Mù Cang Chải: Vùng đất giàu tiềm năng du lịch

  • Cập nhật: Thứ sáu, 30/11/2007 | 12:00:00 AM

YênBái - YBĐT - Mù Cang Chải là huyện vùng cao của tỉnh, trên 90% dân số là đồng bào Mông. Những năm gần đây, quốc lộ 32 được nâng cấp làm cho bộ mặt Mù Cang Chải dần dần khởi sắc và dần trở thành điểm đến của nhiều du khách, nhiều nhà nghiên cứu, nhiếp ảnh và nghệ thuật.

Ruộng bậc thang Mù Cang Chải. (Ảnh: Hoài Nam)
Ruộng bậc thang Mù Cang Chải. (Ảnh: Hoài Nam)

Đến với Mù Cang Chải dù chỉ một lần ta cũng cảm nhận được sự giàu có của thiên nhiên, sự ấm áp của tình người. Địa hình Mù Cang Chải khá hiểm trở, song lại rất thú vị, quang cảnh thay đổi liên tục trên đường với nhiều loại hình khác nhau. Chưa kịp ngắm hết ngôi nhà sàn Thái trên cánh đồng Mường Lò rộng lớn có hoa ban trắng thì đã đến những con đường quanh co, uốn khúc bên các sườn đồi dốc đứng. Các vận động tạo núi cổ xưa đã tạo cho Mù Cang Chải những đỉnh núi cao nhất của tỉnh như: Púng Luông (2985m), Phu Ba (2512m), Mồ Dề (2100m). Đèo Khau Phạ (cao 2100m) mờ trong sương trắng (nơi mà người dân Yên Bái vẫn nói đi trên “biển mây Khau Phạ”.

Từ đây cứ từ đèo này qua đèo khác, núi này qua núi khác, ta sẽ cảm nhận rõ nét sự thay đổi của độ cao, hai bên đường là những triền ruộng bậc thang làm choáng ngợp lòng người. Với những ai lần đầu đến với Mù Cang Chải không khỏi thốt lên rằng: Sao mà kỳ vĩ thế? Đúng vậy, trong đó hàm chứa cả yếu tố thiên nhiên ban tặng và còn có rất nhiều những giá trị của mồ hôi công sức, của văn hóa, của lịch sử ở tộc người chiếm đại đa số nơi vùng cao xứ núi này.

Mù Cang Chải có khu bảo tồn các loài, sinh cảnh với trung tâm là xã Chế Tạo và vùng ngoại vi phía Bắc, phía Đông các xã Dế Xu Phình, Púng Luông, Nậm Khắt. Trong những cánh rừng ngút ngàn với một thảm thực vật phong phú này, qua nhiều năm khảo sát người ta đã phát hiện ra 22 loài bò sát, lưỡng cư; 127 loài chim, riêng họ khướu có tới 41 loài như: Khướu vằn, khướu đuôi đỏ, khướu đất Pigmi, khướu lùn đuôi đỏ, khướu mào cổ hung, khướu mỏ dẹt vàng... Quý hiếm hơn cả là loài niệc cổ hung Aceros Nipalensis, hiện nay loài này chỉ còn thấy ở Mù Cang Chải và Vườn quốc gia Pù Mát; Mù Cang Chải chỉ còn 28 - 30 cá thể nhưng cũng là quần thể niệc cổ hung lớn nhất Việt Nam.

Các loài thú hết sức phong phú với 53 loài khác nhau như: cầy vằn, nhím đuôi ngắn, cu li nhỏ, chó sói, khỉ mốc, lợn lòi, nai, khỉ mặt đỏ, sơn dương, gấu, ngựa, báo gấm, báo lửa, báo hoa mai, voọc xám... Đặc biệt là loài vượn đen tuyền với khoảng hơn 200 cá thể, hiện nay ở Việt Nam mới chỉ được xác định ở hai địa điểm là phía Bắc huyện Văn Bàn (Lào Cai) và vùng giáp ranh giữa Mù Cang Chải (Yên Bái) và Mường La (Sơn La).

Toàn huyện Mù Cang Chải có 700 ha ruộng bậc thang (trong đó hơn 47% tập trung ở 3 xã liền kề: La Pán Tẩn, Chế Cu Nha, Dế Xu Phình). Ruộng bậc thang không chỉ cho năng suất cao và ổn định, góp phần cải thiện đời sống cư dân, tạo nên cuộc sống định cư lâu dài cho tộc người Mông, góp phần hạn chế việc chặt phá rừng làm nương rẫy mà còn là danh thắng mang đặc trưng tộc người, là sản phẩm hội tụ các giá trị văn hóa truyền thống của tộc người. Vừa qua, ngày 8/10/2007, ruộng bậc thang ở 3 xã này đã được xếp hạng là Di tích danh thắng cấp quốc gia theo Quyết định số 8/QĐ-BVH-TT-DL của Bộ Văn hóa - Thể thao - Du lịch.

Rừng là thế mạnh của Mù Cang Chải với diện tích 80.000 ha, trong đó có 20.293 ha rừng già và rừng nguyên sinh, 12.863 ha rừng thông, hơn 2000 rừng sơn tra, ngoài ra là mận, các loại dược liệu quý như: đẳng sâm, hà thủ ô, sa nhân... cũng có điều kiện phát triển và bước đầu mang lại thu nhập cho cư dân nơi đây. Đây là thế mạnh để khai thác du lịch sinh thái; du lịch mạo hiểm, ẩm thực và chữa bệnh.

Khí hậu Mù Cang Chải mang tính chất tiểu vùng rõ rệt, nhiệt độ trung bình là 19oC, mát mẻ về mùa hạ, lạnh về mùa đông. Đây là điều kiện khí hậu rất thích nghi cho du lịch mùa hè.

Hệ thống khe, suối của Mù Cang Chải khá dày đặc, chạy dọc theo quốc lộ 32 là suối Nậm Kim, con suối lớn nhất và duy nhất của huyện, suối chảy theo hướng Đông Nam - Tây Bắc. Nậm Kim quanh năm nước chảy rì rầm, chia Mù Cang Chải thành tả ngạn và hữu ngạn, mang lại cái thơ mộng hiếm có cho vùng cao. Ngoài ra, còn rất nhiều hệ thống suối nhỏ như: Nậm Hu, Nậm Mu, Nậm Muối, Nậm Có, Nậm Khắt, Nậm Khót. Nậm Mơ (Mồ Dề), Dề Thàng (Chế Cu Nha)... Mùa xuân có hoa Tớ Zày nở thắm làm cho cảnh quan vô cùng tươi đẹp.

Với hệ thống đậm đặc văn hóa Mông của hơn 37.000 người (chiếm 90% dân số toàn huyện), người Mông ở Mù Cang Chải có 4 nhóm là: Mông Đơ (Mông Trắng); Mông Đu (Mông Đen); Mông Lình (Mông Hoa); Mông Si (Mông Đỏ). Đồng bào thường cư trú ở những sườn núi cao từ 800 đến 1.700 địa hình chia cắt với kinh nghiệm làm ruộng bậc thang rất giỏi. Ngoài ra, tộc người còn có một diện tích lớn nương rẫy. Đồng bào rất giỏi trong một nghề thủ công truyền thống như: rèn đúc, dệt vải bằng sợi lanh, làm đồ trang sức, sản phẩm của những nghề thủ công này được các tộc người láng giềng rất ưa chuộng. Ngoài ra, Mù Cang Chải còn có đặc sản mật ong, rượu sơn tra, vải thổ cẩm, các loại dược liệu quý...

Người Mông ăn tết vào đầu tháng 12 (Âm lịch). Các nghi lễ trong đời sống hàng ngày vẫn được bảo lưu đầy đủ. Trong những dịp lễ tết các trò chơi dân gian được tổ chức như: đua ngựa, đánh quay, đẩy gậy, bắn nỏ, ném pao, múa khèn, múa gậy tiền, múa ô, múa chọi gà... Thanh niên nam nữ mặc những bộ váy áo đẹp nhất, rủ nhau đi chơi, thổi kèn lá, đàn môi, hát ống. Đó thật sự là những nét đẹp văn hóa truyền thống của cộng đồng dân tộc, đồng thời đó cũng là ngày hội giao duyên của các đôi trai gái. Sắc thái văn hóa này là tiềm năng để Mù Cang Chải phát triển du lịch văn hóa tộc người.

Với những gì mà thiên nhiên đã ban tặng cho Mù Cang Chải cùng với sự sáng tạo của con người nơi đây để thích ứng với điều kiện sống đã tạo nên cái đẹp, cái riêng của tộc người. Đó là thứ tài sản vô cùng quý giá của Mù Cang Chải nói riêng và của tỉnh Yên Bái nói chung mà không phải vùng cao nào của Việt Nam cũng có được. Trong tương lai, tỉnh Yên Bái đang hình thành tua du lịch Mù Cang Chải kết hợp cùng du lịch văn hóa Mường Lò và khu du lịch sinh thái Suối Giàng (Văn Chấn) sẽ tạo nên một không gian du lịch sinh thái văn hóa rộng lớn ở phía Tây tỉnh Yên Bái - một loại hình du lịch đang thu hút một lượng lớn khách hiện nay, góp phần phát triển kinh tế, văn hóa xã hội không chỉ ở vùng miền Tây mà trong toàn tỉnh một cách bền vững.

Nguyễn Kim Lê

Các tin khác

Mũi Cà Mau được nhắc đến như một vùng đất thiêng trong tiềm thức người Việt, trong đời ai cũng ước một lần đến thăm Ðất Mũi.

Hàng năm vào ngày Thìn tháng Giêng âm lịch người Giáy ở Tả Van (huyện Sa Pa) lại mở hội Roóng Poọc để cầu mùa màng bội thu, người yên vật thịnh, mưa thuận, gió hoà.

Sò lông.

Sò - một loài động vật nhuyễn thể, vỏ cứng có khía dọc nổi rõ, họ sò hến, ở biển. Người tiêu dùng phân biệt, có sò huyết, sò gạo và sò lông; sò huyết to bằng ngón chân cái người lớn, vỏ thẫm, không có lông, thịt đỏ, dịch (máu) màu đỏ; sò gạo nhỏ hơn, thịt màu ngà, vỏ ở gần miệng có lông; sò lông to hơn ngón chân cái người lớn, vỏ bao phủ một lớp lông, thịt trắng ngà.

Điểm đến trong tương lai- đó là một thông điệp khá quen thuộc của ngành du lịch nước nhà và tôi mạo muội dùng thông điệp đó khi nói về vùng đất Quản Bạ.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục