Về miền Tây ăn cua đồng
- Cập nhật: Thứ ba, 26/2/2008 | 12:00:00 AM
Có lẽ không đâu có nhiều cua đồng như ở xứ sở sông nước miền Tây Nam bộ - đồng bằng sông Cửu Long, bởi nơi đây có diện tích đất nông nghiệp trồng lúa lớn nhất nước.
|
Gió đưa gió đẩy về rẫy ăn còng,
Về sông ăn cá, về đồng ăn cua (Ca dao)
Người dân thôn quê có rất nhiều cách để bắt cua đồng. Cua đồng đặc biệt có hai càng rất khỏe, vì vậy người bắt phải thật khéo léo nếu không sẽ bị cua kẹp rất đau. Thường sau mỗi cơn mưa, cua đồng rời hang bò ra đồng hoặc xuống kênh rạch kiếm ăn rất nhiều nên lúc này bắt cua rất dễ dàng. Người bắt chỉ việc ra đồng thấy cua bò nghênh ngang thì "chộp cổ" bỏ giỏ đem về.
Thế nhưng để bắt cua đồng được nhiều mà ít tốn thời gian, người ta thường dùng lờ. Trong lờ có thể bỏ vào vài miếng khoai mì hoặc vài miếng cái dừa đã "cứng nạo" rồi đem đặt dọc kênh rạch gần nơi có những khe nước từ trên ruộng đổ xuống, cứ thế cua sẽ vào ăn rất nhiều nhưng không có cách nào ra được.
Ngoài những cách bắt trên, người dân thôn quê còn có cách bắt cua đồng ở tận trong hang sâu bằng "cù móc". Cù móc là một đoạn sắt dài 5-7cm có đường kính cỡ bằng đầu đũa ăn; một đầu uốn cong, đầu còn lại được tra vào một lóng tre nhỏ dùng làm tay cầm. Với dụng cụ này, người bắt có thể lôi ra từ trong hang sâu những con cua "cứng đầu" nhất dễ dàng.
Với người dân thôn quê miền Tây, cua đồng lâu nay vốn là một món ăn rẻ tiền, dễ tìm và nhiều dinh dưỡng. Từ cua đồng nếu khéo tay, người ta có thể chế biến nhiều món ăn rất hấp dẫn.
Đơn giản và phổ biến nhất là món cua đồng nấu canh với một số loại rau dại quanh nhà. Cua bắt về gỡ mai, bóc yếm, nghiền nát sau đó lược lấy nước và nấu. Nước cua khi đun sôi sẽ nổi lên từng dề thịt trông rất ngon. Khi ấy chỉ việc bỏ vào vài đọt mồng tơi, dăm nắm rau ngót, trái mướp xanh... là có món canh cua hỗn hợp, có thể nói ăn không thua bất kỳ món cao lương mỹ vị nào.
Dân nhậu miệt vườn miền Tây cũng rất dân dã. Trưa buồn, kiếm vài ba "chiến hữu" bỏ chừng 15 phút ra đồng "mò cua bắt ốc" là có thể thoải mái "chén chú chén anh" tới chiều.
Nói về những món nhậu dân dã chốn đồng quê thì còn món nào "bắt" hơn những "cua, ốc, cóc, ổi...". Cua đồng bắt về lựa những con còn non và mềm luộc chung với mớ ốc đắng. Rồi thì ốc đắng chấm cơm mẻ, cua đồng chấm muối tiêu chanh cộng thêm vài ba trái cóc, trái xoài ... cứ thế mà "làm" cho đến "mát trời ông địa" luôn.
Ở thôn quê, những món dân dã này mà "vô” độ vài ba ly là có thể "lên" vọng cổ Tình anh bán chiếu" đến rung rinh cả xóm mà chẳng biết... khan cổ là gì.
(Theo Khẩu vị)
Các tin khác
Ngày 22/2, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đã đồng ý tổ chức Lễ hội nhảy dù nghệ thuật Quốc tế năm 2008 tại thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa.
Hàng năm vào ngày Thìn đầu tiên của tháng Giêng âm lịch, xã Tả Van, huyện Sapa - Lào Cai lại náo nức mở lễ hội Xuống đồng để chào đón một năm mới mùa màng bội thu. Đồng bào các dân tộc Giáy, H’Mông, Dao… cùng rất đông du khách đổ dồn về nơi đây khiến thung lũng Mường Hoa trở nên sôi động và rực rỡ hơn.
YBĐT - Nằm trong chương trình “Du lịch về cội nguồn 2008”, từ đầu năm đến nay, Yên Bái đã thu hút 54.858 lượt khách du lịch, trong đó khách quốc tế 742 lượt người và khách trong nước 54.116 lượt người, đạt doanh thu 8,72 tỷ đồng.
Cá mai là loại cá cùng họ với cá cơm, nhưng không có mùi tanh. Thịt cá mai ngọt, dai chứ không bở hoặc mềm như những loại cá khác. Gỏi cá mai được làm như sau: cá tươi được rửa sạch ruột, loại bỏ đuôi, đầu, xương, còn thân thì chẻ làm đôi.