Tháng Giêng mùa lễ hội

  • Cập nhật: Thứ tư, 13/2/2008 | 12:00:00 AM

YênBái - YBĐT - Các dân tộc ở Yên Bái, dân tộc nào cũng có một kho tàng văn hóa dân gian phong phú, nhiều mức độ khác nhau trong đó có lễ hội. Chỉ riêng ở Văn Chấn - Mường Lò, tộc người nào cũng có vài lễ hội dân gian. Một địa phương, một xã, thậm chí ở một thôn bản cũng có thể có nhiều lễ hội. Các lễ hội thường diễn ra vào tháng Giêng.

Lễ hội Lồng Tồng (Văn Chấn). (Ảnh: Thành Trung)
Lễ hội Lồng Tồng (Văn Chấn). (Ảnh: Thành Trung)

Mục đích của những hoạt động này là cầu cúng thần linh và giao lưu tình cảm, sau hết là vui chơi giải trí.]

Nhân dịp đầu xuân, mở đầu cho Năm Du lịch về cội nguồn của tỉnh bước vào năm thứ tư, chúng tôi xin nói về tháng Giêng, mùa lễ hội dân gian ở Văn Chấn - Mường Lò 2008.

Trước tiên, người Thái Mường Lò dịp này có "Xên mường, xên bản", có "Kin chiêng boọc mạy", có "Khuổng mùa mạư" (xuống mùa mới). Riêng nghi lễ và hội "Xên mường, xên bản" là một trong những lễ hội lớn, thu hút đông đảo cộng đồng tham gia. "Xên mường, xên bản" do người đứng đầu bản mường làm chủ lễ. Đối tượng cúng là Nang Han - vị thần tượng trưng cho ý chí, sức mạnh và các loại ma trời, ma sông suối, ma núi rừng. Nơi tổ chức là bãi rộng, có nhiều cây không bị con người đốt phá (thế mới bảo đảm tính thiêng...), lễ to hay nhỏ do thôn bản đóng góp. Thường là mổ trâu, bò, lợn, gà, cá. Rượu cất từ gạo ngon, vải tự dệt để dâng lễ. Khi "xên" họ lập bàn thờ rước kiệu. Lễ kết thúc, mọi người ăn uống, sau đó vào hội. Trong hội, ai cũng vui vẻ ca hát, nhảy múa, tung còn. Hội diễn ra từ 1 đến 3 ngày, cuối cùng người ta té nước vào nhau chúc phúc, cầu may, chấm dứt "Xên bản, xên mường". Ở Sơn A, dân tộc Mường tổ chức hội đu xuân, hội xuống đồng, hội Séc bùa, hội cơm mới. Người Tày Ao Sen - Đồng Khê vào hội "Tăm khẩu mẩu" (hội cơm mới). Sau hội này, họ tổ chức lễ hội "Lồng tồng" (hội xuống đồng) giống như  người Thái Tú Lệ, người Mường Thanh Lương:

... "Áo em thêu chỉ biếc hồng
Mùa xuân ngày hội Lồng tồng thêm tươi...".

Tháng Giêng ở vùng thấp là vậy. Còn nơi rẻo cao có gì? Tại Suối Bu, Suối Giàng, Sùng Đô, người Mông có lễ hội "Gầu tào" (Tsang hâur tox), chủ yếu là cầu phúc, cầu mệnh. Ngoài ra, họ còn có hội "Sải sán", tức là hội chơi núi ngày xuân. Đây cũng là hội lớn trong năm sau lễ ăn thề (nao shống) bởi sau lễ là phần hội. Ở phần hội, nhiều trò chơi diễn ra như đua ngựa, múa khèn, thổi sáo,  hát dân ca (ha lu Mông), ném ta pao, đánh quay. Một số trò chơi biểu tượng cho ý chí, sức mạnh được mọi người ưa thích như bắn nỏ, đẩy gậy, đua ngựa...

Rời các xã này mà đến Nghĩa Sơn sẽ được hòa nhập vào những lễ hội dân gian đậm chất dân dã, hoang sơ như lễ hội "Mùa măng mọc" của dân tộc Khơ Mú, hay như lễ hội "Mưa rơi" (phôn tốc) có nơi còn gọi là hội "Om đi, om đang" của họ.

Ở các địa phương như Minh An, Nậm Lành, Nậm Mười, tộc người Dao quần chẹt (còn có tên là Dao Nga hoàng), họ có Tết nhảy (nhàng chầm đao), có lễ hội Cấp sắc, Cầu mùa, lễ Nhập tịnh (lễ đặt tên...). Dự "Tết nhảy", bạn sẽ phải ở đủ 1 đến 3 ngày để chứng kiến những tiết mục phục vụ cho lễ như múa đao, múa bắt ba ba, múa diễn tả các thao tác lao động sản xuất, gặt hái... Ngoài ra, lễ "Cấp sắc" của dân tộc Dao tuy mang màu sắc tâm linh nhưng thấm đậm nhân sinh. Các thành tố văn hóa đặc trưng thể hiện rõ nét, trở thành một tập tục, một hình thức rèn luyện, giáo dục nhân cách cho con người trước khi người đó được công  nhận là thành viên, là công dân trưởng thành.

Chịu khó ngược lên thượng huyện, hẳn bạn sẽ ngạc nhiên đến thích thú khi được thụ hưởng nét đẹp trong sinh hoạt văn hóa dân gian nơi đây. Đó là tục hát "Tháng Giêng" của người Giáy - Gia Hội.

... "Tháng Giêng ngày mồng một
Lông vịt đổi lông gà
Tháng Giêng ngày mồng hai
Hoa đào đổi hoa ngâu
Tháng Giêng ngày mồng ba
Hoa cau đổi hoa bưởi...".

Cứ thế, họ hát đủ 30 ngày trong tháng rồi mới đi vào nội dung. Cảnh sắc mùa xuân được mô tả nhưng trên hết vẫn là tình người, tình yêu đôi lứa. Những bài hát "Tháng Giêng" rất phong phú. Đề tài giao duyên là nhiều hơn cả. Người Giáy hát bên mâm rượu, hát qua đêm, hát trong các dịp làm quen...

Tóm lại, xuân 2008 này, các cấp, các ngành và nhân dân vùng Văn Chấn - Mường Lò tiếp tục sưu tầm, khảo tả các lễ hội dân gian các dân tộc; lựa chọn những lễ hội tiêu biểu để phục dựng, tạo nên một sinh hoạt văn hóa định kỳ của đồng bào. Việc làm đó, chắc chắn không chỉ là bảo tồn, phát huy di sản văn hóa các dân tộc mà còn đáp ứng lòng mong đợi của đông đảo bà con, của khách phương xa có dịp đến địa phương tìm hiểu, tham quan và du lịch cội nguồn.

       Bùi Huy Mai

Các tin khác
Hội xuân Đại Cại Ảnh: Q.T

YBĐT - Cứ vào ngày 15 tháng Giêng hàng năm, người dân Lục Yên lại tổ chức lễ hội Đền Đại Cại. Lễ hội luôn thu hút đông đảo du khách thập phương bởi lẽ đây là lễ hội tâm linh đặc sắc của mảnh đất giàu truyền thống văn hóa, lịch sử.

YBĐT - Lễ hội Đền Mẫu Âu Cơ (Hiền Lương, Hạ Hòa, Phú Thọ) là một trong những lễ hội lớn của nước ta đã có từ xa xưa và lưu truyền đến ngày nay. Cháu con của mẹ Âu Cơ ở khắp mọi miền đất nước và ở nước ngoài cứ đến ngày mùng 7 tháng Giêng hàng năm lại tìm về quê Mẹ với tấm lòng thành kính và biết ơn.

Xòe xuống đồng.

Sáng ngày 10-2, tức mồng bốn Tết, xã Thanh Phú, huyện Sa Pa đã tổ chức lễ hội xuống đồng đầu năm mới.

Thờ mẫu (mẹ) là một trong những tập quán sinh hoạt của cộng đồng các dân tộc Việt Nam, tập quán này đã trở thành mỹ tục thấm đậm nét văn hóa đặc trưng của người Việt. Lễ hội đền Quốc mẫu Âu Cơ thuộc xã Hiền Lương, huyện Hạ Hòa là khởi thủy của mỹ tục này.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục