Hoàng hôn biển Cô Tô

  • Cập nhật: Thứ hai, 13/8/2007 | 12:00:00 AM

Cô Tô không phải là địa danh nổi tiếng về thương mại và du lịch. Nơi đây, điện lưới quốc gia chưa phủ tới. Và biển vẫn vẹn nguyên những con sóng xô bờ từ ngàn đời

Ở nước ta, chỉ bờ biển từ Hà Tiên đến Cà Mau và ở hải đảo mới thấy hoàng hôn trên biển, còn lại thì chỉ thấy được bình minh. Ở Cô Tô, tuy bị mấy dãy núi phía trong che chắn mất, nhưng vẫn có thể thấy ánh hoàn hôn nhuộm đẫm trời và biển. 

Đến Cái Rồng - Vân Đồn rồi lên tàu đi Cô Tô. Trời lặng, biển yên.Tàu khách ở vùng vịnh này là loại tàu nhỏ, vận chuyển hành khách và một ít hàng hoá nhu yếu phẩm cho cư dân các đảo trong vùng. Đứng ở boong mà ngắm trời bể và tận hưởng một ngày trời trong vịnh lặng khác thường. Một tháng chỉ có 2 ngày con nước kém như thế này. Vào những ngày mùa nam, sóng biển Cô Tô rất lớn xô đổ cả băng ghế có 3 người ngồi, và thường chỉ có lái thuyền là không lao đao. 

Cả đảo chỉ có một nhà khách của uỷ ban với chục phòng nghỉ có trang bị quạt điện. Thời tiết giữa hè nóng nực là thế mà được chẫm mình dưới làn nước biển khiến người ta chỉ muốn trút bỏ áo quần và thả mình vào làn nước trong xanh mà vẫy vùng.

Hải đăng Cô Tô

Bãi biển ở Cô Tô đúng là thiên đường. Bãi cát trắng mịn hiếm thấy ở miền Bắc. Những bãi cát trắng của miền Bắc chỉ có thể có được ở các đảo thuộc vùng Bái Tử Long, Quảng Ninh như Quan Lạn, Minh Châu, Ngọc Vừng, Cô Tô… mà thôi. Nước biển trong nhìn thấy cả ngón chân ở dưới cát. Ai say mê lặn xem san hô không thể bỏ qua Cô Tô. Ở cách các bãi biển khoảng 50m là những rạn san hô đỏ, san hô sừng, nơi tập trung nhiều loại rong hiếm và cá quý.

Ở Cô Tô có đảo Thanh Lân là một quả núi cao ở giữa, còn Cô Tô bằng phẳng hơn, chỉ có một dải núi hình chữ Vương ở phía bắc. Hải đăng Cô Tô đứng ở cánh giữa phía đông. Từ huyện lỵ đến chân núi  hải đăng chỉ khoảng 5km. Từ chân lên đỉnh chưa đến 1km, chưa làm đường, đá sỏi lổn nhổn. Từ đỉnh hải đăng nhìn được toàn bộ khu vực đảo. Năng lượng dành cho hải đăng không phụ thuộc điện lưới hay điện máy nổ, mà được lấy từ năng lượng mặt trời, tích luỹ trong một hệ thống ăc quy. Có lẽ đây là một trong những ngọn hải đăng có tầm nhìn đẹp nhất, bởi đứng trên đỉnh núi giữa một hòn đảo, bốn phía là biển xanh, gần là núi, xa là đảo, xa hơn nữa là phía đất liền với những dãy núi uốn lượn.

Bãi biển Vàn Chải hoang sơ và trinh nguyên

Bến Vàn Chải là một cảng nước nông, bờ thoai thoải. Bãi có nhiều đá nhỏ, đầu và cuối bãi có những dải đá chạy ra tận biển, đáy có đá sỏi. Đoạn giữa bãi khá bằng phẳng, cát sạch. Bãi biển vắng tanh, không một bóng người. Có lẽ do có hai bãi Vàn Chải và Hồng Vàn đẹp quá rồi, nên cũng chả ai tắm ở đây? Với số lượng dân chỉ khoảng 3.000 người và bộ đội đang làm nhiệm vụ, khách du lịch hầu như chưa có, thì các bãi biển trong vùng phần lớn để sóng xô.

Phong cảnh nhìn từ hải đăng Cô Tô

Người dân miền biển chân chất, ăn sóng nói gió. Nhiều gia đình sinh hoạt ngay trên tàu thuyền. Hoàng hôn xuống, tàu thuyền trở về bến, mọi người nghỉ ngơi. Họ hồn nhiên người tắm, người nấu ăn rồi ăn uống trên chính con tàu của mình. Những chiếc thuyền dập dềnh bên cầu cảng ru cho họ giấc ngủ bình yên khi đêm xuống.

Ngắm hoàng hôn nơi cầu cảng. Mặt trời đỏ ối xuống dần khuất sau dãy núi. Buổi chiều dần buông màu tím, buồn buồn và tĩnh lặng kỳ lạ. Một cảm giác khó tả xâm lấn vào tâm hồn quý khách.

(Theo SGTT)

Các tin khác
Ông Nguyễn Văn Hùng

Ông Nguyễn Văn Hùng - Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Bia- Rượu- Nước giải khát Việt Nam trao đổi với báo chí trước Lễ hội Bia Việt Nam 2007, diễn ra từ 10 - 12/8/2007 tại Trung tâm Triển lãm Việt Nam (Giảng Võ, Hà Nội).

YBĐT - Lập thu, tiết trời bắt đầu se lạnh. Buổi sáng được ngồi bên thúng bánh khúc nóng hổi bốc hơi thơm lừng thì còn gì thú vị bằng. Bánh khúc tròn nhỏ như nắm xôi, từng hạt nếp căng tròn bóng mịn bao xung quanh lớp bột mầu xanh xanh và nhân đỗ vàng rộm. Chỉ nhìn và ngửi thôi cũng đã mê ngay món quà quê dân dã này và nếu được nếm thử thì hẳn bạn sẽ mãi nhớ.

Vòng đại xòe trong đêm khai mạc.

YBĐT - Ngày 9/8, UBND tỉnh Yên Bái đã tổ chức buổi làm việc với các Công ty tư vấn và lãnh đạo Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Sở Văn hoá - Thông tin, Sở Thương mại - Du lịch, Báo Yên Bái, Đài Phát thanh- Truyền hình, để nghe các đơn vị tư vấn cho tỉnh trình bày việc xây dựng kịch bản và đạo diễn Lễ khai mạc của Chương trình Du lịch về cội nguồn năm 2008 tỉnh Yên Bái. Đồng chí Nguyễn Văn Ngọc - Phó chủ tịch UBND tỉnh chủ trì buổi làm việc.

Trên dải đất biên giới Việt - Lào ở Sơn La, ngoài các dân tộc Thái, Kinh, Khơ Mú sinh sống, còn có khoảng ba bốn vạn bà con Xinh Mun định cư lâu đời. Xinh Mun nghĩa là người ở núi, trước đây còn gọi là người Puộc (Côn Pụa).

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục