Cò Cọi gọi mời
- Cập nhật: Thứ năm, 6/2/2014 | 9:06:14 AM
YBĐT - Sau bao lần hò hẹn, mùa xuân này, người anh họ của tôi sống ở thành phố Hải Phòng mới có dịp lên chơi Yên Bái. Anh nói đã đi nhiều nơi nhưng lần này muốn đến thành phố núi này để được hòa mình vào cảnh sắc tuyệt đẹp của núi rừng Tây Bắc, để được tận mắt ngắm, để được thỏa thích tận hưởng không gian xanh...
Suối nước nóng Cò Cọi trở thành điểm đến hấp dẫn của du khách gần xa. (Ảnh: Thanh Miền)
|
Từ thị xã Nghĩa Lộ ngược lên Tú Lệ khoảng ba cây số, chúng tôi thấy biển chỉ dẫn tới suối nước nóng còn 2km là đường đất nhỏ rẽ vào bản. Bản Cò Cọi một ngày nắng đẹp, dịu nhẹ khiến mọi người thấy thật khoan khoái. Bản san sát những ngôi nhà sàn bình dị. Văng vẳng tiếng cười đùa đâu đó của những cô gái Thái làm không gian bớt vẻ tĩnh lặng.
Theo tiếng cười ấy, chúng tôi đến được suối nước nóng Cò Cọi. Một khung cảnh hư thực, thực hư chốn bồng lai nơi trần gian. Làn hơi nước tựa lớp sương giăng, lúc mờ lúc tỏ. Thấp thoáng bóng các cô gái Thái nô đùa... Anh họ tôi như bị hút hồn. Sợ khoảnh khắc hiếm hoi tan biến, anh vội vàng lấy máy ảnh ghi lại hình ảnh đó. Anh hứng khởi: “Thật là tuyệt! Không đến tận nơi sao có thể cảm nhận được vẻ đẹp này, em nhỉ?”.
Trưởng bản Lò Văn Tiềng nói rằng, mạch nước nóng tại bản Cò Cọi được phát hiện vào thập niên 50 của thế kỷ trước. Nơi đây đã trở thành điểm gặp gỡ của dân bản. Buổi chiều, bà con ra suối tắm để thư giãn, xua đi cái mệt nhọc của một ngày lao động vất vả. Nhận thấy nhu cầu tắm suối nước nóng của người dân ngày càng tăng và tận dụng lợi thế cảnh quan thiên nhiên hoang sơ, chính quyền địa phương đã xây dựng bể tắm tập thể sáu buồng. Một số người dân cũng đầu tư xây dựng thêm hai khu nhà tắm để thu hút khách du lịch.
Cũng theo Trưởng bản Lò Văn Tiềng, dân bản chiều nào cũng tắm, còn khách du lịch thường đến vào mùa đông và có ngày cao điểm đón chừng 200 lượt. Du khách đều chung nhận xét, sau khi ngâm mình trong nước nóng, cơ thể vô cùng sảng khoái, lâng lâng, thư thái.
Bà Hoàng Thị Thi đã gắn bó với dòng suối nóng này hơn 60 năm nay rất tự hào: “Nước ở dòng suối nóng này tốt lắm đấy! Ai bị đau xương, đau khớp, đau gân, đau cơ hay căng thẳng thần kinh chỉ cần ngâm mình trong nước là bệnh sẽ tan biến. Chả thế mà dân bản ở đây ít bệnh lắm!”.
Nước suối có nhiều khoáng chất nên nếu ai ngâm mình quá lâu sẽ có thể bị say, chếnh choáng, bồng bềnh như trên mây nhưng chỉ lên bờ một lát sẽ lại thấy khỏe ra. Sau khi tắm suối, du khách có thể dạo quanh bản khám phá, tìm hiểu phong tục tập quán, sinh hoạt cộng đồng của đồng bào và thưởng thức các món ăn đặc sản riêng có của núi rừng Tây Bắc như: gà bản, cá suối nướng, nộm rau rừng...
Suối nước nóng bản Cò Cọi chính là tiềm năng du lịch sinh thái nhưng chưa được quy hoạch nên du khách chưa biết đến nhiều. Ông Hoàng Văn Dương, một người dân bản đầu tư phát triển dịch vụ suối nước nóng chia sẻ: "Nguồn tài nguyên này vẫn chưa được đầu tư và khai thác triệt để. Con đường dẫn vào suối nước nóng là đường đất, nhỏ, hẹp, khó đi. Tôi đã đi thăm quan nhiều nơi và đã xây dựng 12 phòng tắm song do thiếu vốn nên trang thiết bị thật sự chưa đáp ứng được nhu cầu của du khách”.
Thiên nhiên ưu ái ban tặng dòng suối khoáng nóng, cảnh quan nguyên sơ, người dân thân thiện và mến khách, chắc chắn Cò Cọi sẽ trở thành điểm du lịch sinh thái hấp dẫn du khách gần xa khi có sự quan tâm của Nhà nước đầu tư khai thác tiềm năng này.
Thanh Chi
Các tin khác
Với nhiều chương trình văn hóa nghệ thuật, triển lãm hấp dẫn được triển khai trong dịp Tết Giáp Ngọ, các di tích cô đô Huế đã đón một lượng khách lớn đến tham quan trong những ngày vừa qua.
Theo thống kê của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, trong mấy ngày Tết Giáp Ngọ, lượng du khách đến các bãi tắm, khu du lịch của tỉnh tăng nhẹ so với cùng kỳ năm ngoái. Trong hai ngày 3 và 4-2, du khách ùn ùn đổ về Vũng Tàu và các huyện Long Điền, Đất Đỏ, Xuyên Mộc.
Theo truyền thống, đúng ngày 6 Tết âm lịch hàng năm, chùa Bái Đính, xã Gia Sinh, huyện Gia Viễn bắt đầu khai hội. Hàng vạn du khách trong và ngoài nước, cùng các tăng ni phật tử cũng nô nức hành hương về tham dự lễ hội.
YBĐT - Nếu ai từng có dịp đặt chân đến Lục Yên vào những ngày mùa đông giá rét, ngồi trên nhà sàn cùng nhâm nhi chén rượu, thưởng thức những món ăn truyền thống với đồng bào, hẳn không thể quên vị mằn mặn đầu lưỡi, thoang thoảng thơm trong rượu quện lấy tỏi, ấy là món thịt treo gác bếp, có người lại gọi đó là món thịt sấy hay thịt hun khói.