Văn hóa cổ - vẻ đẹp tiềm ẩn du lịch đất Tổ
- Cập nhật: Chủ nhật, 10/2/2008 | 12:00:00 AM
Việt Trì - vùng đất có ba dòng sông lớn là sông Hồng, sông Đà và sông Lô chảy qua và hội tụ đã được tổ tiên người Việt lựa chọn trở thành đất phát tích cội nguồn của dân tộc Việt Nam.
Đền thờ Tổ Mẫu Âu Cơ trên núi Vặn.
|
Là đất cội nguồn phát tích của dân tộc, Phú Thọ ẩn chứa 3 nền văn hoá cổ xưa độc đáo đó là văn hóa Phùng Nguyên, Đồng Đậu, Gò Mun. Văn hóa khảo cổ học Phùng Nguyên (làng Phùng Nguyên huyện Lâm Thao) là khởi thuỷ của nền văn minh sông Hồng từ lâu đã được người ta biết đến. Từ những cổ vật thu được qua các đợt khai quật ở Phùng Nguyên, người ta đã khẳng định cư dân Phùng Nguyên từ mấy ngàn năm trước đã có trình độ điêu luyện mang tính thẩm mỹ cao trong việc chế tác công cụ và các đồ trang sức bằng gốm, đá, xương, sừng, nhất là chế tác đồng làm công cụ.
Theo đánh giá của các chuyên gia thì từ những hiện vật bằng đồng đã cho thấy nét đặc trưng tiêu biểu của một nền văn hóa khảo cổ không chỉ của Việt Nam mà còn là gia sản quý báu về bước tiến hóa chung của loài người khu vực Đông Nam Á. Đó là sự mở đầu cho thời đại đồng thau ở Việt Nam, nó đặc biệt có ý nghĩa mở ra một nền văn hóa mới - văn hóa Đông Sơn hay còn gọi là văn hóa Hùng Vương. Riêng ở quanh Đền Hùng đã phát hiện được 40 di tích cùng niên đại Phùng Nguyên, hay còn gọi là các di tích Phùng Nguyên ở xóm Rền, Gò Diễn (huyện Phù Ninh), gò Con Lợn, Gót Rẽ, Gò Nghệ, Gò Dạ, Gò Đường, gò Con Cá, Thành Dền (huyện Lâm Thao), Gò Chè, Gò Bông, xưởng chế tác đá Hồng Đà, Gò Chon (huyện Tam Nông)…
Sau văn hóa Phùng Nguyên là văn hóa Đồng Đậu cách nay trên dưới 3.500 năm. Tiến xa hơn thời kì trước, cư dân ở đây đã biết luyện kim và chế tác đồng thau làm ra rìu, giáo, lao, mũi tên, lưỡi câu, búa đồng… Những dấu tích của nền văn hóa Đồng Đậu đã tìm thấy ở khu vực Đền Hùng, Việt Trì. Văn hóa Gò Mun (xã Tứ Xã huyện Lâm Thao) có niên đại cách ngày nay trên dưới 3000 năm. Bằng việc nghiên cứu khảo cổ người ta thấy rằng thời kỳ này cư dân đã sống tập trung đông đúc hơn, nghề đúc đồng phát triển và việc sử dụng đồ đồng đã đóng vai trò quan trọng so với đồ gốm và đồ đá. Kỹ thuật đúc đồng đạt tới độ điêu luyện hơn so với giai đoạn trước. Chính nhờ vậy mà các sản phẩm từ đúc đồng như mũi tên, rìu, giáo, lao, búa, liềm, tượng, vòng tay, lục lạc, trâm cài phong phú hơn, tinh xảo hơn. Những hiện vật của các nền văn hóa khảo cổ trong mỗi giai đoạn lịch sử đã khắc họa nên bức tranh về đời sống con người thời kỳ đó.
Tìm hiểu văn hóa văn minh thời đại Hùng Vương có thể đi từ các yếu tố tự nhiên của Phú Thọ gắn với miền đất cội nguồn, đất phát tích của dân tộc chứa đựng trong đó huyền thoại và lịch sử về một Nhà nước đầu tiên, kinh đô đầu tiên. Các địa danh như Tiên Cát, Minh Nông, Dữu Lâu, Lầu Thượng, Lầu Hạ, Mộ Xy, Bảo Đà, Hương Trầm, Thậm Thình, Cẩm Đội vẫn còn nguyên tên gọi. Các truyền thuyết, sự tích: Hùng Vương kén rể, dạy dân cấy lúa, vua Hùng đi săn, sự tích bánh trưng bánh dày và Hoàng tử Lang Liêu được truyền ngôi, tích rước chúa Gái về nhà chồng, hội bơi chải trên sông Lô, làn điệu hát Xoan, hát Ghẹo...
Cố giáo sư Trần Quốc Vượng nhận định: “Huyền thoại và lịch sử trên đất này đan quyện khó có thể biết đâu là thực, đâu là mơ”, khiến cho nơi đây càng thêm hấp dẫn. Đã có nhiều các nhà khoa học, nhà văn hóa để tâm nghiên cứu văn hóa vùng đất Tổ, tìm ra những nét riêng biệt về tập quán sinh hoạt cộng đồng, ngành nghề thủ công, đời sống vật chất, tinh thần, tín ngưỡng của cư dân Lạc Việt. Từ đó đã phát hiện xung quanh núi Hùng còn tới 50 làng cổ và vượt ra ngoài phạm vi đó có tới trên 20 làng cổ khác mang những dấu ấn của thời đại Hùng Vương.
Văn hóa khảo cổ, văn hóa vật thể, phi vật thể thời đại Hùng Vương hòa quyện và kết tinh đã làm cho văn hóa vùng đất Tổ thêm rực rỡ và làm nên vẻ đẹp tiềm ẩn hấp dẫn du khách trong các hành trình du lịch văn hóa trên đất Tổ. Như vậy từ góc nhìn văn hóa du lịch có thể thấy rõ “điểm nhấn” trong tour du lịch về nguồn chính là trên trục Việt Trì - Đền Hùng. Văn hóa khảo cổ và văn hóa thời Hùng Vương vừa đơn nhất vừa đặc sắc là nguồn nguyên liệu quý báu - điều kiện cần và đủ để chế biến sản phẩm du lịch trong hành trình du lịch về cội nguồn.
Các chuyên gia về du lịch cho rằng: Cái gốc của du lịch và kinh doanh du lịch, thành hay bại là do biết hay không biết chế biến các giá trị tự nhiên và nhân văn thành sản phẩm du lịch văn hóa phục vụ nhu cầu con người. Bởi vậy chỉ khai thác riêng khía cạnh văn hóa cổ này thôi đã hấp dẫn và thỏa mãn nhu cầu của du khách.
Từ khi nhìn nhận rõ vai trò của kinh tế du lịch, tỉnh đã dành sự quan tâm chỉ đạo một cách có hiệu quả thực hiện quy hoạch và xây dựng các dự án đầu tư du lịch. Trong đó đã triển khai lập quy hoạch chi tiết: Khu du lịch sinh thái vườn Quốc gia Xuân Sơn – huyện Tân Sơn; hạ tầng du lịch, dịch vụ phía Nam Quốc lộ 32C – Khu di tích lịch sử Đền Hùng; Khu du lịch nghỉ dưỡng nước khoáng nóng Thanh Thủy – huyện Thanh Thủy; quy hoạch xây dựng Quảng trường Festival – Khu DL Văn Lang; quy hoạch Khu du lịch Bến Gót – thành phố Việt Trì; quy hoạch khu DL vui chơi giải trí tổng hợp Núi Trang – huyện Phù Ninh.
Với nhiềuhình thức xúc tiến quảng bá đã thu hút được vốn đầu tư triển khai thực hiện các dự án: Dự án đầu tư xây dựng đường vào khu Du lịch Bạch Hạc - Bến Gót với tổng mức đầu tư 8 tỷ đồng, khởi công tháng 12-2002, hoàn thành và đưa vào sử dụng tháng 6-2004; dự án đầu tư xây dựng đường vành đai Khu du lịch Văn Lang với tổng mức đầu tư 62 tỷ đồng, khởi công tháng 11-2002; dự án đầu tư xây dựng hồ Khu du lịch Văn Lang với tổng mức đầu tư 120 tỷ đồng, khởi công năm 2006.
Một tin vui đặc biệt có ý nghĩa với việc bảo tồn vốn văn hóa cổ đó là vào thời điểm khi năm 2007 đang khép lại thì công trình Bảo tàng Hùng Vương có tổng mức đầu tư hơn 97 tỷ đồng đã được khởi công xây dựng. Tin tưởng rằng kiến trúc của bảo tàng và các hiện vật khảo cổ và lịch sử được trưng bày khi công trình hoàn thành sẽ góp phần làm thăng hoa vẻ đẹp văn hóa vùng đất phát tích của dân tộc, tạo điểm nhấn trong hành trình có sức thu hút du khách về với quê hương đất Tổ.
(Theo PTO)
Các tin khác
YBĐT - Như một món quà cho du khách đầu xuân Mậu Tý 2008 khi chương trình “Du lịch về cội nguồn” lại được bắt đầu khởi động dịp xuân sang. Xuân này là năm thứ tư của hành trình Phú Thọ - Yên Bái - Lào Cai, nghĩa là, còn vạn ngàn điều mới mẻ, hứng khởi chờ đợi du khách chiêm ngưỡng, khám phá trên một miền đất cội nguồn này.
YBĐT - Chẳng biết thực hư thế nào? Nhưng nghe người ta đồn rằng: Đầu năm, lúc mà tiết xuân còn trong sân ngoài ngõ, ai trèo được tới đỉnh núi Thần Áo đen ở xã Tân Lĩnh huyện Lục Yên, tỉnh Yên Bái thì năm đó sẽ được Thần áo đen ban cho sức khỏe, mọi sự tốt lành, an khang, thịnh vượng.
YBĐT - Các cụ ta xưa thường nói "Miếng ngon nhớ lâu...”, dù Nam hay Bắc, dù là chốn đô hội thị thành hay nông thôn dân dã, thậm chí là vùng cao miền núi, đâu đâu và thời nào cũng có miếng ngon để cho ta nhớ lâu, nhớ mãi... Nhớ mà hễ có người nhắc đến là ta lại xao xuyến trong lòng, tần ngần da diết, chỉ ước gì được ngửi thấy, được nếm lại cái hương vị của quê hương... Nhất là đối với người Yên Bái ngày xưa, hay là đối với những người xa xứ thì nỗi nhớ ấy lại càng không thể nào quên được.
YBĐT - Rượu là thức uống có tính kích thích. Rượu có khắp mọi nơi trên thế giới. Mỗi nước đều có rượu với những tên khác nhau. Anh, Mỹ có Whisky, Nga có Vodka, Nhật có Sakê, Pháp có Champagne, Trung Hoa có Mao Đài và người Kinh của Việt Nam có rượu đế. Mỗi thứ có hương vị, màu sắc đến cách làm, cách thưởng thức đều khác nhau. Và mời bạn về Tây Nguyên thưởng thức rượu cần!