Những ngày này, đội văn nghệ của thôn Khe Táu, xã Phong Dụ Thượng đang ra sức luyện tập các tiết mục văn nghệ để biểu diễn tại Ngày hội truyền thống "Sắc màu văn hoá các dân tộc” lần thứ 2. Các chàng trai, cô gái bản hàng ngày lên nương rẫy giờ đây duyên dáng, uyển chuyển trong bộ trang phục dân tộc Mông rực rỡ thể hiện điệu múa sênh tiền. Đây là điệu múa cổ gắn liền với nhiều nghi lễ văn hóa, được người Mông truyền từ đời này qua đời khác, dành cho cả nam và nữ, không phân biệt lứa tuổi.
Chị Tráng Thị Mủa - đội trưởng Đội văn nghệ thôn Khe Táu chia sẻ: "Múa sênh tiền khá phức tạp vì động tác phải kết hợp chân, tay, hông, đầu, phối hợp nhịp nhàng với gậy nên chúng tôi phải thường xuyên tập luyện mới có thể biểu diễn thành thục. Người múa cầm gậy sênh tiền vừa múa, vừa di chuyển với các động tác để cây gậy chạm vào các vị trí trên cơ thể làm các đồng xu phát ra âm thanh. Bài múa có thể kết hợp các nhạc cụ khác nhưng cũng có thể không cần, bởi âm thanh từ cây gậy đã đủ tạo nên không khí vui nhộn. Chúng tôi hi vọng sẽ đem đến Ngày hội tiết mục thật ấn tượng, mang đậm bản sắc của đồng bào mình, góp phần quảng bá văn hoá của người Mông đến đông đảo du khách”.
Không chỉ tại thôn Khe Táu, người dân thôn Bản Lùng những ngày này cũng tranh thời gian sau khi đi nương về, cùng ngồi lại bàn bạc, thống nhất các món ăn để chuẩn bị tham dự Hội thi ẩm thực năm 2024. Chị Siều Thị Khương, thôn Bản Lùng cho biết: "Tất cả thực phẩm chúng tôi chuẩn bị đều là những nguyên liệu có sẵn ở trên nương, rẫy và vườn nhà như: rau rừng, bi chuối, gà, vịt, ốc đá… mang về chế biến thành những món ăn truyền thống, mang hương vị của đồng bào Tày vùng cao Tây Bắc”.
Quần thể ruộng bậc thang Khe Táu mùa lúa chín thu hút du khách đến tham quan, trải nghiệm và khám phá.
Theo kế hoạch, Ngày hội truyền thống "Sắc màu văn hóa các dân tộc” xã Phong Dụ Thượng lần thứ 2 năm 2024 sẽ được tổ chức từ 31/8 - 2/9 tới đây, đúng vào dịp kỷ niệm 79 năm Cách mạng Tháng tám và Quốc khánh 2/9. Điểm nhấn của Ngày hội là
lễ ra mắt sản phẩm du lịch xanh thôn Khe Táu với chủ đề "Khe Táu - Đêm hội ngàn sao”.
Sản phẩm du lịch xanh thôn Khe Táu hứa hẹn sẽ mang đến cho người dân và du khách những trải nghiệm thú vị về mảnh đất, con người xã Phong Dụ Thượng - địa phương sở hữu nhiều tiềm năng, địa điểm du lịch sinh thái hấp dẫn như khu vực suối nước nóng thuộc thôn Cao Sơn, thác nước Khe Ban, thác nước Khe Mạng... ;đặc biệt là được chiêm ngưỡng, khám phá và trải nghiệm quần thể
ruộng bậc thang Khe Táu rộng khoảng gần 50 ha, đỉnh cao nhất cao khoảng 1.100 mét so với mặt nước biển với khí hậu mát mẻ quanh năm. Vào mùa lúa chín, ruộng bậc thang Khe Táu là một bức tranh kỳ vĩ, chắc chắn là điểm đến không thể bỏ lỡ trong hành trình khám phá mảnh đất "cao sơn ngọc quế" Văn Yên.
Ông Hà Trung Kiên - Trưởng Phòng Văn hoá - Thông tin huyện Văn Yên nhấn mạnh: "Việc ra mắt sản phẩm du lịch xanh thôn Khe Táu nhằm nâng cao nhận thức của hệ thống chính trị, khách du lịch và người dân về việc bảo vệ và gìn giữ cảnh quan thiên nhiên, bảo vệ môi trường trong phát triển du lịch bền vững, tận dụng và khai thác tài nguyên thiên nhiên hợp lý, tạo sự chuyển biến trong nhận thức cho những người làm du lịch, góp phần thúc đẩy du lịch xanh Yên Bái”.
Tham gia Ngày hội truyền thống "Sắc màu văn hóa các dân tộc” xã Phong Dụ Thượng lần thứ 2, năm 2024, nhân dân và du khách còn được hoà mình vào chương trình nghệ thuật đặc biệt do những chàng trai cô gái người Mông, người Dao, người Tày biểu diễn mang đậm bản sắc dân tộc như: múa khăn then, múa khèn, múa gậy sênh tiền…; hội xòe lửa trại với chủ đề "Khe Táu - Đêm hội ngàn sao”; tham gia các trò chơi dân gian sôi động như: ném còn, đẩy gậy, đi cà kheo, thi đi cầu lắc trên mặt nước, bịt mắt đánh trống...
Đặc biệt là được trải nghiệm, khám phá các gian hàng trưng bày, giới thiệu các sản vật nổi tiếng của địa phương như: như tôm, cua, ếch, cá, hoa quả, ngô, thóc, khoai sọ, khoai lang, măng khô, măng tươi, ớt, vàng bạc, dao kéo, lợn, gà, vịt... Hứa hẹn mang đến không khí sôi động nhất là Hội thi ẩm thức với sự tham gia của các đội thi đến từ 8 thôn trong xã. Các đội sẽ tự chế biến một mâm cỗ từ 5 - 8 món ăn mang đặc trưng riêng của văn hoá và con người địa phương, trưng bày bắt mắt, sáng tạo để Ban tổ chức chấm điểm và trao giải.
Ông Lương Văn Thu - Chủ tịch UBND xã Phong Dụ Thượng cho biết: "Đến thời điểm này, địa phương đã hoàn tất công tác chuẩn bị cho lễ hội, sẵn sàng đón du khách. Chúng tôi cũng chỉ đạo các cơ sở lưu trú, hợp tác xã du lịch trên địa bàn chuẩn bị đủ nơi ăn, nghỉ cho du khách khi có nhu cầu dừng chân tại địa phương. Đồng thời đảm bảo tốt về an ninh trật tự để du khách thỏa sức khám phá và hoà mình vào cảnh sắc thiên nhiên, nét văn hoá đặc trưng của địa phương. Chúng tôi hi vọng trong tương lai, Lễ hội truyền thống "Sắc màu văn hoá các dân tộc" sẽ trở thành một điểm hẹn văn hoá, thu hút đông đảo nhân dân và du khách đến với mảnh đất Phong Dụ Thượng, thúc đẩy kinh tế - xã hội ngày càng phát triển".
Thu Trang