Du lịch về cội nguồn 2008:

Hứa hẹn tưng bừng, hoành tráng và ấn tượng!

  • Cập nhật: Thứ hai, 11/2/2008 | 12:00:00 AM

YênBái - YBĐT - Trên tinh thần đổi mới về nội dung, hình thức, cách thức tổ chức chương trình "Du lịch về cội nguồn" 2008 sẽ là một điểm nhấn thú vị, ấn tượng cho du khách trong và ngoài nước.

Thành phố Yên Bái sẵn sàng đón du khách đến với lễ khai mạc Chương trình Du lịch về cội nguồn 2008.
(Ảnh: Quang Tuấn)
Thành phố Yên Bái sẵn sàng đón du khách đến với lễ khai mạc Chương trình Du lịch về cội nguồn 2008. (Ảnh: Quang Tuấn)

Hòa trong không khí đón xuân mới Mậu Tý 2008, ngay từ ngày mùng 2 Tết, trên khắp các phố phường, vùng miền của Yên Bái đã trang hoàng, rực rỡ hơn mọi tết bởi cờ hoa, băng rôn, khẩu hiệu, các ngành, các cấp đang khẩn trương gấp rút hoàn tất khâu chuẩn bị cho lễ khai mạc Chương trình "Du lịch về cội nguồn 2008" được tổ chức tại Quảng trường trung tâm thành phố Yên Bái. Trên tinh thần đổi mới về nội dung, hình thức, cách thức tổ chức chương trình "Du lịch về cội nguồn" 2008 sẽ là một điểm nhấn thú vị, ấn tượng cho du khách trong và ngoài nước.

Với mục đích tổ chức các sự kiện văn hoá du lịch để quảng bá giới thiệu các sản phẩm và tiềm năng du lịch như: du lịch về cội nguồn; khám phá cảnh quan thiên nhiên) văn hoá tộc người Thái, Dao, Mông... tạo lập môi trường hấp dẫn thu hút đầu tư, đẩy nhanh quá trình xây dựng các khu du lịch trọng điểm; đón và phục vụ trên 250 ngàn lượt khách, doanh thu đạt 55 tỷ đồng; mở đầu chương trình "Du lịch về cội nguồn" 2008, tối ngày 13-2-2008 (tức ngày mùng 7 tháng Giêng năm Mậu Tý) tại Quảng trường 19-8 thành phố Yên Bái, UBND tỉnh Yên Bái - Trưởng nhóm hợp tác ba tỉnh Phú Thọ - Yên Bái - Lào Cai sẽ tổ chức trọng thể lễ khai mạc Chương trình "Du lịch về cội nguồn" 2008, mở đầu cho Năm du lịch về cội nguồn hấp dẫn, thú vị (trình diễn sân khấu kết hợp nghệ thuật đường phố).

Chương trình khai mạc được chia làm ba phần chính: phần I với chủ đề "Sắc mầu văn hoá", phần II "Điểm hẹn xanh và nhịp sống cộng đồng", phần III "Thắp chung ngọn lửa quê hương". Trong phần I gồm ba nhóm diễn, là "Văn hoá tâm linh", "Phú Thọ, quê hương Đất Tổ - hướng tới di sản văn hoá thế giới" nổi bật là Khu di tích Đền Hùng nằm ở núi Nghĩa Lĩnh, xã Hy Cương, huyện Lâm Thao. Hàng năm cứ vào dịp cuối xuân, nhân dân cả nước lại hướng về Đất Tổ, nơi tưởng niệm các Vua Hùng: “Dù ai đi ngược về xuôi/ Nhớ ngày giỗ Tổ mồng mười tháng ba/ Khắp miền truyền mãi câu ca/ Nước non vẫn nước non nhà ngàn năm”.

 Du khách đến huyện Lục Yên và tham gia tua du lịch mạo hiểm khám phá núi Thần Áo Đen.

Qua du lịch văn hoá tâm linh đưa chúng ta đến với "Văn hoá lễ hội", “Yên Bái - cửa ngõ miền Tây Bắc - Nơi hội tụ các sắc mầu văn hoá”. Sản phẩm du lịch Yên Bái không phải chỉ dừng lại ở những bức tranh cảnh quan thiên nhiên rực rỡ, tươi đẹp mà đó chính là con người. Yên Bái - nơi sinh sống của 30 dân tộc anh em, con người đã làm nên những bản sắc văn hoá đậm nét, phong phú. Mỗi dân tộc có phong tục, tập quán riêng nhưng tất cả đều phát huy truyền thống đoàn kết, chung sức xây dựng quê hương, bảo tồn những bản sắc riêng. Văn hoá lễ hội được thể hiện rõ trong mỗi dịp xuân về: hội xoè, hội chơi núi mùa xuân, tết nhảy của người Dao đỏ, hội Lồng Tồng, lễ hội mừng cơm mới...

Nhằm đáp ứng nhu cầu khách du lịch trong năm 2008, Yên Bái đã không ngừng đầu tư, hoàn thiện các điểm du lịch, cơ sở lưu trú. Hiện nay toàn tỉnh có 68 cơ sở lưu trú, trong đó có  16 khách sạn, 43 nhà nghỉ, 10 nhà khách với tổng số 1.125 buồng và trên 2 ngàn giường; 4 khách sạn đạt tiêu chuẩn 2 sao là Khách sạn Hồng Nhung 1, Khách sạn Xổ số, Khách sạn Hạnh Hoa Viên và Khách sạn Miền Tây, 4 khách sạn đạt tiêu chuẩn 1 sao.

Theo ông Cù Đức Đua - Giám đốc Sở Thương mại - Du lịch Yên Bái thì các cơ sở lưu trú đáp ứng đủ nhu cầu của khách khi đến Yên Bái du lịch, tham quan.

Mỗi độ xuân về, người dân các bản, làng từ vùng thấp đến vùng cao rộn rã trảy hội. Nét văn hoá đặc sắc tạo nên sản phẩm du lịch đặc biệt hấp dẫn du khách là những phiên chợ vùng cao của Yên Bái, Lào Cai. Chợ không chỉ là nơi buôn bán, trao đổi hàng hoá mà còn là nơi giao lưu, hát múa, vui chơi. Chợ là nơi trai gái hò hẹn, gặp gỡ, tìm hiểu bạn đời. Văn hoá ẩm thực của đồng bào các dân tộc cũng hết sức phong phú với thắng cố ngựa, rượu Bắc Hà, rượu Shán lùng... được chưng cất từ thóc nương, ngô nương trồng trên núi đá.

 “Điểm hẹn xanh và nhịp sống cộng đồng” sẽ đưa du khách đến với mênh mang hồ thác. Hồ Thác Bà có diện tích trên 23 ngàn ha mặt nước và 1300 hòn đảo xinh đẹp, cùng những thảm thực vật và cảnh quan sinh thái đa dạng. Hồ được ví như một "Hạ Long trên núi”, có động Thuỷ Tiên, núi Hoàng Thi, đền Thác Ông, đền Mẫu Thác Bà lưu giữ nhiều truyền thuyết về những người khai phá vùng sông Chảy.

Bên dòng sông Chảy là những hình ảnh rất đỗi thân quen với mỗi người dân đất Việt: nếp nhà sàn, thửa ruộng bậc thang, khung dệt thổ cẩm..., vẻ đẹp tiềm ẩn trong các sắc màu văn hoá; là các phong tục tập quán, những nét văn hoá độc đáo của người Dao đỏ, Dao trắng, người Tày, Cao Lan... trên vùng quê núi trù phú ngạt ngào hương quế. Đến với một Mường Lò, nơi phát tích của người Thái cổ, du khách sẽ đắm mình trong những điệu xoè nồng say, đến với những rừng chè Shan tuyết cổ thụ hàng trăm năm tuổi và hơi ấm từ nguồn nước nóng thiên nhiên vô tận của bản Bon, bản Hốc... Lên cao hơn là những thửa ruộng bậc thang Mù Cang Chải như những bức tranh với gam mầu vàng, xanh, một kỳ tích của người Mông, Di tích danh thắng quốc gia vừa được Nhà nước công nhận năm 2007.

Nằm trong Chương trình khai mạc "Du lịch về cội nguồn" 2008 còn có triển lãm tranh đường phố, phiên chợ vùng cao - khu văn hoá ẩm thực; tái hiện phiên chợ vùng cao với những sắc mầu cuộc sống của đồng bào dân tộc vùng Tây Bắc. Hội xuân sinh vật cảnh, Hội chợ thương mại - du lịch và sắc mầu cuộc sống diễn ra từ ngày mùng 6 tết đến hết ngày 9 tết. Trong dịp này, du khách được chiêm ngưỡng “núi” xôi ngũ sắc nặng trên 1 tấn.

Cuối Chương trình là phần “Thắp chung ngọn lửa quê hương”, "Nhập nối vòng xoè với bạn bè, du khách", “những sắc mầu tiềm ẩn” một lần nữa được thể hiện đậm nét các lễ hội truyền thống đặc sắc, qua sản vật thấm đẫm tình quê hương, qua những nụ cười thân thiện. Mượn hình tượng nhập nối vòng xoè để diễn tả thông điệp "Nối vòng tay bè bạn - du khách", Yên Bái - Lào Cai - Phú Thọ sẽ là điểm đến hấp dẫn với du khách trong và ngoài nước khi lựa chọn hành trình Du lịch về cội nguồn với du lịch tâm linh, du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng năm 2008, cùng thắp chung ngọn lửa quê hương, thắt chặt tình đoàn kết  giữa các dân tộc, mở rộng vòng tay chào đón du khách và bè bạn bốn phương.            

 Thanh Phúc

Các tin khác
Các đồng chí lãnh đạo cùng dâng bánh tét lên bàn thờ tổ tiên

Tối mồng 4 tết, lễ hội bánh tét đã diễn ra hết sức hoành tráng và rực rỡ sắc màu. Hàng chục ngàn người dân đã tề tựu về hai bên đường Lê Lợi (TP.HCM) để chứng kiến cặp bánh tét nặng gần 4 tấn, mỗi chiếc bánh dài 3,5m.

Cảnh sắc Sa Pa

Từ Quốc lộ 2 qua Quốc lộ 70, qua các tỉnh Phú Thọ, Yên Bái, bạn sẽ đặt chân lên mảnh đất Lào Cai. Địa danh đầu tiên để bạn dừng chân trong chuyến du lịch là Bảo Yên - cửa ngõ phía nam của tỉnh, mảnh đất thơ mộng nằm giữa hai dòng sông…

Đền thờ Tổ Mẫu Âu Cơ trên núi Vặn.

Việt Trì - vùng đất có ba dòng sông lớn là sông Hồng, sông Đà và sông Lô chảy qua và hội tụ đã được tổ tiên người Việt lựa chọn trở thành đất phát tích cội nguồn của dân tộc Việt Nam.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục