Cà Ná hào phóng nắng và gió!
- Cập nhật: Thứ ba, 18/3/2008 | 12:00:00 AM
Nằm giáp ranh giữa tỉnh Ninh Thuận và Bình Thuận, nơi biển có màu xanh ngọc và độ mặn của sóng có thể làm cho bạn cảm giác trên từng cơn gió. Nước biển nơi đây mặn hơn những vùng biển khác 3 - 4 độ.
Một góc nhìn từ Hòn Cò
|
Chúng tôi đến Cà Ná vào buổi sáng, khi chuyến tàu lửa Bắc Nam hụ một hồi còi dài làm âm vang những vách đá núi sừng sững. Chọn một độ cao trên đỉnh Hòn Cò, có thể thấy rõ Cà Ná là một mũi đất ương ngạnh nhô ra biển xanh. Xa xa là những vựa muối của làng Thương Diêm và cảng cạnh làng cá Cà Ná mùa nắng hạn, mỗi ngọn gió thổi qua đều thơm mùi cá hấp.
Làng biển Cà Ná vài năm gần đây phất lên nhờ nghề cá hấp và nghề làm nước mắm. Cá biển ở vùng này có độ đạm cao, nên nước mắm ở đây ngon và thơm. Nhiều du khách đi xe đến Cà Ná thường dừng lại mua làm quà. Mùa sóng lớn (tháng 9 - 12), san hô vụn lòng biển tấp vào ven bờ, nhiều người dân Cà Ná nghèo thường kéo nhau ra bãi biển dựng chòi đãi san hô bán cho những công xưởng làm gốm sứ, chế tạo vật liệu xây dựng ở Sài Gòn.
Dù những bar, nhà hàng ở nơi đây khá nhiều và quy mô, nhưng là một điểm mang tính chất dừng chân bên đường nên sự đìu hiu của du lịch cũng trả cho Cà Ná sự yên tĩnh đáng kể. Đến Cà Ná hôm nay vẫn còn thấy những cô gái xứ biển da đen nhẻm nách từng rổ san hô sơn phết màu mè đi bán dạo, những chiếc thuyền thúng giăng lưới buông câu giữa trưa nắng gắt, hay những quán biển với thực đơn hải sản tươi với giá còn tương đối rẻ.
Cà Ná đẹp và khắc nghiệt. Khi túa mồ hôi mướt mát lưng áo và chịu nắng hun làn da đen giòn sau những chuyến khám phá Mũi Dinh, hang Ông Phật, ghềnh Ông Nồng, giếng Đục, núi Bạc, khách mới hiểu ra rằng có lẽ đến những hòn đá nằm trơ mình trên vách núi cao kia không hẳn vô hồn trước sức quyến rũ của biển xanh.
Nắng gió khắc nghiệt của Cà Ná là một đặc sản môi trường, vừa là một sự đề kháng cần thiết trước xu thế du lịch hoá quá dễ dàng hiện nay. Theo những nhà kinh doanh dịch vụ khách sạn, nhà hàng thì điều đáng sợ nhất khi xây những công trình tại Cà Ná là chất liệu phải đảm bảo để chống lại những cơn gió biển cuồng nhiệt và cái nắng rát bốn mùa.
Tuy nằm ở điểm mà ba con đường thuỷ, bộ và đường sắt đi qua sát nhau nhất, Cà Ná vẫn mang vẻ đẹp của một cô gái duyên hải không ồn ào khoa trương. Vẻ mặn mà của cô gái biển đa tình nhưng may thay những nhà du lịch chỉ nên đứng từ xa nhìn. Điều đó vừa là đặc sản vừa là đề kháng giúp Cà Ná giữ vững môi trường tự nhiên và không gian dân dã của những làng duyên hải ở một vùng eo biển đẹp bậc nhất Việt Nam.
(Theo SGTT)
Các tin khác
Bánh bèo chợ Búng, Bình Dương ngon đặc biệt nhờ có bì heo ram với nước dừa. Bánh dậy mầu trắng, giòn dai, ăn kèm với đồ chua và rau sống rất ngon miệng.
Cá bông lau là loại cá da trơn sống dài theo sông Hậu. Mùa nào trong năm người ta cũng có thể câu được chúng bằng mồi côn trùng để ươn, đơn giản là bằng chuối chín. Tuy nhiên câu sẽ được những con cá lớn chừng 2 kg là cùng. Muốn có những con bự "tùa dềnh", phải đợi mùa đông ken của chúng tại 3 khúc sông:
Khi tới Cologne (Đức), thành phố lớn thứ tư của nước Đức và là yết hầu giao thông phía đông nam và nam bắc Châu Âu, hiếm có du khách không tới tham quan Nhà thờ Cologne (hay còn gọi là nhà thờ lớn St. Peter) - một di sản văn hoá thế giới được UNESCO công nhận vào năm 1996.
Chợ phiên Xá Nhè (huyện Tủa Chùa, tỉnh Ðiện Biên), sáu ngày một phiên, họp vào ngày dậu, ngày mão. Chợ có sức thu hút rất đông đồng bào các dân tộc Thái, Mông, Dao, Phù Lá, Kinh...