Phát triển du lịch xanh là một xu hướng, là yêu cầu, là định hướng chiến lược quan trọng của du lịch Việt Nam. Du lịch xanh là việc phát triển du lịch dựa trên nền tảng khai thác hợp lý, có hiệu quả tài nguyên và các nguồn lực; thúc đẩy phát triển sản phẩm và dịch vụ du lịch xanh phục vụ tiêu dùng; gắn với bảo tồn, phát huy các giá trị tài nguyên tự nhiên và di sản văn hóa dân tộc; bảo vệ môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học, giảm phát thải khí nhà kính và thích ứng với biến đổi khí hậu.
Cuối tháng 8/2023, UBND tỉnh Yên Bái có chủ trương về việc triển khai Dự án hỗ trợ phát triển du lịch xanh tỉnh Yên Bái do Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) tài trợ. Ngành văn hóa, thể thao và du lịch tỉnh đã khẩn trương tổ chức phối hợp triển khai thực hiện nhiệm vụ. Hoạt động phối hợp đảm bảo cung cấp đầy đủ hồ sơ tài liệu, thông tin cho nhóm tư vấn, chuyên gia, cùng đi khảo sát thực tế tại các xã, phường và phối hợp tổ chức những buổi tham vấn tại các địa phương.
ADB đã thực hiện các hoạt động hỗ trợ kỹ thuật phát triển du lịch xanh ở cấp tỉnh và cấp huyện. Với cấp tỉnh, có hoạt động nâng cao nhận thức về du lịch bền vững, quản lý điểm đến bền vững sẽ tổ chức lớp đào tạo vào tháng 5 tới đây và hoàn thành khảo sát nghiên cứu thị trường khách du lịch tỉnh Yên Bái.
Bên cạnh đó, ADB xây dựng bộ nhận diện thương hiệu gồm logo, các thông điệp… và kế hoạch truyền thông marketing cũng như thiết kế mô hình cộng đồng mẫu. Bản Cu Vai, bản Xà Rèn, bản Hốc, Sống lưng khủng long Mù Cang Chải, bổ sung bản Tập Lăng, nhà văn hóa bản Pang Cáng đã được ADB khảo sát thực địa trong nội dung thiết kế mô hình cộng đồng mẫu.
Một nội dung quan trọng khác là chuyển đổi số. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh chịu trách nhiệm về nội dung, phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh đưa lên nền tảng chuyển đổi số của tỉnh thẻ card visit du lịch tỉnh Yên Bái với 5 nội dung: ảnh VR360 gồm toàn cảnh các huyện và 35 điểm du lịch của tỉnh, các chương trình du lịch theo chủ đề, Cổng Du lịch tỉnh Yên Bái, Sách ảnh "Yên Bái - Đất và người”, Sổ tay các sản phẩm OCOP Yên Bái. Đồng thời, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh đã thiết kế 35 chương trình du lịch theo chủ đề, đưa vào nền tảng thẻ card visit.
Cùng với hoạt động hỗ trợ kỹ thuật phát triển du lịch xanh cấp tỉnh, ADB đã tiến hành hỗ trợ 6/9 huyện, thị xã gồm huyện Văn Yên, Lục Yên, Văn Chấn, Trạm Tấu, Mù Cang Chải và thị xã Nghĩa Lộ. Tổng thể chung, ADB thực hiện xây dựng, rà soát và hoàn thiện, cải thiện, rà soát và bổ sung các giải pháp phát triển cho đề án phát triển du lịch của các huyện, thị xã đảm bảo phù hợp với thực tế.
Mặt khác, khảo sát và bám sát đặc trưng của từng địa phương là cơ sở quan trọng để ADB xây dựng, thiết kế ý tưởng, phát triển điểm du lịch, tư vấn phát triển sản phẩm gắn với du lịch… một cách khoa học, đồng bộ, khả thi. Trên địa bàn huyện Mù Cang Chải, qua khảo sát các xã Dế Xu Phình, Kim Nọi, Mồ Dề, Chế Tạo và các địa điểm có tiềm năng du lịch có thể phát triển thành sản phẩm du lịch đặc trưng như: rừng thông và sống lưng khủng long Dế Xu Phình, ruộng bậc thang bản Háng Đang Dê ở xã Kim Nọi, võng lúa Sáng Nhù của xã Mồ Dề, Khu bảo tồn loài, sinh cảnh xã Chế Tạo để lên ý tưởng phát triển sản phẩm du lịch…
Quá trình khảo sát và làm việc với UBND thị trấn, trưởng thôn, các hộ dân đang thực hiện kinh doanh dịch vụ du lịch tại các địa điểm có suối khoáng nóng ở tổ dân phố Suối Khoáng, thị trấn Sơn Thịnh, huyện Văn Chấn đã lựa chọn được 2 hộ tham gia đầu tư tiên phong. Hoạt động này sẽ góp phần thúc đẩy xây dựng mô hình nước khoáng nóng chất lượng thân thiện với môi trường nhằm phục vụ nhân rộng về sau cho cộng đồng. ADB thực hiện khảo sát, xác định, thiết kế tuyến đi bộ dã ngoại và đi xe đạp địa hình xung quanh đồi chè Nghĩa Lộ, các tuyến nối Nghĩa Lộ đến các điểm du lịch xung quanh như Suối Giàng, Nậm Đông đồng thời xây dựng ý tưởng phát triển điểm du lịch "Về Mường” của người Thái đen Nghĩa Lộ…
Đồng chí Vũ Thị Mai Oanh - Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Yên Bái cho biết: "Thuận lợi lớn là Ngân hàng Phát triển Châu Á cử chuyên gia về du lịch, kiến trúc, quy hoạch có nhiều kinh nghiệm trong việc triển khai hỗ trợ kỹ thuật Dự án phát triển du lịch xanh tỉnh Yên Bái. Bên cạnh đó, chính quyền địa phương các cấp đã quan tâm, phối hợp triển khai thực hiện Dự án”. Để thực hiệu quả các hạng mục hỗ trợ của Dự án, cần có sự quan tâm bố trí nguồn vốn của tỉnh, của huyện và các địa phương cần tiếp tục phối hợp chặt chẽ hơn nữa trong quá trình triển khai.
Nguyễn Thơm