Anh Sùng A Hồ ở bản Tà Xùa, xã Bản Công, huyện Trạm Tấu từ một nông dân người Mông chỉ quen việc nương, rừng đã "chuyển nghề” làm porter mấy năm nay. Ở Trạm Tấu, Sùng A Hồ chưa phải người làm porter lâu năm nhất, nhưng lại là người có nhiều kinh nghiệm. "Yên Bái mình có 3 đỉnh núi được du khách tìm đến nhiều nhất là Tà Chì Nhù và Tà Xùa (Trạm Tấu); Lùng Cúng (Mù Cang Chải). Du khách chinh phục các đỉnh núi này thường mất từ 2 - 3 ngày.
Đỉnh Tà Xùa là cung tuyến khó nhất nhưng đổi lại phong cảnh vô cùng tuyệt đẹp với "sống lưng khủng long”, "mỏm đầu rùa”, rừng rêu phong cổ tích hay những triền núi phủ đầy hoa chi pâu... Đặc biệt là có thể dễ dàng "săn” được mây” - anh Hồ tỏ ra thành thạo.
Đỉnh núi Tà Xùa cao 2.865 m, là một trong những đỉnh núi cao nhất Việt Nam. "Trước kia, leo lên đỉnh Tà Xùa khó khăn và nguy hiểm, nay chính quyền địa phương đã cho lắp dây cáp chắc chắn giúp người leo núi có chỗ đu bám nên an toàn hơn rất nhiều, một số chỗ đá trượt dài thì đã được đẽo thành bậc. Vì thế, khách lên đỉnh Tà Xùa nhiều hơn. Khách đi trước chia sẻ kinh nghiệm, review là tạo hiệu ứng thu hút. Chúng tôi lại có thêm nhiều việc hơn”.
Việc review những chuyến leo núi là rất quan trọng trong quảng bá du lịch, thu hút du khách tới đây. Chính vì thế, các porter cũng rất biết cách xây dựng "thương hiệu” và quảng bá giới thiệu. Như anh Hồ thường mang theo khèn Mông để thổi cho du khách nghe trên đường đi hoặc tại lán trại, hay anh Giàng A Súa ở Mù Cang Chải thì mang theo sáo trúc để phục vụ du khách.
Các porter cũng tìm kiếm những cung đường lạ, đẹp cho khách như leo đỉnh Tà Chì Nhù (Trạm Tấu) theo đường Nậm Khắt của Mù Cang Chải để có những trải nghiệm thú vị khi qua những rừng táo mèo bung trắng hoa mây dịp tháng Ba. Các porter cũng xây dựng trang cá nhân trên các nền tảng mạng xã hội như Zalo, Facebook, Instagram, Tiktok...
Nhiều trang cá nhân của porter như một kênh truyền thông du lịch mạnh mẽ. Qua các chuyến dẫn khách leo núi, các porter cũng là những nhiếp ảnh gia với những góc máy đẹp, lạ, họ cũng giỏi tìm kiếm điểm check-in khiến khách không khỏi xuýt xoa hài lòng.
Các porter có 2 nguồn khách, một là thông qua các công ty du lịch, hai là khách liên hệ trực tiếp. Khi có khách muốn lên đường, họ đưa yêu cầu về ngày leo, số lượng người, nhu yếu phẩm cần chuẩn bị. Trưởng nhóm porter chịu trách nhiệm đáp ứng tất cả yêu cầu này. Trung bình từ 2 - 3 khách sẽ có một porter. Đoàn nào cẩn thận sẽ yêu cầu mỗi khách một porter đi kèm.
Trên đường đi, mỗi porter gùi khoảng 20 - 30 kg nhu yếu phẩm cho cả chuyến đi và đồ đạc của khách. Tất cả các cung leo núi của Yên Bái, các porter người bản địa đều đã dựng lán gỗ có chăn và đệm ấm cho khách ngủ qua đêm.
Các Porter gùi hành lý và đồ ăn cho khách du lịch lên đỉnh Lùng Cúng, Mù Cang Chải.
Anh Sùng A Hồng - một porter người Mông xã Nậm Có, huyện Mù Cang Chải chia sẻ: "Việc dựng lán là do trong quá trình dẫn khách chúng tôi thấy cần thiết để đảm bảo sức khỏe và sự an toàn cho khách”.
Kinh nghiệm sau mỗi chuyến dẫn khách leo núi lại đúc rút để công việc trở nên chuyên nghiệp hơn. "Bao giờ cũng phải phân công các việc, dặn anh em luôn đi kèm khách. Nếu đoàn tách nhau vì vấn đề thể lực, cần giữ cự ly giữa các nhóm để tránh bị lạc, bảo đảm an toàn và sức khỏe cho từng người” - anh Hồng chia sẻ.
Mỗi đoàn luôn có một đến hai porter đi cuối để chốt đoàn. Khi gần đến nơi dừng chân, một số porter sẽ đến trước để dọn dẹp lán nghỉ, đun nước nóng cho khách tắm và chuẩn bị bữa tối. Các porter luôn phải dậy sớm chuẩn bị đồ ăn sáng cho khách. Họ cũng là người ngủ cuối cùng sau khi đã dọn dẹp, chuẩn bị đồ cho hành trình hôm sau.
Mùa leo núi thường bắt đầu từ tháng 9 đến tháng 4 hàng năm. Thời điểm này mát mẻ, khô ráo, giúp cho người leo đỡ mệt và mất nước. Các loài cây rừng vào mùa trổ bông, khiến khung cảnh thiên nhiên vùng cao thêm sắc màu rực rỡ như hoa chi pâu tháng 9 đến tháng 11 cung Tà Chì Nhù, hoa táo mèo tháng 3 đến tháng 6 cung Lùng Cúng, hoa tớ dày tháng 12 đến tháng 2... Bên cạnh đó, thời tiết lạnh cũng làm cho biển mây trên những đỉnh núi đẹp hơn.
Anh A Súa - một trưởng nhóm porter người Mông kể: "Ngoài dẫn đường, chúng tôi cũng là bạn đồng hành, sẽ chỉ cho du khách về các loài cây, chim, thú trong rừng hay phong tục, tập quán của người dân địa phương. Leo núi, du khách sẽ hiểu vì sao chỉ với duy nhất một con dao mà porter người Mông không bao giờ bị lạc trong rừng, bởi họ đã đánh các ký hiệu trên cây. Không chỉ đi rừng gùi đồ, nhiều porter ở Mù Cang Chải và Trạm Tấu cập nhật được xu hướng, tích cực thay đổi tư duy xây dựng nhiều mô hình dịch vụ du lịch hấp dẫn như hợp tác xã dịch vụ du lịch, homestay... và đã rất thành công.
Anh Thào A Su - một porter ở Mù Cang Chải chia sẻ: "Những chuyến dẫn đoàn leo núi tôi có thêm những người bạn mới và thêm nhiều khách hàng cho homestay của gia đình. Chia sẻ, mọi người góp ý lại cho mình để xây dựng được dịch vụ tốt nhất. Vì vậy, nên dù gia đình có homestay phục vụ du khách quanh năm nhưng mình vẫn sẽ làm porter”.
Porter - một nghề mới của người Mông vùng cao Yên Bái. Những người dân bản địa làm du lịch rất đỗi thật thà, chất phác, tốt bụng như chính núi rừng đã và đang làm nên thương hiệu "Porter Yên Bái”.
Thanh Ba