Thêm một vùng tam giác du lịch hấp dẫn
- Cập nhật: Thứ năm, 17/1/2008 | 12:00:00 AM
Tam giác kinh tế du lịch Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh phát triển sẽ kéo theo sự phát triển du lịch của các tỉnh phía Bắc
|
Sau thành công của tam giác liên kết du lịch 3 tỉnh Lào Cai - Yên Bái - Thái Nguyên với chủ đề "Du lịch về nguồn", cuối tuần qua, tại Hải Phòng đã diễn ra lễ ký thoả thuận liên kết phát triển du lịch Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh. Đây là 3 trung tâm du lịch (DL) lớn của miền Bắc nói riêng và của cả nước nói chung. Chính vì vậy, sự phối kết hợp về phát triển DL liên vùng giữa 3 địa phương này, đặc biệt là trong hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch là rất cần thiết.
Hấp dẫn nhưng chưa phát huy hết tiềm năng
Hà Nội là Thủ đô của cả nước, là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hoá, là địa điểm chính thu hút khách DL trong và ngoài nước, đầu mối đón khách quốc tế bằng đường hàng không. Quảng Ninh có Vịnh Hạ Long, Di sản thiên nhiên Thế giới, có cửa khẩu biên giới đón khách quốc tế bằng đường biển, đường bộ. Thành phố biển Hải Phòng có Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cát Bà, cùng với Di sản thiên nhiên Thế giới Hạ Long tạo thành quần thể biển đảo Hạ Long - Cát Bà. Trong tuyến DL Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh có khu DL Đồ Sơn nổi tiếng từ thế kỷ XX. Từ Đồ Sơn bằng tàu cao tốc du khách có thể tới thăm đảo và Vườn quốc gia Cát Bà, vịnh Bái Tử Long và vịnh Hạ Long.
Trong thời gian qua, hoạt động DL của 3 địa phương trên có những bước chuyển biến mạnh mẽ. Năm 2006, lượng khách DL đến 3 tỉnh, thành phố chiếm 59%, trong đó khách quốc tế chiếm 77% và chiếm 80% doanh số thực hiện của các tỉnh phía Bắc. Sự hội tụ nhiều tiềm năng, lợi thế cùng với những kết quả đã đạt được khẳng định DL 3 tỉnh, thành phố nếu có sự liên kết chặt chẽ sẽ giữ vai trò đầu tàu, động lực kéo theo sự phát triển DL của các tỉnh phía Bắc.
Tuy nhiên, theo nhiều đại biểu, các hoạt động kinh doanh DL của 3 địa phương trong thời gian qua vẫn bộc lộ nhiều hạn chế mà một trong những thiếu sót điển hình là thiếu tính liên kết hợp tác, hỗ trợ nhau tạo thành sức mạnh cạnh tranh, cùng tồn tại và phát triển. Điều này cũng ảnh hưởng chung tới sự phát triển của ngành DL Việt Nam. Ông Trần Tiến Nghị- Tổng Thư ký Hiệp hội DL Việt Nam cho rằng: “Các doanh nghiệp trong khu vực tam giác kinh tế này có những biểu hiện cạnh tranh không lành mạnh trong việc khai thác các giá trị tài nguyên DL, ít quan tâm đến thị trường của nhau".
Cũng đồng quan điểm trên, ông Vũ Thế Bình, Vụ trưởng Vụ Lữ hành (Tổng cục Du lịch) cho rằng: Trên thực tế sự liên kết giữa 3 địa phương trên mới chỉ ở cấp độ song phương, chưa tổ chức được các hoạt động xúc tiến DL chung; chưa có sự phối hợp trong việc xây dựng, ban hành và áp dụng các quy định về điểm DL dịch vụ đạt chuẩn dẫn đến sự thiếu đồng bộ về giá cả và chất lượng; hiệu quả khai thác cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ DL còn chưa đồng nhất. Đơn cử như Hà Nội có 177 cơ sở lưu trú đã được xếp hạng với công suất sử dụng buồng phòng lên tới 80% thì Hải Phòng có 102 cơ sở lưu trú chỉ đạt công suất sử dụng buồng phòng là 55%. Thậm chí, Quảng Ninh có 305 cơ sở lưu trú được xếp hạng, nhưng mới chỉ đạt công suất sử dụng buồng phòng là 37%. Điều đó cho thấy sự thiếu cân đối trong cán cân cung cầu về DL, vì vậy kết quả chưa tương xứng với tiềm năng, chưa tạo được sản phẩm DL đặc thù, hấp dẫn để thu hút du khách.
Ông Trần Hữu Bình - Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội cũng thừa nhận, việc tổ chức các hoạt động xúc tiến về DL chưa có kế hoạch dài hạn; DN DL ở các địa phương tham gia hoạt động xúc tiến chưa chuyên nghiệp do thiếu vốn, thiếu cán bộ và do cơ chế chính sách chưa phù hợp; công tác trao đổi thông tin giữa các chương trình chưa thường xuyên... nên việc triển khai còn nhiều bất cập.
Liên kết để phát triển
Thứ trưởng Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch Trần Chiến Thắng cho rằng, với tiềm năng và lợi thế lớn như hiện nay, ngành DL của 3 tỉnh, thành cần có sự phối hợp chặt chẽ và thường xuyên hơn để có những phát triển toàn diện, bền vững và trở thành ngành kinh tế mũi nhọn với những sản phẩm DL tiêu biểu, đặc sắc, đa dạng, có chất lượng cao, xây dựng khu vực Đông Bắc trở thành vùng DL hấp dẫn nhất toàn quốc.
Lãnh đạo 3 địa phương cũng đã cam kết sẽ thường xuyên trao đổi kinh nghiệm trong công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động du lịch; phối hợp trong công tác thanh tra kiểm tra hoạt động tổ chức tour DL tại ba địa phương làm trong sạch môi trường kinh doanh DL, chống các hành vi tổ chức tour DL trái phép; xây dựng sản phẩm DL tránh trùng lắp, cùng nhau xúc tiến hỗ trợ các dự án kêu gọi đầu tư các dự án DL.
Bên cạnh đó, ba địa phương sẽ hợp tác trao đổi thông tin, kinh nghiệm đào tạo bỗi dưỡng kiến thức chuyên môn nghiệp vụ và ngoại ngữ cho đội ngũ hướng dẫn viên và cán bộ trong ngành DL. Tạo điều kiện cho các học viên đào tạo nghiệp vụ DL được thực tập tại các khách sạn chuẩn và các khu resort tại 3 địa phương...
Với việc mở ra các liên kết hợp tác phát triển DL trong tam giác kinh tế DL Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh, hướng hoạt động DL của mỗi tỉnh trong chiến lược phát triển DL chung của vùng và cả nước sẽ góp phần khai thác hiệu quả các nguồn lực DL của mỗi địa phương, đồng thời hỗ trợ lẫn nhau trong xây dựng và tiêu thụ sản phẩm DL. Việc liên kết vùng cũng đảm bảo khắc phục hiệu quả hơn những hạn chế, thiếu sót mà một địa phương không đủ khả năng để giải quyết, đảm bảo mục tiêu phát triển ngành DL nhanh và bền vững.
(Theo VOV)
Các tin khác
Nước mắm Phan Thiết sở dĩ ngon là nhờ loại cá này. Ngư dân Bình Thuận đánh bắt cá nục bằng mành chà, một loại lưới được du nhập từ các tỉnh lân cận và được địa phương hoá
Lào Cai - mảnh đất với nhiều danh lam thắng cảnh, có những phiên chợ rực rỡ sắc màu đã đi vào lời ca, câu hát. Chợ chính là bảo tàng sống về sinh hoạt văn hóa cộng đồng với những nét đặc sắc về phong tục, tập quán của đồng bào dân tộc.
Kết thúc năm 2007, ngành công nghiệp không khói của Ma-lai-xi-a đã thu hút gần 17 triệu lượt khách du lịch nước ngoài, chiếm 33% trong tổng sản phẩm quốc nội của quốc gia 26 triệu dân này.
Kuala Terengganu là khu du lịch có bờ biển dài với những dải cát mịn êm ái. Thánh đường Hồi giáo tuyệt đẹp nổi trên mặt biển xanh ngắt, thu hút nhiều du khách.