Thăm nguồn năng lượng mới trên sông Đà

  • Cập nhật: Thứ ba, 4/12/2007 | 12:00:00 AM

Trong ba dòng sông lớn miền Tây Bắc nước ta gồm sông Đà, sông Mã, sông Thao thì sông Đà là một dòng sông đặc biệt hiểm trở và bí ẩn.

Không kể các nhà khoa học thuộc những ngành trắc địa, lâm nghiệp, địa chất, khí tượng thủy văn… sau này có thêm các đoàn khảo sát điện năng vì công việc mà lui tới, còn xưa nay, dọc ngang ghềnh thác triền sông này chủ yếu vẫn là giới lâm tràng, cánh thợ xẻ, cánh buôn bè lặn lội xông pha lên mạn ngược mưu sinh mà mỗi cuộc ra đi khó hẹn ngày về.

Từ nhiều đời nay, sông Đà và không gian mà nó chiếm lĩnh vẫn phủ lên mình một màn khói sương mông lung, huyền bí, đầy ma lực. Thượng nguồn sông Đà đồng nghĩa với muôn ghềnh nghìn thác, với ma thiêng, nước độc, thú dữ và sốt rét rừng. Những thâm sơn cùng cốc vắng dấu chân người, những tộc người ít ỏi, xa lánh văn minh… mãi gợi trí tò mò.

Nhưng chính nó cũng là một dòng sông ẩn tàng nhiều kho báu bắt buộc lòng ham muốn phải liều thân. Những địa danh Tạ Bú, Tạ Khoa… tiếp xúc đôi lần đâu đó qua những trang ký của Nguyễn Tuân, rồi thôi. Bức sơn mài lộng lẫy một thời nổi tiếng “Nhớ một chiều Tây Bắc” của Phan Kế An ngày nào, nay chắc đã yên vị trong bảo tàng mỹ thuật, rồi thôi. Cánh phóng viên báo chí, đặc biệt là báo chí địa phương thạo tin và ưa lùng sục, gần đây, nghe nói còn bắt gặp cả những tộc người, những sắc dân chỉ biết ngủ ngồi theo tập tục cha ông xưa, thời bỏ làng chạy trốn, nay thành quán tính.

Thực ra, với một nhà địa lý hay địa chất, bằng kiến thức ngành học, họ hoàn toàn có thể “đọc” sông Đà cùng lưu vực hình thành ra nó như ta đọc một quyển sách.

Sông Đà là con sông lớn nhất miền Tây Bắc, thường được coi là một nhánh của sông Hồng. Trong thực tế, tổng lượng nước hàng năm của sông Đà đã góp đến gần một nửa tổng lượng nước của cả hệ thống sông Hồng gộp lại (55,814km3/114km3). Diện tích lưu vực cũng lớn hơn diện tích lưu vực sông Thao - một tên khác của sông Hồng đoạn từ ngã ba Việt Trì ngược lên biên giới - (53.310km2/51.880km2).

Sông Đà có chiều dài gần 1.010km (so với 902km của sông Hồng), vào Việt Nam trên địa phận giáp giới hai tỉnh Lai Châu và Điện Biên, lách qua khe hẹp giữa hai dãy Phu Mù Su cao 1.609m và ngọn Ka Lăng 1.799m, tuôn chảy trong một địa máng song hành với sông Hồng, cách nhau bởi khối Hoàng Liên Sơn - hướng Tây Bắc - Đông Nam - địa hình cực kỳ hiểm trở. Vượt biên giới Việt - Trung ở một nơi đèo heo hút gió, qua các tỉnh Lai Châu, Sơn La, vào tỉnh Hòa Bình. Qua khỏi thị xã này, sông đột ngột chuyển hướng Nam - Bắc, lướt qua dưới chân khối núi Ba Vì, rồi đổ vào lưu vực sông Hồng ở ngã ba Trung Hà, thuộc tỉnh Phú Thọ, cách thành phố Việt Trì khoảng hơn mười kilômét theo đường chim bay.

Rồi sẽ đến một ngày, hình ảnh hung hãn, hiểm ác của ghềnh thác sông Đà mãi mãi qua đi. Thay vào đó là ba hồ tích nước mênh mông, len lỏi giữa rừng đại ngàn xanh thẫm, dưới chân những khối cao sơn sừng sững, phủ mây, soi bóng xuống lòng hồ xanh biếc. Một lộ trình du lịch theo dòng chảy cổ xưa của con sông xưa cổ, trên một hệ thống hồ liên hoàn đưa chúng ta từ Hà Nội lên tận Lai Châu bằng những con tàu trắng muốt.

Còn hôm nay, xin mời bạn cùng chúng tôi lướt qua một cung đường với cảnh sắc trữ tình của vùng Tây Bắc, nơi những công trình và dự án lớn của đất nước đã, đang và sẽ trở thành hiện thực, từng bước đưa Tây Bắc từ một địa bàn văn hóa hội nhập vào xã hội văn minh.

Trong âm hưởng da diết canh khuya của tiếng đàn môi thúc giục người tình, trong tiết tấu giục giã với giai điệu trầm khàn của tiếng khèn H’ Mông gọi bạn, tương lai Tây Bắc đang mời mọc chúng ta.

(Theo Tuổi Trẻ)

Các tin khác

Nguyên liệu : 338g thịt bò. 12 đọt măng tây lớn, cắt dài khoảng 13cm. 28g nấm enoki. 1/2 trái ớt cà chua cắt hình răng cưa. 2 muỗng canh dầu ăn. 1/3 tách súp thịt gà. 1/2 muỗng canh bột bắp hoà tan trong một muỗng cà phê nước.

Ruộng bậc thang Mù Cang Chải. (Ảnh: Hoài Nam)

YBĐT - Mù Cang Chải là huyện vùng cao của tỉnh, trên 90% dân số là đồng bào Mông. Những năm gần đây, quốc lộ 32 được nâng cấp làm cho bộ mặt Mù Cang Chải dần dần khởi sắc và dần trở thành điểm đến của nhiều du khách, nhiều nhà nghiên cứu, nhiếp ảnh và nghệ thuật.

Mũi Cà Mau được nhắc đến như một vùng đất thiêng trong tiềm thức người Việt, trong đời ai cũng ước một lần đến thăm Ðất Mũi.

Hàng năm vào ngày Thìn tháng Giêng âm lịch người Giáy ở Tả Van (huyện Sa Pa) lại mở hội Roóng Poọc để cầu mùa màng bội thu, người yên vật thịnh, mưa thuận, gió hoà.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục