Thưởng ngoạn miền Tây

  • Cập nhật: Thứ bảy, 29/9/2007 | 12:00:00 AM

YênBái - YBĐT - Không biết "Miền Tây" có từ bao giờ trong tâm tưởng người dân Yên Bái. Miền Tây - cái tên ấy cũng gợi bao điều trong mỗi bạn bè, du khách từ nơi xa đến. Người này truyền sang người kia về những đặc sản của núi rừng Tây Bắc, của đất Mường Lò say đắm tình người.

 

Vòng đại xoè đón chờ du khách.

 

Đi chơi Hội Mường Lò.

Thị xã Nghĩa Lộ - cái "ốc đảo miền Tây" xưa kia đang từng ngày thay da đổi thịt, hướng trở thành một trung tâm kinh tế - xã hội của các địa phương miền Tây. Những người dân trong vùng lòng chảo này luôn rộng vòng xòe đón mời du khách. Nhẹ nhàng lướt trên con đường rộng rãi, phẳng lỳ dẫn vào thị xã, du khách được xuyên giữa cánh đồng như bức thảm thay đổi sắc màu theo ngày, theo tháng trong năm. Hết biển lúa vàng rộm, lại chuyển sang màu xanh tăm tắp của những dải ngô đông, kế đến là lúa xuân ngút ngát.

Vượt qua không gian hữu tình ấy, du khách lọt vào một thị xã xinh đẹp với những hàng ban trắng - đặc trưng của núi rừng Tây Bắc. Cánh hoa nở rung rinh trong gió, rơi xuống như để tạo tấm nện nhung trắng trên đường, trên cỏ làm mềm đôi bàn chân nhún nhảy của nhưng thiếu nữ thả bộ vui chơi. Những ngày lưu lại nơi mảnh đất êm đềm này, du khách tha hồ thưởng ngoạn, đắm mình trong quần thể mang tính lịch sử và văn hóa truyền thống lâu đời của đồng bào 13 dân tộc anh em chung sống.

Tuần Văn hóa Du lịch Mường Lò

 

Sẽ diễn ra từ ngày 13/10/2007 đến ngày 20/10/2007 với nhiều hoạt động phong phú. Các nội dung tổ chức gồm:

Hội chợ thương mại - du lịch Mường Lò; giao lưu văn hóa văn nghệ, trình diễn trang phục các dân tộc vùng Mường Lò; trưng bày giới thiệu sản phẩm dệt thổ cẩm của dân tộc Thái Mường Lò; biểu diễn một số nội dung văn hóa - văn nghệ của dân tộc Mông; giới thiệu về lịch sử loại chè Shan tuyết, tôn vinh cây chè tổ.

Trên đường Điện Biên Phủ, trang trọng nhất giữa lòng thị xã là khu tưởng niệm Bác Hồ quanh năm cây trái tươi tốt. Ngôi nhà sàn in bóng ao cá ẩn mình dưới bóng dừa xanh như còn mãi hình ảnh Bác đang cùng chung sống với những người con của núi rừng Tây Bắc hôm nay. Trục đường dẫn du khách đến chân tượng đài Chiến thắng Nghĩa Lộ được xây dựng ngay trên nền di tích Căng đồn Nghĩa Lộ - địa danh chứng kiến cuộc chiến đấu anh dũng của quân và dân ta cách đây hơn nửa thế kỷ. Trong khói hương trầm tôn kính những người đã hi sinh xương máu cho tương lai, nhớ về truyền thống năm xưa lòng người thêm thư thái, tự hào.

Dọc bên dòng suối Nung, dưới chân đồi Pú Chạng, vang vang tiếng thoi lách cách, tiếng trò chuyện, tiếng cười của những thiếu nữ Thái, Mường giòn tan trong nắng sớm. Nếu đến du lịch Miền Tây mà không được đến với những khung dệt truyền thống của đồng bào thì thật đáng tiếc.

Thấp thoáng sau hàng ban, từng ngôi nhà sàn trở nên rực rỡ bởi các con chỉ, tấm vải phơi đầy màu sắc. Bên khung cửi, những cô gái má ửng hồng, thon thả trong bộ váy áo đính hàng mắc pém trắng bạc lấp lánh. Bàn tay khéo léo nối chỉ, đưa thoi, đôi chân mềm mại dẻo dai, ngày tiếp ngày dệt lên những chiếc khăn sặc sỡ hay tấm thổ cẩm đầy tinh tế, rồi may - thêu thành váy áo, đệm ngồi, túi đeo… mang đến chợ Mường Lò.

Du khách có thể dùng những sản phẩm ấy để làm kỷ niệm, quà tặng và kể với người thân về chuyến du ngoạn lý thú của mình. Chơi chợ Mường Lò, ngoài những đồ lưu niệm, du khách có thể tìm mua được các đặc sản như nếp tan Tú Lệ, mật ong rừng Mù Cang Chải, măng ớt Trạm Tấu và nhiều thứ cây thuốc quý của núi rừng Tây Bắc.
 
ở đây, du khách còn được tham gia các hoạt động giao lưu văn hóa mang tính cộng đồng của người Mông, Thái, Tày, Dao từ nhiều địa phương khác đến sau những ngày gặt hái thắng lợi.

Chiều se lạnh, du khách rời thị xã theo quốc lộ 32 hướng về phía Mù Cang Chải dăm bảy cây số đến Sơn A mà tắm nước nóng bản Bon. Hoặc ngược ra Văn Chấn tìm đến nước nóng bản Hốc, Sơn Thịnh. Ngâm mình trong làn nước khoáng nóng, gân cốt giãn ra, mệt mỏi tiêu tan, tinh thần thêm sảng khoái.

Bữa tối ở miền Tây không cao lương mỹ vị nhưng chắc hẳn không thể thiếu gói xôi Tú Lệ, ống cơm lam chấm muối vừng, măng sặt nấu, cá sỉnh nướng nhâm nhi ly rượu nếp thơm hay rượu ngâm long nhãn ngọt ngào…

Tay cầm tay múa xoè cùng em...

Đêm xuống - trăng lên, du khách dập dìu vòng xòe theo lời mời gọi của của các thiếu nữ Thái Mường Lò: "…Vào đây anh, xòe đi anh, đừng để em cô đơn một mình…". Trong men rượu cần, lửa bập bùng, má ửng hồng và mắt long lanh của của từng cô gái trong áo cỏm mềm mại, du khách lại say sưa trong vòng xòe đang dần rộng hơn. Bịn dịn chia tay, du khách chìm trong giấc ngủ với âm âm tiếng đàn, tiếng sáo, làn then điệu khắp du dương vào mãi đêm khuya.

Miền Tây Yên Bái còn mời du khách đến vui với các chàng trai, cô gái người Khơ Mú trong hội mừng măng mọc trên đỉnh Nghĩa Sơn, hòa trong hội xuân Thẩm Lé cùng đồng bào Thái, Tày, Mường, Kinh hay lễ hội giã cốm của người Tày Đồng Khê.

Và còn nữa một Suối Giàng với những gốc cây chè cổ thụ trong mây mù bao phủ quanh năm, từng thửa ruộng bậc thang sóng sánh nước tràn, những cối giã gạo bên dòng suối Thia và một đèo Khau Phạ ngang trời. Tất cả đang vẫy gọi du khách đến với miền Tây của Yên Bái trong nay mai.

Trò chơi dân gian Tó Mắc Lẹ của đồng bào Thái.

Lễ hội Lồng Tồng cầu cho mưa thuận gió hoà, mùa màng bội thu.

Lung linh mắc pém đón chào du khách.

Sân Hạn khuống trong tuần văn hoá du lịch Mường Lò.

Thị xã Nghĩa Lộ giữa lòng chảo Mường Lò.

(Nhóm PV YBĐT)

Các tin khác
Rồi sẽ có nhiều bạn trẻ đến với Vòi Rồng (Vân Hội - Trấn Yên).

YBĐT - Những hồ nước, những cánh rừng thửa ruộng là niềm say mê và âu cũng là cái duyên để Thanh Miền đến với nhiếp ảnh và gặt hái những thành công. Khác với mọi lần, chuyến đi này anh lại thả sức với những thác bạc - ngọn nguồn của hồ nước Vân Hội hữu tình sơn thủy ở huyện Trấn Yên, tỉnh Yên Bái.

Từ tháng 8 âm lịch là mùa bưởi rộ. Chỉ cần một chút khéo tay, một chút kiên nhẫn, bạn có thể tận dụng vỏ bưởi để làm món chè bưởi thơm ngon đãi cả nhà.

Cứ tưởng bánh tét mật cật là "sáng chế" độc đáo của mấy bà cụ ở Phú Quốc (Kiên Giang) bây giờ. Nào dè dưới bàn tay của "mấy bả" nó chỉ là bản sao của món ăn đã có mặt trên đất đảo này từ những năm 1930, được nhà văn hóa Đông Hồ kể trong bài Cảnh vật Hà Tiên đăng trên Tạp chí Nam Phong (từ số 150 - 154, tháng 5 đến tháng 9.1930:

Thác Prenn nằm ở chân đèo Prenn - khu vực cửa ngõ Đà Lạt (cách trung tâm thành phố hoa chừng 10km), nằm lọt thỏm giữa một vùng đồi núi chập chùng, bát ngát thông xanh. Kể từ khi được giao cho Công ty Dịch vụ Du lịch Đà Lạt (Dalat toserco), Khu du lịch đã liên tục được đầu tư tôn tạo về cảnh quan và bổ sung nhiều sản phẩm dịch vụ du lịch nhằm không ngừng đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của du khách.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục