Sự hấp dẫn của Mù Cang Chải trong cảm nhận của nhiều du khách - đẹp nhất vẫn là mùa vàng, vì ngoài cảnh quan đẹp, bản làng ấm no thì thời tiết đẹp, mát mẻ giúp du khách dễ thích nghi. Bởi vậy, từ cuối tháng 9 đầu tháng 10 hằng năm, khi tiết trời bắt đầu se lạnh cũng là thời điểm mùa lúa chín rộ, Mù Cang Chải lại đón du khách trong và ngoài nước nườm nượp đến với địa phương trong niềm háo hức.
Tôi gặp chị Nguyễn Thị Bích Hồng, du khách đến từ thành phố Hồ Chí Minh đang check in lưu lại những hình ảnh đẹp để làm kỷ niệm khi đến với vùng cao Mù Cang Chải tại Đồi Mâm xôi, xã La Pán Tẩn. Chị Hồng phấn khởi chia sẻ: "Với mảnh đất Tây Bắc, tôi đã đến Sơn La, Hòa Bình, Lào Cai, nhưng đây là lần đầu tiên tôi đến với Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái. Trước khi đi, tôi cũng đã tham khảo trên các thông tin đại chúng, mạng xã hội và tôi quyết định chọn đến với Mù Cang Chải vào dịp du lịch mùa vàng.
Sau hai ngày trải nghiệm các hoạt động, sản phẩm du lịch của địa phương và tham quan đời sống người dân, tôi nhận thấy với huyện vùng cao Mù Cang Chải không chỉ có cảnh quan đẹp, thời tiết khí hậu trong lành mà người dân nơi đây cũng rất tình cảm, gần gũi, dễ mến. Tôi sẽ còn quay lại huyện vùng cao này vào thời gian tới đây và tất nhiên vào các dịp lễ hội khác để có cơ hội trải nghiệm, khám phá được nhiều bản sắc, nét văn hoá đặc thù của đồng bào hơn”.
Cũng như chị Hồng, ông Lê Đức Hải - du khách đến từ Hà Nội cũng phấn khởi chia sẻ: "Với Mù Cang Chải, tôi cũng đã đến vài lần vào những năm trước đây. Dịp này, tôi lại chọn đến với Mù Cang Chải vào dịp mùa vàng để cảm nhận sự thay đổi theo mùa của mảnh đất này. Mỗi lần tôi đến với Mù Cang Chải đều có những trải nghiệm, khám phá mới lạ.
Riêng lần này đến với Mù Cang Chải, tôi đã đi tham quan cảnh đẹp từ Đồi Mâm xôi, Võng lúa móng ngựa, Bãi đá cổ và đặc biệt là được nghe giới thiệu và trải nghiệm một số văn hóa truyền thống của người Mông như: Lễ mừng cơm mới, vẽ hoa văn trên vải bằng sáp ong, múa khèn Mông, nấu rượu thóc theo phương thức truyền thống... rất ấn tượng. Cùng là một người yêu văn hoá truyền thống, tôi nhận thấy bà con cần tiếp tục gìn giữ để thế hệ con cháu sau này biết văn hoá truyền thống của mình”.
Vào tháng 9, tháng 10 hàng năm Mù Cang Chải còn hấp dẫn bởi cảnh đẹp mê hồn từ những thửa ruộng bậc thang vàng óng đẹp như tranh vẽ ở các xã Cao Phạ, La Pán Tẩn, Chế Cu Nha, Mồ Dề, Lao Chải... Khi hoàng hôn buông, phóng tầm mắt về phía chân trời, nhìn những tia nắng cuối ngày chiếu rọi, mỗi du khách lại cảm thấy mình như đang lạc vào mê cung.
Đến với Mù Cang Chải dịp mùa vàng, mỗi sáng thức giấc, du khách lại được ngắm các bản làng hiện lên trên những cung bậc thang vàng óng hòa với những làn khói tỏa ra từ bếp lửa của các gia đình bay trong sương sớm, tạo nên một bức tranh huyền ảo cùng vẻ đẹp bình yên, giản dị, ngào ngạt mùi hương lúa mới khó diễn tả, để mỗi mùa vàng lại háo hức khoác ba lô lên Mù Cang Chải.
Du lịch mùa vàng năm 2024 sắp tới, để thoả mãn sự mong đợi của du khách, huyện Mù Cang Chải đã xây dựng kế hoạch, tập trung vào những hoạt động chính là Lễ hội Hoa Sơn tra huyện Mù Cang Chải lần thứ nhất và Lễ hội Mùa vàng năm 2024.
Trong đó, huyện dự kiến tổ chức nhiều hoạt động phụ trợ như: Hội thi "Hương vị Sơn tra”, thi dùng sáp ong vẽ hoa văn trên vải, thi các hoạt động văn hoá, thể thao dân tộc, thi ảnh đẹp Sơn tra, thi chọi dê, thi gặt lúa nhanh, cày bừa giỏi… kết hợp với hoạt động khám phá Di tích quốc gia đặc biệt Ruộng bậc thang Mù Cang Chải cùng nhiều cảnh quan thiên nhiên trên địa bàn; đẩy mạnh hoạt động giới thiệu các sản phẩm đặc sản của địa phương; các hoạt động trải nghiệm làng văn hóa du lịch cộng đồng, các điểm du lịch đẹp, hấp dẫn trên địa bàn...
Với sức hấp dẫn trong bốn mùa, 8 tháng năm 2024, huyện Mù Cang Chải đã đón được trên 247.300 lượt du khách; riêng trong dịp Tết độc lập đầu tháng 9 đến nay đón trên 38.300 lượt du khách, góp phần tạo đà thúc đẩy ngành du lịch địa phương phát triển.
Đồng chí Giàng A Vừ - Phó Bí thư Thường trực Huyện uỷ Mù Cang Chải chia sẻ thêm: "Do ảnh hưởng hoàn lưu cơn bão số 3, trên địa bàn huyện nói riêng và các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh nói chung bị thiệt hại nặng nề. Thực tế là hiện các địa phương trong tỉnh đang tập trung mọi nguồn lực nỗ lực khắc phục hậu quả bão lũ để sớm ổn định đời sống nhân dân, khôi phục sản xuất, kinh doanh nên huyện Mù Cang Chải chủ trương, Lễ hội hoa Sơn tra huyện Mù Cang Chải lần thứ nhất và Lễ hội Mùa vàng năm 2024 sẽ lùi lại, dự kiến tổ chức vào thời gian gần nhất. Theo đó, một số nội dung chính như Lễ hội hoa Sơn tra sẽ xem xét nếu đã qua mùa hoa thì sẽ có những thay đổi phù hợp. Còn các hoạt động khác, nhân dân vẫn duy trì tập luyện cũng như chủ động khắc phục các vấn đề do bão số 3 gây ra để chương trình được diễn ra thuận lợi”.
Châu Á