Hương cà cuống
- Cập nhật: Thứ sáu, 14/9/2007 | 12:00:00 AM
Tinh dầu cà cuống là gia vị quý giá, để pha vào nước mắm dùng trong các món ăn như bún chả, bánh cuốn, bún thang, chả cá.. và chính nó làm nên hương vị nổi tiếng cho các món ăn truyền thống của đất Hà thành này.
Bát nước chấm bánh cuốn với nửa con cà cuống.
|
Cà cuống chỉ con đực mới có bọng tinh dầu, mà theo các cụ nói thì đó là nơi tiết ra mùi thơm để chúng hấp dẫn con cái. Phải là người có “nghề”, thật khéo léo mới lấy được bọng tinh dầu chỉ nhỏ như một tép bưởi, nằm ở gáy con cà cuống đực. Tinh dầu cà cuống thường được người ta lấy ra và giữ trong những lọ thuỷ tinh nhỏ xíu, chừng 1 hoặc 2cc, rất quý.
Chỉ cần nhúng một đầu tăm vào bát nước chấm đã đủ thơm lừng, rất kích thích khứu giác và vị giác. Mùi thơm nghe thoảng như có hương quế nhưng lại không gắt như mùi quế, chợt như mùi hạt tiêu nhưng lại không cay nồng như hạt tiêu. Nêm vào miệng thì cảm giác thơm ngon …không thể tả được, bát nước chấm như ngọt thơm, đậm đà hơn, món ăn vì thế mà cũng ngon hơn gấp bội lần.
Con cái có trứng ăn cũng rất ngon. Bầu trứng cà cuống bé tí tẹo, chỉ chừng như hạt thóc nếp, màu vàng chanh sáng, nó dai dai nhưng không khô như trứng cá, ăn rất bùi và thơm cũng không kém gì tinh dầu của con đực.
Ngày nay, do sự lạm dụng thái quá của thuốc trừ sâu nên cà cuống trở nên rất hiếm. Ở các nhà hàng, quán ăn hiện nay, người ta thường dùng tinh dầu cà cuống nhân tạo của Thái Lan, nhưng hương vị thua xa tinh dầu thật. Duy nhất ở Hà Nội có nhà Tuyết Nhung (số 17 Chả Cá) là còn bán cà cuống nguyên con.
Ở đây, thực khách có thể thưởng thức món bánh cuốn và chả cá với hương vị cà cuống thơm lừng. Chính tay ông chủ cầm chiếc que tre nho nhỏ (chỉ nhỉnh hơn đầu tăm một chút) nhúng vào lọ tinh dầu cà cuống và nhẹ nhàng nhỏ xuống bát nước chấm một giọt nhỏ xíu… Giá cho một suất bánh cuốn như thế là 30.000 đồng.
(Theo Dân Trí)
Các tin khác
Hàng năm vào ngày Thìn tháng Giêng âm lịch người Giáy ở Tả Van (huyện Sa Pa) lại mở hội Roóng Poọc để cầu mùa màng bội thu, người yên vật thịnh, mưa thuận, gió hoà.
Sò - một loài động vật nhuyễn thể, vỏ cứng có khía dọc nổi rõ, họ sò hến, ở biển. Người tiêu dùng phân biệt, có sò huyết, sò gạo và sò lông; sò huyết to bằng ngón chân cái người lớn, vỏ thẫm, không có lông, thịt đỏ, dịch (máu) màu đỏ; sò gạo nhỏ hơn, thịt màu ngà, vỏ ở gần miệng có lông; sò lông to hơn ngón chân cái người lớn, vỏ bao phủ một lớp lông, thịt trắng ngà.
Từ trung tâm xã Yên Hân (Chợ Mới), men theo con đường nhỏ chừng 2km, du khách sẽ tới thôn Nà Làng. Đứng từ xa, ai cũng nhìn thấy phía chân núi là một cây Chò nước đường kính khoảng 3 mét. Ngay gần gốc cây là cửa hang Thắm Làng- một hang động tự nhiên có vẻ đẹp cuốn hút.
Rời Phú Thọ, xe đưa chúng tôi ngược quốc lộ 32 khoảng 80km đến địa chỉ du lịch văn hoá thứ hai trong hành trình - Yên Bái. Trong suy nghĩ của tôi, và có lẽ với tất cả mọi người đi trong đoàn lần ấy, ấn tượng sâu sắc nhất về Yên Bái chính là sự nhiệt tình, nồng hậu của người dân nơi đây.