Tháng Giêng trẩy hội Đền Mẫu Thác Bà

  • Cập nhật: Chủ nhật, 17/2/2008 | 12:00:00 AM

YênBái - YBĐT - Mùa xuân – mùa của lễ hội, bởi thế mà cứ mỗi độ tết đến, xuân về là lúc người người nô nức đi trẩy hội. Đi lễ chùa đầu năm để cầu phúc, cầu an lành cho gia đình và người thân đã trở thành một nét đẹp trong đời sống tâm linh của người Việt Nam từ ngàn xưa. Đã thành thông lệ, cứ vào ngày 9 tháng Giêng âm lịch hàng năm, đông đảo bà con nhân dân cùng du khách thập phương lại nô nức về dự hội Đền Mẫu Thác Bà thuộc thị trấn Thác Bà, huyện Yên Bình (Yên Bái).

Từ cảng Hương Lý, sau nửa giờ đồng hồ ngồi canô, du khách sẽ đặt chân tới di tích Đền Mẫu Thác Bà. Với diện tích 1.800m2, đền Mẫu tọa lạc trên núi Hoàng Thi ở độ cao 70m so với chân núi. Đền dựa lưng vào núi với thế bao quát đất trời. Sau khi vượt vài trăm bậc đá, lên đến sân đền, phóng tầm mắt ra xa du khách có thể bao quát được cả một vùng trời rộng lớn, ngắm nhìn thủy điện Thác Bà từ trên cao và một vùng hồ Thác được ví như “Vịnh Hạ Long trên núi” – mênh mông và hữu tình. Khí hậu trong lành, mát mẻ sẽ tạo cho du khách cảm giác thoải mái và thanh tịnh chốn cửa đền.

Tương truyền từ thời các vua Hùng, có nàng công chúa tên gọi Minh Đạt được cắt cử trông coi vùng sông Chảy Thác Bà, dạy dân khai khẩn đất hoang, trồng lúa, dệt vải. Khi bà mất được nhân dân tôn kính, lập đền thờ phụng tại Thác Bà. Hàng năm, Công chúa thường hiển linh để giúp đỡ người dân trong vùng, nhờ vậy mà vùng hạ lưu sông Chảy ngày càng trù phú, hình thành nên Châu Thu Vật, phủ Yên Bình. Dưới thời nhà Trần, tướng quân Trần Nhật Duật đã dẫn quân vượt qua Thác Bà chặn đánh quân Nguyên Mông xâm lược, được thánh Mẫu hiển linh giúp đỡ, khi thắng trận trở về tướng quân Trần Nhật Duật đã ban tặng đền 3 chữ “Tối linh từ”.

Dưới triều Lê và triều Nguyễn có 6 sắc phong ghi nhận công lao của thánh Mẫu với các tên gọi Trinh uyển Thục Diệu, Minh Đạt công chúa thần nữ chi thần và nhiều danh thờ khác giao cho muôn dân vùng Đạo Ngạn, Châu thu, Phủ bình coi sóc, thờ phụng. Từ đó cho đến nay, ngày mùng 9 tháng Giêng âm lịch hàng năm, trăm họ tụ họp, mở hội xuân rước Mẫu linh đình, trẻ già sặc sỡ cờ hoa tìm về đây kính dâng lên thánh Mẫu: chè kho, cá chép, hoa tươi, trái ngọt… để tỏ lòng tôn kính.

 

Chọi gà là một trò chơi dân gian trong lễ hội được nhiều người ưa thích.

Cũng như nhiều lễ hội khác, lễ hội Đền Mẫu Thác Bà gồm hai phần chính, là phần lễ và phần hội. Phần lễ với những nghi thức truyền thống trang trọng, mở đầu là phần rước kiệu. Phần rước được chia làm ba hướng, hướng thứ nhất là rước kiệu hoa, kiệu võng và kiệu bát cống; hướng thứ hai là rước lễ vật gồm 8 mâm từ hồ xanh lên gồm chè kho, bánh, hoa quả; hướng thứ ba là rước cá từ Hồ Thác Bà vào. Tiếng trống hội xuân rộn rã thúc giục, làm bừng lên không khí nhộn nhịp của cả vùng. Người người tấp nập đội lễ ra đền thành tâm cung kính, gạt bỏ hết mọi điều ác để hướng thiện. Sau phần rước kiệu là lễ tế mẫu, lễ dâng hương kính mẫu, lễ dâng hoa, dâng quả, lễ dâng tửu… Tất cả mọi nghi lễ rước, tế, dâng hương đều nói lên tấm lòng thành kính, biết ơn của dân làng đối với người xưa.

Sau phần lễ nghiêm trang là phần hội sôi nổi và vui nhộn với các trò chơi dân gian như: kéo co, đẩy gậy, chọi gà, ném còn, cờ tướng v.v…Những hình thức sinh hoạt văn hóa mang đậm màu sắc dân gian đã tạo cho ngày hội của nhân dân vùng hạ lưu sông Chảy thêm sống động và thực sự là nơi giao lưu văn hóa giữa các dân tộc Kinh, Tày, Nùng trong vùng. Các trò chơi trong hội không chỉ thể hiện sự khéo léo, tài trí và thông minh mà còn toát lên tính tập thể, tinh thần cộng đồng cao.

Lễ hội Đền Mẫu Thác Bà hội tụ sắc thái văn hóa của cư dân bản địa lâu đời, mang nhiều yếu tố tín ngưỡng tiến bộ. Lễ hội Đền Mẫu là một trong các lễ hội chính của Chương trình Du lịch về cội nguồn hợp tác giữa 3 tỉnh Yên Bái–Phú Thọ-Lào Cai. Hiện nay, đền Mẫu Thác Bà đã thực sự trở thành điểm hấp dẫn, thu hút nhân dân và du khách ở khắp nơi đến thưởng ngoạn và tỏ lòng thành kính đối với các bậc tiên tổ.

Thanh Chi – Thanh Tân

Các tin khác
Những nụ hôn ngọt ngào trong ngày Valentine tại TP Đà Lạt

Ngày 14-2, hàng trăm cặp tình nhân cùng hàng ngàn du khách đã tề tựu về khu du lịch Thung lũng Tình yêu (Đà Lạt) để tham gia lễ hội Tình nhân (Valentine) lần đầu tiên do Thành đoàn Đà Lạt, Đài PT-TH Lâm Đồng và Công ty CP Du lịch Thanh Niên Đà Lạt tổ chức.

Mỗi nơi có một cách chế biến vẹm khác nhau, có thể là nướng, hấp, hay tẩm bột rán, tuy nhiên người Pháp lại có một cách chế biến con trai rất đặc biệt. Đó là trai hấp rượu vang trắng hoặc đỏ.

Cùng nối rộng vòng xoè.

YBĐT - Tối 13/2 (tức mùng 7 tết), dòng người cuồn cuộn đổ về Quảng trường trung tâm, người mỗi lúc một đông thêm vì ở đây diễn ra chương trình khai mạc lễ hội với những tiết mục đặc sắc nhất và mới lạ nhất.

Xôi ngũ sắc – đặc sản của núi rừng Tây Bắc.

YBĐT - Về Mường Lò, mảnh đất miền Tây của tỉnh Yên Bái những ngày đầu xuân, du khách không chỉ được đắm chìm trong cảnh sắc êm ả của núi rừng Tây Bắc mà còn được đắm say trong điệu khắp điệu xoè, cùng thưởng thức các món ăn dân dã đặc sản của người Thái Mường Lò như cơm lam, xôi ngũ sắc.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục