Đọt choại đất phèn
- Cập nhật: Thứ hai, 16/7/2007 | 12:00:00 AM
"Rủ nhau lên đất bảy làng Hái rau choại chột, nhổ bàng về đương Choại chột thì chấm nước tương Bàng thì đương nóp người thương tôi nằm"
|
Đó là bốn câu ca có đề cập tới món ngon dân dã mà người ta gọi là "choại chột". Choại chột được người Đồng Tháp Mười gọi là "rau chay", còn dân Hậu Giang có người gọi là "đọt chại". Thật ra, đúng tên của nó là "đọt choại".
Choại sống nhiều ở vùng đất bưng trũng, là loại dây leo, thân bò tới đâu thì bám rễ tới đó, nhờ bộ rễ có sức hút nước mạnh, đặc biệt rất thích nghi với vùng đất nhiễm phèn như rừng U Minh Thượng (Kiên Giang), U Minh Hạ (Cà Mau), khu vực Đồng Tháp Mười. Ở vùng nước ngọt nhiễm phèn nhẹ như Vị Thanh, Long Mỹ (Hậu Giang) cũng có sự hiện diện của choại. Loại rau có lá non xoăn tít như con cuốn chiếu cuộn mình này, dù hơi nhớt và làn lạt nhưng cũng có chút vị ngọt thoảng thơm, đơn giản vậy mà ăn rồi sẽ "bắt ghiền"!
Choại có nhiều loại: choại đá, choại vườn, choại rừng... Choại rừng có màu xanh nhạt pha chút hồng thẫm, rất được dân Đồng Tháp Mười ưa chuộng. Đọt choại rừng nấu canh chua với cá rô đồng. Cái vị đắng của nó chốc lát trở thành vị ngon lẫn trong vị ngọt của thịt cá rô đồng "thứ thiệt".
Người Đồng Tháp Mười còn có món ngon nhớ đời thực hiện khá "bài bản". Đó là cháo nhộng ong nấu độn măng tươi, đọt choại vườn và nấm rơm khiến người sành ăn cứ tấm tắc ngợi khen. Còn dân nhậu thì khoái cái món đọt choại cùng các loại rau khác nhúng vào lẩu cá, lẩu lươn vừa nhâm nhi "mồi bén" vừa nhấm nháp mấy ly rượu nếp rặt thì "hết ý". Vào mùa nước nổi, người "sành nhậu" còn "bày đặt" cái món đọt choại, bông điên điển nấu canh chua lươn.
Mưa gió dầm dề, bạn bè túm tụm bên nhau hàn huyên tâm sự bên nồi lẩu tỏa hơi nóng nghi ngút "tràn trề" hương vị quyến rũ thì còn gì bằng! Mùa gió bấc hù hụ về, nấu nồi lẩu mắm. Mùi thơm của mắm lan tỏa khắp không gian đã khiến bụng dạ nôn nao lắm rồi. Nhưng khi cầm đũa gắp nhúm đọt choại xanh non nhúng vào lẩu, chút xíu thôi, khi đọt choại vừa mềm thì gắp ra ăn ngay. Mùi thơm mặn mà của mắm thấm đẫm trong từng đọt choại, lan đầy khẩu cái, ngon biết chừng nào!
Nhưng "đã đời" hơn có lẽ là ăn sống hoặc luộc đọt choại kèm với cá thác lác còm đặc sản Hậu Giang chiên, cá rô chiên, hoặc cá lóc nướng trui sẽ vô cùng thích thú. Đọt choại giòn mềm làm giảm sức nóng miếng cá chiên, quyện trong nước bọt tạo thành những hương vị lạ lùng khó diễn tả. Người ta còn dùng đọt choại xào tép. Lựa một mớ tép bạc rửa sạch, lột bỏ vỏ xào chung với đọt choại, nếm vừa ăn là có một bữa ăn nhanh, ngon, bổ, rẻ và an toàn, vì đọt choại là "rau sạch".
(Theo Thanh Niên)
Các tin khác
Nằm ở điểm đầu của con đường xuyên Á trên hành lang kinh tế Ðông- Tây của Việt Nam, lễ hội văn hóa - du lịch "Nhịp cầu xuyên Á" sẽ mở ra một thời kỳ phát triển mới của du lịch Quảng Trị với nhiều cơ hội hợp tác, liên kết quảng bá cùng các tỉnh miền trung và các nước bạn trong khu vực.
Không theo một lộ trình, không theo sự hướng dẫn của bất cứ ai và không theo một qui ước nào, chúng tôi rảo bước đến Connaught Place, nơi được xem là trái tim của New Delhi.
Cá lóc - con cá của vùng đồng sâu nước cạn đã làm lẫy lừng danh phận văn hóa ẩm thực vùng đồng bằng châu thổ Cửu Long với hai món nướng trui và canh chua. Nếu được nhâm nhi vài ba xị đế cùng những người bạn tâm tình trong lời ca tiếng nhạc tài tử, phong vị cuộc sống khẩn hoang xưa sẽ trở về, rõ nét phong lưu miệt vườn một cách hứng thú.