ hội Lồng Tồng của dân tộc Tày; Hát Páo dung và Nghi lễ Cấp sắc của dân tộc Dao.
(Theo TTXVN)
Các tin khác
Hai kỷ lục mới được xác lập tại Festival Trà Thái Nguyên-Việt Nam lần thứ hai là: Thái Nguyên-Thương hiệu Trà danh tiếng được nhiều người Việt Nam biết đến nhất; sản phẩm Trà Thái Nguyên thuộc Top các đặc sản quà tặng có giá trị của châu Á.
Búng Bình Thiên là một trong những hồ nước ngọt lớn nhất của Tây Nam Bộ nằm gần biên giới Campuchia, thông với sông Bình Di (An Phú, An Giang).
Người Mường ở Hòa Bình có rất nhiều món ăn "kinh dị". Khi mới thưởng thức, người ăn sẽ cảm thấy cảm giác rất lạ, được nếm trải đủ các loại cảm giác từ ghê sợ đến ngon miệng và... nghiện lúc nào không hay.
Hội đồng Cây di sản Việt Nam vừa xét và công nhận cây bạch mai ở đình Phú Tự, ấp Phú Tự, xã Phú Hưng, TP Bến Tre, tỉnh Bến Tre là cây di sản Việt Nam.