Ngải bún - vị Khmer Nam bộ

  • Cập nhật: Thứ ba, 8/5/2007 | 12:00:00 AM

Ngải bún có nguồn gốc từ Campuchia, mọc hoang trong những khu rừng hoang dã ở Seam Reap, Battambang... Người Việt ở các tỉnh miền Tây Nam bộ sang Campuchia lập nghiệp đã mang củ ngải bún về trồng ở Việt Nam cách đây 45 năm. Ngải bún dùng để nấu bún nước lèo (num-chóc) và món kèn dừa (xăm-lo bờ-hơ), hai món ăn không thể thiếu trong bộ phận gia đình người Việt đã từng cư ngụ tại Campuchia (mà người ta thường gọi là Việt kiều - Campuchia), đang sống rải rác ở các tỉnh Nam bộ.

Ngải bún được trồng bằng củ vào đầu mùa mưa ở miền Nam, khoảng đầu tháng 5 dương lịch. Đất trồng phải tơi xốp, không úng nước, thường là đất đen pha sỏi nhỏ. Lá ngải bún là lá đơn dài, hình lưỡi mác, giống lá nghệ nhưng nhỏ hơn. Cây ngải bún không có hoa, phát triển nhiều ở phần củ. Trồng được khoảng 5, 6 tháng, đến cuối mùa mưa, sau khi phần lá đã lụi tàn, người ta đào củ ngải bún lên, thu hoạch.

Củ ngải bún kết chùm giống chân gà, mọc từng củ dài. Củ lớn nhất chỉ bằng ngón tay út. Củ màu trắng ngả sang vàng lợt. Khi bẻ đôi củ ngải bún, bên trong có phần lõi màu vàng đậm hơn phần thịt màu trắng đục. Ngải bún có hương thơm dìu dịu, vị ngai ngái, gợi nhớ đến hương vị của đất đai, núi rừng hoang dã.

Muốn nấu món bún nước lèo, người ta phải dùng củ ngải bún tươi nấu mới ngon. Ngải bún khô, để lâu, đã mất đi nhiều hương vị. Muốn có củ ngải bún tươi, khi nào nấu, người ta mới đào lên lấy củ. Củ được rửa sạch, cạo bỏ vỏ rồi giã nát, đổ ít nước vào nấu cho sôi lên, lọc bỏ bã, lấy nước cốt để riêng.

Mua các loại cá có nhiều nạc (ngon nhất là cá lăng, sau đó mới tới cá đỏ...) đem luộc chín, gỡ lấy nạc, bỏ xương rồi giã nát. Một ký cá có thể nấu cho 4 người ăn. Nghệ, tỏi, đậu phộng rang chín cũng giã nhuyễn rồi trộn chung với cá và nước cốt ngải bún. Bỏ thêm một chút đường, bột ngọt, ớt đã giã và một chút mắm bò hóc rồi trộn đều. Nửa trái dừa già nạo lấy nước cốt để riêng. Nước cá đã luộc vớt sạch bọt, đổ thêm nước dừa dão vào, nấu sôi. Khi nước đã sôi, bỏ cá đã trộn chung với các loại gia vị vào, tiếp tục nấu cho sôi đều. Đập thêm hai tép sả bỏ vào. Khi nào sắp ăn hãy đổ nước cốt dừa vào sau cùng. Như vậy là ta đã nấu xong món nước lèo bay lên phưng phức, có hương vị đặc trưng của củ ngải bún, không lẫn với bất cứ món gia vị nào khác.

Rau ăn với bún nước lèo cũng là một hợp tuyển đặc biệt: đậu đũa xắt nhuyễn - giá sống - bắp chuối xắt nhỏ - đọt xà-bui (keo dậu) và dưa leo bằm nhuyễn.

Bún nước lèo phải ăn nóng mới ngon. Nếu lạt, người ta chỉ có thể thêm với món chấm là muối ớt.

Ai ăn món bún nước lèo một lần sẽ nhớ đời hương vị của ngải bún. Nó gợi cho ta đến cái không khí hoang dã của những cánh rừng chưa khai phá. Nó tạo cho ta nhớ đến cái sức sống hừng hực của các cơ bắp vượt núi băng đèo đi khai khẩn những miền đất hoang...

Ở TP.HCM, muốn ăn món bún nước lèo, người nhớ quê phải tìm tới khu vực Tân Hương - Tân Phú quận Tân Bình, nơi có nhiều người Việt kiều - Campuchia sinh sống.

(Theo SGTT)

Các tin khác

Du khách quốc tế luôn chọn Việt Nam là nơi dừng chân cho những kì nghỉ thú vị của mình bởi rất nhiều lý do nhưng trong đó có 5 lý do chính là: giá hàng hoá và dịch vụ thấp, phong cảnh thiên nhiên, văn hoá, du lịch mạo hiểm và con người thân thiện...

Bánh kẹp dừa làm từ bột gạo, bột mì và bột năng. Nhân bánh là những sợi dừa già tới, sên đường trắng cho dẻo lại, ăn rất bùi và béo.

Một góc Mỹ Sơn trong chương trình thử nghiệm

Nhân dịp lễ 30-4 và 1-5, lần đầu tiên, di sản văn hoá thế giới Khu đền tháp Chămpa Mỹ Sơn (huyện Duy Xuyên, Quảng Nam) "mở cửa" đón du khách ở lại chiêm ngưỡng một Mỹ Sơn huyền thoại trong không gian về đêm.

Con cáy sống ở dọc bờ biển, nhỏ hơn con cua đồng, chạy rất nhanh vùi sâu vào cát mỗi khi có tiếng động.Đến mùa đẻ trứng hầu như con nào cũng mang đầy gạch. Đó là những bộng trứng chắc, vàng, béo ngậy. Người ta bắt cáy và hấp lên lấy trứng để làm bánh. Trứng cáy là nguyên liệu chính để làm nên bánh cáy. Vào khoảng cuối xuân sang hè, cáy bắt đầu mang trứng.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục