Bánh Tét ngày xuân
- Cập nhật: Thứ bảy, 17/2/2007 | 12:00:00 AM
YênBái - YBĐT - Ngày xưa, cứ mỗi lần tết đến, mẹ và chị cả thường giã nếp thình thịch thâu đêm để gói bánh tét cúng gia tiên và “tết bò”. Chiếc cối đẽo từ cây danh mộc vững chãi. Vành cối rộng và vuông vức giữ cho nếp khỏi văng đổ ra ngoài, miệng cối hình tròn sâu hoắm - nơi đôi chày cái giở lên, cái giã xuống thậm thịch làm trộn trạo những hạt nếp bóc vỏ trắng bóng.
Nếp giã xong được đổ và thau ngâm đi cho mềm để gói bánh tét. Nhiệm vụ của cha là cột chặt cái câu liêm vào đầu cây sào rọc lá chuối cho mẹ và chị cả gói bánh. Cha thường chọn những tầu lá chuối tươi xanh, rộng và nguyên lành để gói những cây bánh tét tròn như cái chày giã gạo.
Để cho mẹ được hài lòng, khen một tiếng nghe ngọt như đường phèn, cha thường chọn lạt tre mềm dẻo vót sẵn để bên nia cho mẹ gói bánh. Tôi thì làm đệ tử thứ thiệt của mẹ, hễ mẹ sai vặt là đứng dậy đi ngay. Sự siêng năng của tôi được mẹ đền đáp bằng cách gói cho đôi bánh tét nhỏ nhắn, tròn trĩnh để sau tết cột dây lạt vào hai đầu đòn bánh tét mang toòng teng trước ngực, nhảy thót lên lưng bò ngồi ngật ngưỡng ra đồng ăn đỡ lòng.
Bánh tét mẹ gói bằng nhân thịt lợn, đậu xanh và những củ hành chẻ làm đôi ướp mắm nhất thơm lừng. Sáng 30 tết, mẹ đặt những cây bánh tét bụ bẫm vào chiếc xoong to tướng, đổ nước lắp xắp, bắc lên bếp lửa, tống củi gộc, rải trấu càn xung quanh làm hậu thuẫn cho thần lửa ra sức thi hành tốt nhiệm vụ của mình. Tối ba mươi tết mẹ ngồi canh chừng xoong bánh tét sôi sùng sục, tiếng củi nổ lép bép vui tai, mắt mẹ sáng bừng hạnh phúc với công việc nội trợ đặc biệt của một ngày cuối năm.
Những đòn bánh tét tròn căng tỏa mùi thơm quyến rũ, hiền lành được mẹ vớt ra, gỡ dây lạt, đặt lên bàn thờ gia tiên trong đêm ba mươi hoa quả, đèn hương nghi ngút, ấm cúng thiêng liêng đến vô cùng! Cha ý tứ dành riêng những đòn bánh tét xinh xắn mà mẹ gói cho tôi.
Ba ngày tết, ngoài hoa quả, cốm bánh, thịt cá, khi nhìn lên bàn thờ gia tiên ta thấy những đòn bánh tét múp míp, căng cứng sắp chồng lên cao vồng, đôi mắt ta cứ no nê, lòng vui sướng tràn trề bởi ngày xuân no đủ, trọn vẹn dẫu chưa chắc ai ăn nổi những miếng bánh tét thơm tho, nhưng lâu đói ấy.
Tôi sớm giã từ những ngày tháng cùng lũ trẻ lang thang trên đồng bắt dế, thả diều, bám đuôi bò lội ngược sông reo cười khi nắng dát vàng trên dòng nước lững lờ trôi để xa nhà vào cuộc hành trình vì cái chữ. Và không còn lón nhón xem bố rọc lá chuối cho mẹ gói bánh tét những ngày xuân, nhưng trong giấc mơ tôi vẫn còn nguyên vẹn hình ảnh mảnh mai của mẹ dán trên vách đất mái bếp canh chừng nồi bánh tét sùng sục sôi, cha lom khom cầm sào mải miết rọc lá chuối sau vườn, miệng í ới gọi thằng Út nhặt lá đem phơi cho mềm trước khi gói bánh.
Từ lâu rồi nhà tôi không còn cái chuồng bò mà cứ mồng bốn tết cha bê nguyên mâm bánh tét ra đốt hương khấn vái. Tôi không sao quên trước cổng chuồng bò sau khi “tết bò” có một tấm vàng mã dán cứng lên đó. Những con Mẫm, Cộ, Nị… cũng được cha dán lên đầu một tấm vàng mã như lời nói có dán tem. Phải giúp chủ cày bừa chăm chỉ phục vụ nông gia sẽ được con người biết ơn và hậu đãi.
Trần Quốc Cưỡng
Các tin khác
YBĐT - Dân gian ta có câu:
Thịt mỡ, dưa hành, câu đối đỏ,
Cây nêu, tràng pháo, bánh chưng xanh.
YBĐT - ở tỉnh Hà Tây có đình Thượng làng Duyên Yết được gọi là “đình chạy lợn”, vì ở đây thường tổ chức lễ hội “chạy lợn” vào dịp sau Tết. Chuyện kể rằng: Đời vua Hùng Vương thứ 18, có một vị tướng tên húy là Nguyễn Hiển, hành quân qua đây để đánh đuổi giặc. Các vị bô lão trong làng đã xin được làm cỗ khao quân. Vị tướng bằng lòng, nhưng yêu cầu phải làm sao thật nhanh để binh sĩ kịp hành quân đuổi giặc.
YBĐT - Thị xã Nghĩa Lộ (Yên Bái) như một lẵng hoa đẹp. Đến với Nghĩa Lộ, thấy yêu một vùng lòng chảo màu mỡ, thiên nhiên ưu đãi, con người thuần hậu. Những nơi chúng tôi đến đều để lại những ấn tượng khó quên. Những làng văn hoá sinh thái như bản Xà Rèn (Nghĩa Lợi), Nậm Đông (Nghĩa An), các làng dệt thổ cẩm ở các phường Cầu Thia, Tân An, Trung Tâm, Pú Trạng…
YBĐT - Gạo nếp là sản vật đặc biệt của nhà nông, là thứ lễ vật không thể thiếu trong nghi lễ cúng tế của nhiều dân tộc. Người ta không chỉ làm các loại bánh nếp, cơm lam hay những loại xôi như: xôi xéo, xôi lạc, xôi đỗ, xôi gấc, xôi nghệ, xôi vò, xôi dừa... mà mọi người còn chế biến cả loại xôi vừa ngon, bổ dưỡng, trị bệnh lại có nét thẩm mỹ, đó là xôi ngũ sắc. Xôi này thường chỉ làm vào ngày Tết, lễ cúng tế hoặc cưới hỏi.