Nam Định: Lễ khai ấn Đền Trần Xuân Ất Mùi 2015 khai mạc trong đêm
- Cập nhật: Thứ năm, 5/3/2015 | 8:29:16 AM
Đêm 4/3 (tức 14 tháng Giêng âm lịch), Lễ khai ấn Đền Trần Xuân Ất Mùi 2015 đã chính thức khai mạc tại phường Lộc Vượng, thành phố Nam Định.
Quang cảnh lễ khai ấn Đền Trần.
|
Tham dự buổi lễ có Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân, Bộ trưởng Bộ Công an Trần Đại Quang; lãnh đạo Tỉnh ủy, Hội đồng Nhân dân, Ủy ban Nhân dân tỉnh Nam Định, cùng đông đảo nhân dân trong tỉnh và du khách thập phương.
Lễ hội khai ấn năm nay có một điểm mới là việc khôi phục nghi lễ rước kiệu Ngọc Lộ đã bị mai một từ hàng trăm năm nay (đã được tổ chức vào ngày 11 tháng Giêng âm lịch).
Sau nghi lễ dâng hương trước ban thờ Trung thiên đền Thiên Trường, nghi lễ rước kiệu ấn được tổ chức với sự tham gia của hơn 200 người đại diện Hội Người cao tuổi, Mặt trận Tổ quốc và nhân dân phường Lộc Vượng.
Lễ khai ấn được thực hiện trang nghiêm lúc 23 giờ 15 phút tại nội cung đền Thiên Trường theo đúng nghi thức truyền thống.
Sau khi nhà đền dâng sớ khai ấn, 14 cụ cao niên phường Lộc Vượng và đại diện một số ban, ngành được mời vào nội cung chứng kiến nghi lễ và đóng dấu khai ấn 10 cánh ấn bằng giấy màu vàng.
Trưởng từ Đền Trần sẽ chịu trách nhiệm cất giữ những lá ấn này để dâng lên các đình, chùa thuộc phường Lộc Vượng (đền Thiên Trường, đền Cố Trạch, đền Trùng Hoa, chùa Tháp, Văn chỉ Hiền Đàn, đình Tức Mặc, đình Kênh, đình Bái, đình Vĩnh Trường) và lưu tại hòm đựng ấn nhà đền.
Theo thông tin từ Ban tổ chức Lễ hội Khai ấn Đền Trần Xuân Ất Mùi 2015, trong đêm tổ chức lễ khai ấn, Nam Định đã huy động, tăng cường 2.000 người thuộc lực lượng Công an tỉnh Nam Định như cảnh sát cơ động, cảnh sát trật tự, cảnh sát giao thông, cảnh sát phòng cháy chữa cháy, công an thành phố Nam Định và các huyện... nhằm đảm bảo an ninh trật tự, an toàn giao thông để lễ hội diễn ra trang nghiêm và an toàn.
Lễ hội khai ấn Đền Trần Xuân Ất Mùi 2015 diễn ra từ ngày 1-6/3 (tức ngày 11 đến 16 tháng Giêng âm lịch) với tâm điểm là lễ khai ấn vào đêm 4/3 (tức ngày 14 tháng Giêng).
Việc phát ấn cho du khách được tổ chức trong 6 ngày, từ ngày 5/3 đến hết ngày 10/3 (tức là từ ngày 15 đến 20 tháng Giêng).
Trong các ngày tiếp theo, tại quần thể di tích Đền Trần sẽ diễn ra nhiều hoạt động hội truyền thống khác như múa lân, múa rồng, múa sư tử, hát chèo, chầu văn, thi đấu cờ người, đấu vật, biểu diễn võ thuật bên ngoài cổng Ngũ Môn.
(Theo TTXVN)
Các tin khác
Trong phiên họp Chính phủ mới đây, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu loại bỏ các hủ tục trong các lễ hội không còn phù hợp với xã hội văn minh, chú trọng đề cao các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp và tính nhân văn.
YBĐT - Đền Đông Cuông, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái đã được công nhận là Di tích lịch sử cấp quốc gia từ năm 2009. Lễ mổ trâu trắng tế Mẫu là một lễ hội đặc sắc trong nghi thức Lễ Mẫu của đền. Lễ được tổ chức vào ngày Mão đầu tiên của năm mới. Nghi thức mổ trâu tế Mẫu được thực hiện vào thời khắc sang canh (0 giờ) của ngày Mão. Đây là nét sinh hoạt văn hóa tâm linh đặc sắc, riêng có ở địa phương này.
YBĐT - Miền tây Yên Bái bao gồm huyện Văn Chấn, thị xã Nghĩa Lộ và huyện Trạm Tấu, cửa ngõ giao thương với các tỉnh Phú Thọ, Sơn La, Lai Châu... Nơi đây có thiên nhiên hùng vĩ, có nhiều di tích lịch sử văn hóa, với 13 dân tộc anh em chung sống từ lâu đời, có một nền văn hóa đậm đà bản sắc.
“Cướp” ở lễ hội Gióng là một nét văn hóa có từ lâu đời và nó cũng nằm trong hồ sơ trình để UNESCO công nhận lễ hội Gióng là văn hóa phi vật thể, ông Phan Đăng Long, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội cho biết tại buổi giao ban báo chí chiều 3/3.