Bánh tẻ Phú Nhi
- Cập nhật: Thứ tư, 27/2/2008 | 12:00:00 AM
Về Phú Nhi, thị xã Sơn Tây, Hà Tây, khách sẽ được thưởng thức đặc sản mang đậm dấu ấn truyền thống của quê hương xứ Ðoài, đó là món bánh tẻ.
Bánh tẻ Phú Nhi có nguồn gốc từ một câu chuyện tình rất mộc mạc, giản dị của anh chàng họ Nguyễn và cô gái họ Hoàng.
Chuyện kể rằng "Nguyễn Phú ở Giáp Ðoài con bà Trọng làm nghề bán dầu vỏ, anh to khỏe, người đậm, bố là người nông dân hiền lành chất phác, Phú thông minh, khuôn mặt sáng sủa. Còn Hoàng Nhi là con bà Hương làm nghề nấu bánh đúc hằng ngày đem bán ở chợ gốc cây gạo còng ngày xưa. Bánh đúc ở Phú Nhi ngon, có tiếng một vùng thế mới có câu.
"Em là con gái Phú Nhi
Bánh đúc bỏ bị vừa đi vừa nhòm".
Phú và Nhi biết nhau qua những buổi chợ hằng ngày, vì Nhi phải đem hàng cho mẹ, cuộc tình cứ thế lớn dần theo ngày tháng, rồi một hôm chàng đánh bạo sang nhà nàng chơi, lúc Nhi đang khuấy nồi bánh đúc cho mẹ, quên bẵng việc cho vôi vào nồi bột, khi nghe có tiếng động ngoài ngõ.
Nhi ra mở cổng và mời chàng vào nhà. Hai người ngồi tâm tình nói chuyện mà quên mất nồi bánh đúc đang nấu dở trên bếp lửa, khi mở ra thì đã quá muộn nồi bánh đúc nửa sống, nửa chín, ngọn lửa của bếp đã tắt tự bao giờ.
Nhi sợ mẹ mắng nhưng Phú vốn thông minh đã tìm cách che đậy lỗi với mẹ cho người yêu. Nhưng chẳng may em của Nhi biết được đã mách bố về chuyện này. Bố Nhi rất nghiêm khắc, phong kiến, ông tìm mọi cách ngăn cản mối tình trong trắng, đẹp đẽ ấy rồi ông cấm Nhi không được mang hàng cho mẹ.
Thế là từ đó hai người mãi mãi chẳng có dịp được gặp nhau.
Từ hôm đó Hoàng Nhi sinh bệnh rồi ốm nặng, gia đình đã mời nhiều vị thầy thuốc giỏi về chữa nhưng đành bó tay. Lại nói chuyện Nguyễn Phú khi xảy ra chuyện hỏng nồi bánh đúc, chàng mang nồi bột về nhà và nghĩ bỏ đi thì tiếc nên đành nghĩ ra cách là ra vườn ngắt lá dong, lá chuối khô lau sạch rồi thái hành làm nhân, một mình tự thao tác phết bột vào lá dong, cuốn lá chuối khô bên ngoài, lấy dây giang cuốn lại rồi bắc lên bếp đồ (luộc) khi có mùi thơm bốc lên Phú đoán là bánh chín, bóc ra để nguội ăn thấy ngon hơn bánh đúc và thế là chiếc bánh tẻ ở buổi bình minh sơ khai đã ra đời từ đó.
Phú đã làm và nhân rộng ra thật nhiều để mẹ mang đi chợ bán và hàng bánh ngày càng đắt giá, gia đình Phú trở nên khá giả, giàu có. Bánh làm ra càng nhiều Phú càng nhớ Nhi nhiều hơn. Những ngày giỗ nàng, chàng tự tay cải tiến cách làm bánh và làm những chiếc bánh thật ngon để gửi sang nhà cúng tưởng nhớ người yêu xưa và chàng cũng không lấy vợ chỉ chuyên tâm cho nghề".
Bánh tẻ Phú Nhi ngày nay đã trở thành một món ăn nổi tiếng của nhân dân thị xã Sơn Tây nói riêng và các vùng lân cận nói chung.
Khách có thể dùng làm bữa điểm tâm sáng, hay dùng ăn thay bữa ăn hằng ngày, ăn bánh vào cơ thể dễ tiêu. Bánh tẻ Phú Nhi đã và đang là sản phẩm, món quà thật quý báu của quê hương dành cho du khách bốn phương.
(Theo NDĐT)
Các tin khác
Dù cuộc sống xa xứ còn gặp nhiều khó khăn, người Việt không bao giờ quên cội nguồn tâm linh của dân tộc mình. Gần như bước chân người Việt đặt đến đâu, là ở đó những ngôi chùa được mọc lên.
Lễ hội bao gồm các hoạt động: lễ hội Caravan trên biển và trên bộ; biểu diễn nghệ thuật quốc tế; hội chợ thương mại –du lịch quốc tế; liên hoan văn hóa ẩm thực và các hoạt động quảng bá, vận động bầu chọn Vịnh Hạ Long là Kỳ quan thiên nhiên của thế giới...
Có lẽ không đâu có nhiều cua đồng như ở xứ sở sông nước miền Tây Nam bộ - đồng bằng sông Cửu Long, bởi nơi đây có diện tích đất nông nghiệp trồng lúa lớn nhất nước.
Ngày 22/2, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đã đồng ý tổ chức Lễ hội nhảy dù nghệ thuật Quốc tế năm 2008 tại thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa.