Sau hơn 1 năm mở cửa sau dịch bệnh Covid-19, du lịch Yên Bái đã "tỉnh giấc” với một diện mạo mới. Đó là sự phục hồi, phát triển mạnh mẽ không chỉ thể hiện ở những con số về lượt khách, doanh thu mà còn bằng sự tái đầu tư, nâng cấp cơ sở hạ tầng, cải thiện chất lượng dịch vụ và bổ sung sản phẩm phù hợp, đáp ứng nhu cầu của thị trường hậu Covid-19.
Ngày 15/3/2022 được coi là cột mốc đánh dấu sự quay trở lại của du lịch sau hơn 2 năm "đóng băng” do chịu ảnh hưởng của đại dịch Covid-19. Bằng sự tích cực, chủ động chuẩn bị triển khai các nhiệm vụ, giải pháp phục hồi, nhiều cơ sở du lịch đã nhanh chóng đón khách ngay khi mở cửa.
Đi vào hoạt động từ năm 2019, còn chưa kịp ghi dấu ấn với du khách thì homestay của Thào A Su ở xã La Pán Tẩn, huyện Mù Cang Chải đã phải đóng cửa do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19. Không nản chí, Su đã tận dụng khoảng thời gian này để cải thiện, nâng cấp cơ sở vật chất homestay của mình.
Su chia sẻ: "Vừa làm, vừa đầu tư dần nên khi ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, mình lại tranh thủ thời gian kiếm sỏi, đá, sắp xếp để tạo sân nhà; mở rộng đường từ đường chính vào homestay từ 1 mét lên 1,5 mét để thuận tiện di chuyển; cũng trồng thêm gần 100 cây đào rừng quanh nhà để tạo cảnh quan; may vá rèm, chế tạo các vật dụng trang trí từ những sản phẩm sẵn có: thổ cẩm, tre, nứa... Đồng thời, mình cũng học và tìm hiểu để đưa homestay của mình lên các trang đặt phòng du lịch trực tuyến để quảng bá và thu hút du khách”.
Sẵn sàng các điều kiện để đón khách trở lại cùng với thời điểm gần dịp nghỉ lễ nên sau nửa tháng mở cửa du lịch, homestay của Su nhanh chóng đón được những đoàn khách đầu tiên. Nhờ chuyên nghiệp hơn, chất lượng hơn, đẹp mắt hơn, quảng bá rộng rãi hơn nên vào những dịp nghỉ lễ hoặc mùa du lịch, cơ sở của Su luôn kín khách. Những tháng thường cũng đạt trung bình trên 50 khách/tháng, đem lại doanh thu khoảng 20 triệu đồng/tháng.
Hay sản phẩm du lịch nghỉ dưỡng sinh thái Không gian văn hóa trà Suối Giàng (Văn Chấn) cũng đã nâng cấp, hoàn thiện thêm một số hạng mục như: tạo không gian phục vụ du khách tổ chức các hoạt động team building (hoạt động tập thể) nghỉ dưỡng, các trò chơi tập thể, tiệc tối...; nâng cao chất lượng không gian bếp đảm bảo đủ sức chứa, chất lượng bữa ăn cho du khách.
Bên cạnh đó là tiếp tục hoàn thiện việc chuẩn hóa các quy trình từ tổ chức dịch vụ, phát triển sản phẩm, chất lượng sản phẩm cho đến trang thiết bị, tiện nghi, kiến trúc, người quản lý và nhân viên... để đạt chứng nhận OCOP 4 sao vào cuối năm 2021. Nhờ đó, Không gian văn hóa trà Suối Giàng ngày càng được du khách biết đến, khẳng định được uy tín, chất lượng sản phẩm dịch vụ, lượt khách lưu trú tăng gần 3 lần so với năm trước.
Đến nay, cơ bản các điểm du lịch, cơ sở lưu trú, khu nghỉ dưỡng trên địa bàn tỉnh đã đi vào hoạt động ổn định trở lại. Không chỉ vậy, nhiều doanh nghiệp, cá nhân còn mạnh dạn đầu tư, bổ sung cho địa phương những địa điểm du lịch mới.
Đơn cử như: du lịch cắm trại có LauCamping xã Phình Hồ, huyện Trạm Tấu; du lịch nghỉ dưỡng có Mường Lò Retreat ở thị xã Nghĩa Lộ, Omtara Retreat ở huyện Yên Bình; du lịch sinh thái tại xã Nà Hẩu, xã Quang Minh, huyện Văn Yên..., cùng nhiều cơ sở du lịch cộng đồng đi vào hoạt động, nâng tổng số cơ sở lưu trú trên địa bàn tỉnh lên 483 cơ sở.
Đi sau nhưng chắc chắn, những cơ sở này đang được vận hành theo hướng chuyên nghiệp, bài bản, được quan tâm đầu tư về cả chất lượng lẫn hình thức. Các sản phẩm bổ trợ như: ẩm thực, trải nghiệm bản sắc văn hóa dân tộc, khám phá cảnh quan thiên nhiên cũng được khai thác triệt để, đáp ứng nhu cầu của du khách.
Chị Tô Thu Trang - du khách đến từ Hà Nội chia sẻ: "Tìm hiểu trên các phương tiện truyền thông, tôi đã chọn Omtara Retreat ở hồ Thác Bà, Yên Bình làm điểm nghỉ dưỡng cho gia đình. Cảm nhận rõ rệt là sự chỉn chu trong kiến trúc, chất lượng dịch vụ và một không gian gắn kết thiên nhiên với nhiều hoạt động phù hợp với gia đình nhỏ như: đi thuyền tham quan hồ Thác Bà, cắm trại, đạp xe nội khu khám phá làng mạc, làm nông trại cho bọn trẻ... Cả gia đình tôi rất hài lòng về chuyến đi này”.
Khách du lịch trải nghiệm chèo thuyền trên hồ Thác Bà.
Thúc đẩy sự phục hồi và phát triển còn có sự đồng hành và nỗ lực không ngừng của tỉnh, các ban, ngành, các cấp chính quyền khi liên tục triển khai nhiều chính sách, chương trình, hoạt động kích cầu du lịch.
Đặc biệt, Nghị quyết số 10/2021/NQ-HĐND ngày 19/4/2021 của HĐND tỉnh quy định một số chính sách hỗ trợ phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh Yên Bái đã thực sự trở thành đòn bẩy, tạo nguồn lực, điều kiện thuận lợi cho các cá nhân, doanh nghiệp, địa phương cùng chung tay phát triển du lịch, đảm bảo tính bền vững trong phát triển du lịch.
Riêng năm 2022, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh đã trình cấp có thẩm quyền phê duyệt hỗ trợ chính sách với tổng kinh phí 2,3 tỷ đồng. Thu hút đầu tư tiếp tục được đẩy mạnh. Sau mở cửa, đã có 14 nhà đầu tư đăng ký nghiên cứu, khảo sát các dự án trong lĩnh vực du lịch.
Công tác thông tin, quảng bá, giới thiệu về tiềm năng du lịch thông qua việc xây dựng ấn phẩm quảng bá, các hoạt động xúc tiến quảng bá, kích cầu du lịch được triển khai đồng loạt.
Năm 2022, ngành du lịch đã tham gia tuyên truyền quảng bá tại 18
lễ hội sự kiện văn hóa, du lịch ngoài tỉnh; 6 lễ hội, sự kiện văn hóa, du lịch trong tỉnh; tổ chức các hoạt động sự kiện, lễ hội văn hóa, du lịch..., góp phần đưa hình ảnh Yên Bái tới đông đảo du khách trong và ngoài nước.
Rõ ràng, trong bối cảnh còn nhiều thách thức, khó khăn, du lịch Yên Bái đã đạt được những kết quả quan trọng, trong đó lượng khách du lịch thiết lập kỷ lục mới.
Năm 2022, khách du lịch đến Yên Bái đạt 1.588.900 lượt khách, bằng 144,4% kế hoạch, gấp 2 lần so với năm 2021. Trong đó: khách quốc tế đạt 28.000 lượt khách; doanh thu hoạt động du lịch đạt 1.100,6 tỷ đồng, bằng 130,2% kế hoạch, gấp 2,2 lần so với năm 2021.
Dịp nghỉ lễ 30/4 - 1/5 vừa qua cũng là một minh chứng cho thấy sự phục hồi và phát triển đột phá của du lịch tỉnh nhà với trên 121.600 lượt khách, tăng 70,2% so với dịp nghỉ lễ cùng kỳ năm 2022, trong đó khách quốc tế đạt trên 5.000 lượt, tổng thu từ du lịch đạt 94 tỷ đồng (tăng 54% so với cùng kỳ năm 2022)...
Hàng loạt các khu nghỉ dưỡng, cơ sở lưu trú, homestay trên địa bàn tỉnh "cháy" phòng từ trước đó cả tháng. Chỉ bằng ấy những con số đã thấy thị trường du lịch trong tỉnh đang phục hồi và thậm chí còn đang phát triển mạnh hơn trước. Đây là thành tích tốt, đáng tự hào của du lịch Yên Bái, cũng là sự cố gắng lớn của cả tỉnh, của ngành, từ cơ quan quản lý nhà nước, các địa phương, doanh nghiệp đã chủ động, tập trung nâng cấp cơ sở hạ tầng, tạo sản phẩm phù hợp, chương trình kích cầu du lịch ngay từ khi du lịch mở cửa trở lại.
Với mục tiêu thu hút khách trở lại sau thời gian tạm gián đoạn vì ảnh hưởng dịch bệnh, sản phẩm, dịch vụ du lịch có sự hấp dẫn, mới mẻ, nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh đã tập trung phát triển, hoàn thiện các sản phẩm mới, bổ sung dịch vụ, sản phẩm du lịch phù hợp với thế mạnh địa phương.
Năm 2021, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, du lịch Yên Bái không đạt được những kết quả theo kế hoạch, chỉ tiêu đã đề ra. Trong thời gian đó, UBND tỉnh đã chỉ đạo các địa phương tích cực tuyên truyền, vận động các cơ sở kinh doanh dịch vụ về du lịch củng cố, nâng cao chất lượng cơ sở vật chất và các dịch vụ, sẵn sàng đón khách trở lại sau khi dịch bệnh được kiểm soát.
Du khách trải nghiệm hoạt động nấu những món ăn truyền thống của đồng bào người Mông tại Suối Giàng, huyện Văn Chấn.
Năm 2022, ngay sau khi du lịch Việt Nam được mở cửa trở lại, tỉnh đã chỉ đạo các địa phương tích cực thực hiện các giải pháp để kích cầu phát triển du lịch, xây dựng mới và đa dạng hóa các loại hình dịch vụ du lịch phù hợp với tình hình, đặc điểm và tài nguyên du lịch của vùng du lịch trọng điểm, trong đó tập trung vào khai thác lợi thế về thiên nhiên, phong cảnh và
bản sắc văn hóa đa dạng của đồng bào các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh.
Toàn tỉnh hiện có 4 vùng du lịch trọng điểm. Theo đó, tại vùng du lịch hồ Thác Bà và dọc sông Chảy, các địa phương đã nâng cao chất lượng các homestay khu vực hồ Thác Bà và sông Chảy gắn với văn hóa dân tộc Dao và dân tộc Tày; xây dựng các sản phẩm du lịch mới gắn với hồ Thác Bà như thể thao dưới nước cano - dù lượn....; đầu tư nâng cấp chợ đá quý tại thị trấn Yên Thế, huyện Lục Yên thu hút khách du lịch; khảo sát, khuyến khích các hộ kinh doanh đầu tư khu trưng bày, chế tác và bán các sản phẩm lưu niệm từ đá quý, đá trắng, đặc sản địa phương.
Vùng thành phố Yên Bái và phụ cận, tập trung kết nối các công ty lữ hành để hình thành các tour du lịch tìm hiểu lịch sử văn hóa, tham quan một số địa điểm trên địa bàn thành phố. Ngoài ra, thường xuyên tổ chức các hoạt động biểu diễn văn hóa, văn nghệ, trình diễn văn hóa, nghệ thuật dân gian như: múa sạp, múa xòe vào các ngày cuối tuần tại các tuyến phố đi bộ, tạo nên sản phẩm du lịch đặc sắc thu hút du khách đến với Yên Bái.
Tại vùng du lịch trọng điểm miền Tây có các địa phương có tiềm năng, lợi thế du lịch của tỉnh. Thị xã Nghĩa Lộ, địa phương đã tiếp tục củng cố và nâng cao chất lượng các mô hình
du lịch cộng đồng tại bản Sà Rèn, xã Nghĩa Lợi và bản Đêu, xã Nghĩa An. Bên cạnh các homestay của người Thái, đã xuất hiện các homestay mang đậm nét văn hóa của dân tộc Mường. Định kỳ tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ cuối tuần phục vụ du khách tại các thôn, bản có hoạt động du lịch cộng đồng.
Huyện Văn Chấn tập trung thế mạnh phát triển các homestay gắn với bản sắc văn hóa dân tộc Mông tại Suối Giàng; mở rộng thêm các hoạt động du lịch mạo hiểm tại xã Tú Lệ...
Khai thác lợi thế địa hình, cảnh quan huyện Trạm Tấu đã chuyên nghiệp hóa các hoạt động du lịch leo núi, mạo hiểm, thu hút đông du khách đến khám phá. Củng cố và nâng cao chất lượng du lịch nghỉ dưỡng khoáng nóng.
Khai thác tốt tiềm năng, lợi thế của Di tích quốc gia đặc biệt danh thắng Ruộng bậc thang Mù Cang Chải, bên cạnh củng cố, nâng cao chất lượng các hoạt động thường niên như dù lượn, chợ phiên vùng cao..., đã phát triển thêm các loại hình du lịch mới xe máy địa hình, chạy maraton trong lòng di sản, leo núi; tổ chức thêm các lễ hội đặc sắc gắn với văn hóa dân tộc Mông như
Lễ hội khèn Mông, Lễ hội hoa Tớ dày là những sản phẩm du lịch huyện vùng cao Mù Cang Chải tập trung làm tốt.
Vùng du lịch Bắc Trấn Yên - Văn Yên tập trung lợi thế vùng đó là nâng cao chất lượng các hoạt động du lịch cộng đồng như: nâng cấp chất lượng đạt chuẩn OCOP 4 sao đối với
điểm du lịch cộng đồng Bản Tát - Nà Hẩu; tiếp tục quản lý, thực hiện tốt việc khai thác du lịch tâm linh tại
đền Đông Cuông.
Giai đoạn 2020 - 2022, toàn tỉnh đã đón 3.142.700 lượt khách, trong đó khách quốc tế là 35.920 lượt khách; doanh thu đạt 2.066 tỷ đồng.
Năm 2022, ngành du lịch đã phục hồi, bứt phá, làm tốt công tác kích cầu du lịch, tuyên truyền quảng bá du lịch Yên Bái là điểm đến an toàn, thân thiện trên các phương tiện thông tin đại chúng, cùng với các giải pháp nhằm kích cầu thị trường du lịch nội địa, đồng thời tăng cường công tác xây dựng phát triển các sản phẩm du lịch dịch vụ mới phù hợp với thị trường khách du lịch tiềm năng nên lượng khách du lịch đến Yên Bái vượt chỉ tiêu kế hoạch đề ra.
Trong khi đó, Sở Văn hóa -Thể thao và Du lịch tỉnh đã có kế hoạch phát triển sản phẩm du lịch trên địa bàn tới năm 2025 với mục tiêu hình thành các sản phẩm du lịch trên cơ sở khai thác hiệu quả tài nguyên thiên nhiên và nhân văn trên địa bàn. Các sản phẩm này mang tính đặc trưng, khác biệt và có tính cạnh tranh so với các sản phẩm du lịch ở các địa phương khác. Dựa vào tiềm năng thiên nhiên, hệ thống dịch vụ du lịch hiện có, Yên Bái phát triển các loại hình du lịch chính, đó là du lịch nghỉ dưỡng, du lịch sinh thái, du lịch văn hóa, lễ hội và một số loại hình du lịch kết hợp là du lịch cộng đồng, du lịch nông nghiệp.
Đại dịch Covid-19 đã làm thay đổi nhu cầu, thói quen du lịch của nhiều người. Du khách có xu hướng tự lên lịch trình trải nghiệm đến những điểm lưu trú kết hợp nghỉ ngơi và có không gian vui chơi, gần gũi với thiên nhiên. Một trong những loại hình du lịch hướng tới xu hướng du lịch xanh đó là du lịch cắm trại glamping. Thời gian gần đây, cắm trại glamping xuất hiện manh nha tại các địa phương trên địa bàn tỉnh đã hút khách du dịch đến với Yên Bái.
Glamping là kiểu du lịch cắm trại, bao gồm ăn uống, vui chơi, nghỉ ngơi tại lều trại ngoài trời. Đây là loại hình cắm trại sang trọng và tiện nghi, du lịch vừa trải nghiệm vừa kết hợp nghỉ dưỡng, khách không cần lên kế hoạch cầu kì vì khu cắm trại đã chuẩn bị chu đáo.
Nhằm đáp ứng nhu cầu du lịch trải nghiệm ngắn ngày, giá cả phải chăng, cùng với đó là tận dụng thế mạnh về điều kiện tự nhiên, gần đây, nhiều đơn vị đã đầu tư mặt bằng, xây dựng những khu cắm trại cao cấp glamping để phục vụ nhu cầu đa dạng đối tượng du khách đi theo nhóm theo đoàn là gia đình, nhóm học sinh, sinh viên, người lớn tuổi…
Loại hình du lịch glamping mới có trong nhóm các sản phẩm du lịch tại Yên Bái. Tại một số địa phương có các điểm glamping như: Phai Luông glamping huyện Lục Yên, Lau Camping ở xã Phình Hồ huyện Trạm Tấu...
Vào dịp cuối tuần, khi thời gian nghỉ hạn chế, nhóm bạn của chị Nguyễn Thu Hương đang sinh sống tại Hà Nội quyết định lựa chọn khu cắm trại Phai Luông glamping ở bản Chang Pồng, xã Lâm Thượng, huyện Lục Yên là điểm đến du lịch.
Chị Nguyễn Thu Hương cho biết: "Sau khi tìm hiểu qua mạng xã hội, tôi thấy nhiều phản hồi về hình thức du lịch cắm trại kiểu glamping đang "hot” tại Yên Bái nên đã rủ bạn bè trải nghiệm và cũng chọn nghỉ ngơi ở Phai Luông glamping. Khi đến đây được trải nghiệm, tôi cảm thấy khu Phai Luông glamping độc đáo nằm giữa thiên nhiên hoang sơ, với núi non trùng điệp, tràn ngập màu xanh của cây cỏ và dòng suối trong mát. Chúng tôi được cắm trại bên bờ suối, được ăn những món ăn ngon và quan trọng nhất tôi cùng những người bạn được thư giãn, hòa mình với cảnh sắc thiên nhiên tươi đẹp và con người mộc mạc nơi đây”.
Rất đông bạn trẻ thích thú trải nghiệm không gian mới mẻ, hòa mình với thiên nhiên tại Lau Camping ở thôn Tà Chử, xã Phình Hồ, huyện Trạm Tấu.
Cũng chọn khu cắm trại Phai Luông glamping là điểm đến, nghỉ dưỡng chị Bùi Hương Thu, du khách đến từ thành phố Yên Bái cũng chia sẻ cảm nhận: "Một chuyến du lịch thông thường khó đáp ứng được nhu cầu của mọi thành viên từ người già tới trẻ nhỏ trong gia đình, nhưng du lịch cắm trại kiểu glamping lại có thể làm được. Với khoản chi phí hợp lý, chưa đến 1 triệu đồng/người, gia đình chúng tôi đã có thể sử dụng dịch vụ nghỉ ngơi, ăn uống, đi lại kết hợp các hoạt động vui chơi như: bơi bè mảng, tắm suối hay chụp ảnh checkin trong khuôn viên. Ngoài ra, về mặt an toàn an ninh cũng được đảm bảo khi luôn có người hướng dẫn cho mọi hoạt động”.
Anh Sùng A Lu - Giám đốc khu Lau Camp tại thôn Tà Chử, xã Phình Hồ, huyện Trạm Tấu chia sẻ: "Tại Yên Bái, nhiều khu cắm trại tự phát kiểu camping đã xuất hiện vài năm trước. Tuy nhiên, du lịch cắm trại kiểu glamping không nhiều, chưa được đầu tư đúng với tiềm năng phát triển. Chúng tôi mong muốn đem đến một khu glamping đầy đủ tiện nghi và quy mô hoạt động với đầy đủ tiện ích. Du khách hoàn toàn có thể yên tâm về cơ sở vật chất cũng như dịch vụ trong khuôn viên cắm trại.
Tại đây tích hợp đầy đủ tiện ích như bếp ăn, nhà vệ sinh, khu vực uống cà phê; lều, trại được đầu tư theo đúng tiêu chuẩn buồng phòng, vừa đáp ứng cho khách muốn trải nghiệm không gian mới mẻ, hòa mình với thiên nhiên, vừa được đảm bảo về mặt an ninh, dịch vụ, tính thẩm mỹ.
Thêm một điểm cộng là so với những gì mà glamping đem lại thì chi phí thường rẻ hơn so với các hình thức du lịch khác. Vì vậy, glamping ngày càng được yêu thích vì phù hợp với nhu cầu của mọi phân khúc khách hàng, đặc biệt với nhóm du khách không có điều kiện đi dài ngày và dành mức chi phí không cao cho mỗi chuyến du lịch.
Chỉ mới đi vào hoạt động từ tháng 2 năm nay nhưng công suất phòng tại khu cắm trại của chúng tôi thường đạt tối đa và hết phòng vào dịp cuối tuần nếu không đặt trước”. Anh Sùng A Lu cho biết thêm, từ nay cho đến năm 2026, đơn vị tiếp tục đầu tư, chỉnh trang cơ sở vật chất, xây dựng lịch trình trải nghiệm để chào đón du khách thập phương.
Gần đây nhất, Lau Camping sẽ mở rộng thêm các khu vui chơi, khu checkin và các dịch vụ đi kèm như tặng voucher, giá tốt cho ngày thường…
Nhằm mở rộng và phát triển quy mô của hình thức du lịch cắm trại cao cấp, Ban Quản lý khu Lau Camping tích cực truyền thông, chú trọng về mặt hình ảnh, tương tác, phản hồi của du khách, tạo các gói dịch vụ phù hợp với từng nhóm đối tượng. Qua đó, thu hút lượng lớn du khách đến trải nghiệm ngay từ đầu năm, giải quyết tốt vấn đề mùa vụ trong du lịch.
Việc phát triển hình thức du lịch cắm trại dã ngoại kiểu glamping là hướng đi đúng, góp phần đa dạng hóa sản phẩm, loại hình du lịch, thu hút khách hàng đến Yên Bái, nhất là trong thời điểm du lịch hè năm nay, giúp du lịch Yên Bái tạo sức cạnh tranh, xây dựng hình ảnh, thương hiệu là điểm đến an toàn, thân thiện, chất lượng và hấp dẫn.
Bài: Hoài Anh - Thu Hiền
Ảnh: Hoài Anh - Thu Hiền - Internet
Đồ họa: Thành Trung