Đà Nẵng bình ổn giá dịp diễn ra cuộc thi pháo hoa quốc tế
- Cập nhật: Thứ ba, 17/3/2015 | 12:47:09 PM
Ủy ban nhân dân thành phố Đà Nẵng đã triển khai kế hoạch bình ổn thị trường trong thời gian diễn ra cuộc thi trình diễn pháo hoa quốc tế Đà Nẵng (DIFC 2015), lễ 30/4 và 1/5.
Khách du lịch đến tham quan và cầu an tại chùa Linh Ứng.
|
Theo đó, Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch Đà Nẵng yêu cầu các đơn vị, doanh nghiệp thực hiện đúng kế hoạch bình ổn thị trường do Ủy ban nhân dân thành phố ban hành.
Cụ thể, các dịch vụ lưu trú không được tăng giá quá 50% so với giá ngày thường; ăn uống không được tăng giá so với ngày thường.
Các đơn vị vận tải phải đăng ký niêm yết giá và thực hiện đúng giá niêm yết. Mức phí trông giữ xe được quy định cụ thể theo 1 lượt như sau, xe đạp 2.000 đồng, xe máy 5.000 đồng, ôtô dưới 9 chỗ 30.000 đồng, 9-30 chỗ 50.000 đồng, trên 30 chỗ 70.000 đồng.
Giá phòng, giá dịch vụ ăn uống ngày thường, ngày diễn ra sự kiện lễ hội phải niêm yết công khai, rõ ràng tại quầy lễ tân từ ngày 10/2. Đồng thời, số điện thoại đường dây nóng của các cơ quan quản lý liên quan được niêm yết ở vị trí dễ thấy tại quầy lễ tân.
Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch Đà Nẵng yêu cầu các đơn vị, doanh nghiệp phải thực hiện đăng ký kê khai giá lưu trú dịp DIFC 2015 và niêm yết giá kê khai gửi về Sở trước ngày 10/2.
Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại (15/3), mới gần 80% đơn vị, doanh nghiệp trên gửi bảng kê khai theo đúng mẫu yêu cầu của sở.
Thông tin về giá phòng đã đăng ký và niêm yết của các đơn vị sẽ được công bố rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng, báo chí, website của thành phố www.danang.gov.vn và website của Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch (www.cst.danang.gov.vn), trang mạng chính thức của ngành du lịch Đà Nẵng (www.tourism.danang.vn ).
Công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường trong thời gian diễn ra DIFC 2015, lễ 30/4 và 1/5 sẽ được thực hiện từ ngày 20/3.
Trường hợp phát hiện cơ sở lưu trú găm hàng, đẩy giá cao bất hợp lý, không niêm yết giá hoặc bán không đúng giá niêm yết, ngoài việc xử lý nghiêm theo quy định, cơ quan chức năng sẽ công bố rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng, khuyến nghị khách hàng không sử dụng sản phẩm dịch vụ tại các đơn vị này.
Nếu phát hiện tình trạng các cơ sở lưu trú tăng giá phòng cao hơn giá kê khai, du khách có thể liên hệ số điện thoại 0913414909 của đoàn kiểm tra liên ngành thành phố để được hỗ trợ, giải quyết kịp thời.
Hiện nhiều khách sạn tại vị trí đắc địa trên địa bàn thành phố đã thông báo hết phòng. Để chuẩn bị đón lượng lớn du khách đến Đà Nẵng, các công ty du lịch trên địa bàn thành phố đã lên kế hoạch đặt phòng tại khách sạn và khu nghỉ mát (resort) từ nhiều tháng trước.
Tuy nhiên, nếu ngày thường, các công ty lữ hành dễ dàng đặt phòng cho các tour khách đoàn thì dịp bắn pháo hoa này chỉ có thể đặt vài phòng cho khách lẻ.
Thành phố Đà Nẵng hiện có 475 khách sạn và resort với hơn 16.000 phòng. Trong đó, loại phòng được du khách lựa chọn nhiều nhất dịp bắn pháo hoa là phòng khách sạn 3 và 4 sao vì giá hợp lý, chất lượng lại bảo đảm. Tuy nhiên, đến nay, hầu hết các khách sạn 3 và 4 sao đều từ chối nhận phòng cho khách đoàn.
Khảo sát một vài công ty lữ hành lớn, các đơn vị này đều cho biết, đơn hàng dịp bắn pháo hoa là rất nhiều, nếu du khách đồng ý ở lại đêm tại Hội An (Quảng Nam) hoặc Huế thì dễ đặt phòng, nhưng nếu nghỉ đêm tại Đà Nẵng vào dịp này, khả năng đặt phòng là khó.
Dự kiến, 500.000 lượt du khách sẽ đến thành phố vào dịp bắn pháo hoa. Qua tìm hiểu, dù chưa đến dịp nghỉ lễ, dịp bắn pháo hoa, nhưng hiện tượng sốt phòng “ảo” đã xảy ra để nâng giá bán cho khách lẻ vào 2 đêm 28 và 29/4.
Hầu như các khách sạn đều thông báo hết phòng. Trường hợp du khách trả giá cao hơn, khách sạn sẽ đồng ý để lại phòng.
Tìm hiểu mức giá phòng mà các công ty lữ hành đã đặt cọc cho các đối tác quen trong 2 đêm pháo hoa, một vài đơn vị cho biết, giá phòng của khách sạn 3 sao từ 600.000-700.000 đồng/phòng/đêm; 4 sao từ 1,2-1,4 triệu đồng/phòng/đêm.
Chỉ một số ít công ty lữ hành mới có thể đặt phòng tại các khách sạn là đối tác quen với mức giá tăng theo quy định của thành phố, còn khách lẻ sẽ bị các khách sạn “chặt chém.”
Theo ông Cao Trí Dũng, Chủ tịch Hội Lữ hành Đà Nẵng, ngày thường, giá phòng của khách sạn 3 sao khoảng 350.000-500.000đồng/phòng/đêm, khách sạn 4 sao là 600.000 - 850.000 đồng/phòng/đêm.
So với quy định của Ủy ban nhân dân thành phố, các cơ sở lưu trú không được tăng giá phòng quá 50% so với ngày thường thì mức giá mà một số khách sạn đưa ra đã tăng từ 2-3 lần.
Bà Lê Thị Kim Chi, Trưởng phòng Du lịch MICE, Công ty Cổ phần Vietnam Travel Mart cho biết năm nay, dịp lễ 30/4 lại diễn ra lễ hội ánh sáng, lễ hội pháo hoa, giá một số dịch vụ như khách sạn, xe, vé máy bay… tăng nên giá tour trong dịp này cũng khá cao.
Tuy nhiên, công tác tổ chức của thành phố cũng chu đáo hơn. Các điểm đến được truyền thông, quảng bá rộng rãi cộng với dịch vụ phong phú, đa dạng nên khách hàng có nhiều sự lựa chọn.
Ngoài lễ hội pháo hoa (đêm 28 và 29/4), Đà Nẵng còn có Lễ hội ánh sáng (24 đến 27/4), nhiều điểm vui chơi giải trí với các sản phẩm du lịch mới đưa vào hoạt động như Công viên châu Á, Vòng quay mặt trời, Trung tâm giải trí Helio, Biệt thự làng Pháp… nên du khách sẽ có nhiều lựa chọn cho chuyến đi.
Đà Nẵng đang là điểm đến hấp dẫn, dự đoán lượng khách trong mùa lễ hội năm nay sẽ tăng cao, chủ yếu là khách nội địa. Một số khách quốc tế thị trường Đông Nam Á cũng rất quan tâm chọn Đà Nẵng là điểm đến trong dịp này...
(Theo TTXVN)
Các tin khác
Một số địa danh Di sản thế giới của UNESCO hiện đang bên bờ vực bị tàn phá, hủy hoại và biến mất vĩnh viễn. Nhân loại có thể sẽ không bao giờ còn có cơ hội được chiêm ngưỡng những di sản này một cách nguyên vẹn được nữa.
Kanazawa là thành phố cổ nổi tiếng của Nhật Bản với những tòa lâu đài khổng lồ cũng như thực phẩm và hàng thủ công truyền thống.
Trong chương trình “Dân hỏi-Bộ trưởng trả lời", ngày 15/3, Bộ trưởng Bộ Văn joas-Thể thao và Du lịch (VH-TT&DL) Hoàng Tuấn Anh cho rằng, quy mô và tần suất tổ chức lễ hội hiện nay vẫn còn hơi cao, dày, vì vậy, hướng sắp tới là giảm quy mô, tần suất lễ hội.
Cứ đến mỗi dịp xuân về, các lễ hội của dân tộc lại luôn là mối quan tâm lớn của người dân, du khách và dư luận cả nước. Chẳng thế mà năm nay chỉ trong gần một tháng diễn ra lễ hội, trực tiếp Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hoàng Tuấn Anh đã có tới 4 chuyến đi kiểm tra đột xuất công tác quản lý, tổ chức tại một số lễ hội.