Chùa Việt ở trời Âu
- Cập nhật: Thứ ba, 26/2/2008 | 12:00:00 AM
Dù cuộc sống xa xứ còn gặp nhiều khó khăn, người Việt không bao giờ quên cội nguồn tâm linh của dân tộc mình. Gần như bước chân người Việt đặt đến đâu, là ở đó những ngôi chùa được mọc lên.
Xuân này, những người Việt ở Ukraina không về quê ăn Tết đã được đón một cái Tết khác hẳn. Từ cuối năm 2007, ngôi chùa Trúc Lâm đã được chính thức khánh thành ngay cạnh làng Thời Đại - ngôi “làng” Việt ở thành phố Kharkov. Chùa tọa lạc trên khu đất vuông vắn, bằng phẳng với tổng diện tích 15.000m2. Ngôi chùa là một quần thể kiến trúc Phương Đông độc đáo, ngoài chùa chính còn có thêm các điện, sảnh... tất cả gồm 14 hạng mục.
Để ngôi chùa có được "dáng vẻ Phương Đông" như mong muốn của cộng đồng người Việt tại đây, tất cả vật liệu xây dựng như ngói đỏ, gỗ quý, đá hoa... đều được kỳ công vận chuyển từ Việt Nam sang. Hơn thế, ngôi chùa còn được xử lý để có thể chịu đựng sương gió và băng giá ở đây. Khoảng 40 thợ nề, thợ mộc từ trong nước đã sang thi công ngôi chùa trong nhiều tháng.
Chùa Trúc Lâm đã trở thành một trong những ngôi chùa Việt lớn nhất ở châu Âu. Với những đường nét trang trí thuần Việt, hầu hết những người đến ngôi chùa đều cảm nhận được cái ấm cúng như khi sống trên đất mẹ. Toàn bộ kinh phí xây dựng ngôi chùa đều do Tập đoàn Technocom tài trợ.
Ngôi chùa Trúc Lâm được khánh thành ngay trước thềm Xuân về. Đón Tết Mậu Tý, cộng đồng người Việt ở Ukraina có thêm một công trình văn hóa tâm linh, để từ đó, họ cùng nhau hướng về cội nguồn. Việc làm này của cộng đồng người Việt nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ của chính quyền bản xứ.
Ông Iusenco Petrovich - Phó tỉnh trưởng tỉnh Kharkov phát biểu: “Người Việt Nam ở Kharkov đã góp thêm một điểm nhấn về tôn giáo trên bản đồ tín ngưỡng của đất nước chúng tôi. Và sự ra đời của ngôi chùa Việt Nam sẽ góp phần tạo sự đoàn kết trong cộng đồng gồm nhiều sắc tộc và tôn giáo đang sinh sống tại đây”.
Cũng trong năm 2007, ở Cộng hòa Czech, một ngôi chùa lớn mang tên Thiên Ân cũng được khánh thành tại thành phố Varnsdorf. Để có được ngôi chùa như hôm nay, cộng đồng người Việt ở đây đã quyên góp tiền mua đất dựng chùa. Đây không chỉ là một nơi sinh hoạt tâm linh, mà còn là một trung tâm văn hóa, để gìn giữ văn hóa Việt và dạy tiếng Việt cho lớp trẻ Việt Nam trên đất Czech.
Trên “xứ tuyết” Ba Lan, người Việt ở thủ đô Vacsava cũng đã có một “cõi tâm linh” riêng của mình - đó là chùa Thiên Việt. Đa phần người Việt tại đây thường coi ngôi chùa Thiên Việt là khoảng trời của người Việt ở Ba Lan. Sau khi ngôi chùa được khánh thành, đã có nhiều người Việt không quản đường sá xa xôi, đi từ các tỉnh khác của Ba Lan đến đây lễ Phật. Có người bảo rằng, nếu không nhìn thấy tuyết rơi, có cảm giác như đang đứng trước một ngôi chùa trên đất Việt.
Đi đến nơi đâu, người Việt cũng có góc tâm linh của mình. Trong gia đình, đó là bát hương thờ cúng tổ tiên, ở cộng đồng, là những ngôi chùa. Có thể phần đông người Việt xa xứ không am tường về giáo lý nhà Phật nhưng ngôi chùa là nơi kết nối cộng đồng, là nơi mỗi khi đến lễ Phật, người ta lại thành kính hướng về quê hương...
(Theo TNO)
Các tin khác
Lễ hội bao gồm các hoạt động: lễ hội Caravan trên biển và trên bộ; biểu diễn nghệ thuật quốc tế; hội chợ thương mại –du lịch quốc tế; liên hoan văn hóa ẩm thực và các hoạt động quảng bá, vận động bầu chọn Vịnh Hạ Long là Kỳ quan thiên nhiên của thế giới...
Có lẽ không đâu có nhiều cua đồng như ở xứ sở sông nước miền Tây Nam bộ - đồng bằng sông Cửu Long, bởi nơi đây có diện tích đất nông nghiệp trồng lúa lớn nhất nước.
Ngày 22/2, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đã đồng ý tổ chức Lễ hội nhảy dù nghệ thuật Quốc tế năm 2008 tại thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa.
Hàng năm vào ngày Thìn đầu tiên của tháng Giêng âm lịch, xã Tả Van, huyện Sapa - Lào Cai lại náo nức mở lễ hội Xuống đồng để chào đón một năm mới mùa màng bội thu. Đồng bào các dân tộc Giáy, H’Mông, Dao… cùng rất đông du khách đổ dồn về nơi đây khiến thung lũng Mường Hoa trở nên sôi động và rực rỡ hơn.