Nồng hương biển rượu nho Phan Rang

  • Cập nhật: Thứ năm, 20/3/2008 | 12:00:00 AM

Khi những cơn gió bấc bắt đầu thổi về trên xứ nóng và không còn những trận mưa rào bất chợt, trời vừa se lạnh đủ để thiếu nữ rộn ràng khoe áo mới thì cũng là lúc những nông dân xứ xương rồng bắt đầu chuẩn bị chắt lọc những dòng rượu nho sóng sánh.

Nho Phan Rang kết tinh những giọt vang thơm nồng
Nho Phan Rang kết tinh những giọt vang thơm nồng

Đến Phan Rang, không ít du khách phải than thở: Ôi! Cái xứ chi mà nắng lạ lùng. Tuy nhiên chính trong cái khắc nghiệt mà trời đất dành cho Phan Rang lại có một sự ưu đãi tuyệt vời mà chẳng nơi nào trên dải đất hình chữ S này có được, đó là cây nho, những vườn nho chạy dài ngút mắt, những chùm nho chín mọng, tròn căng.

Trồng nho là một nghề vất vả. Cây nho lại là một loại cây trồng đỏng đảnh “Nắng không ưa, mưa không chịu”. Vốn không phải là cây bản địa, nó du nhập từ xứ người về đây làm bạn với mít, xoài, cam, ổi… Và với sự hay lam, hay làm của những người nông dân xứ nóng, lâu dần cây nho đã trở thành biểu trưng khi ai đó nói về vùng đất xương rồng.

Cách làm rượu nho ở Phan Rang cũng giản đơn như con người xứ nóng, đầu tiên là lựa những trái nho ngon, loại bỏ những trái bị dập nát, rửa sạch để ráo nước rồi sau đó bóp nát trái nho ra, để nguyên cả vỏ và hột, bóp từng trái một rồi cho vào thạp theo công thức 3 - 1 (3kg nho, 1kg đường) cứ một lớp nho, một lớp đường, cho đầy chừng 2/3 thạp là được. Bịt kín miệng thạp rồi ủ chừng vài ba tháng đủ để cho xác nho phân hủy, kết hợp với đường để tạo ra một vị đậm đà của rượu.

Nhắm chừng rượu đã thành, dỡ nắp thạp ra, bạn sẽ cảm nhận được một mùi thơm bốc lên dậy mũi là có thể đem ra lọc lấy nước trong chứa vào chai. Rượu nho càng để lâu chừng nào càng ngon chừng đó. Đặc biệt việc ủ nho ở Phan Rang hoàn toàn không hề dùng bất kỳ loại men rượu nào để làm tác nhân, mà hoàn toàn dựa vào sự lên men vi sinh tự nhiên khi có sự phối ngẫu giữa nho và đường mía.

Uống rượu nho Phan Rang, bạn không nên so sánh với các loại vang nho khác, bởi người nông dân xứ nóng quê tôi vốn xa lạ với cái khái niệm rượu vang nho. Và họ cũng chưa bao giờ nghĩ rằng họ đang góp phần vào việc phát triển lịch sử rượu vang trên thế giới với hàng trăm năm phát triển.

Chỉ đơn giản một điều: rượu nho đối với người dân quê tôi được xem như một món quà hương đồng gió nội, và cũng với một suy nghĩ giản đơn là tại sao mình làm rượu mít, rượu dâu, rượu bắp được còn nho thì không? Họ không làm rượu nho với những mục đích để thưởng thức như những người “sành điệu”. Họ làm rượu nho với những lý do cũng đơn giản như chính cuộc đời, chính tâm hồn giản đơn của họ, xem đó như là một món quà quê dân dã cho khách đến chơi nhà.

Phan Rang từng nổi tiếng là quê hương của hành và tỏi, nơi có đàn dê cừu lớn nhất của cả nước và bây giờ trong hành trang của những khách lữ hành trước khi chia tay vùng đất của những cụm xương rồng thì bên cạnh những hành, những tỏi, những chùm nho chín mọng căng tròn như đôi môi người thiếu nữ, bây giờ lại có thêm những chai rượu nho mang hương của trời, của đất. Chắc chắn bạn sẽ cảm nhận được hết, thâu tóm được hết hương vị của nắng vàng, của biển xanh, của những ngọn gió nồng hương của biển sau mỗi lần bạn thưởng thức ly rượu nho Phan Rang.

(Theo SGGP)

Các tin khác
Các cụ già bắt đầu nghi thức lễ cầu ngư.

Chiều 19/3, bà con ngư dân phường Hải Cảng - TP Quy Nhơn, Bình Định đã long trọng tổ chức Lễ hội cầu ngư năm 2008 với các hoạt động chính: Lễ nghinh thần nhập điện, lễ tế thần và lễ tôn dương.

Nằm trên núi Câu Lâu - Thạch Xá, Thạch Thất, Hà Tây, chùa Tây Phương là nơi bảo lưu và gìn giữ rất nhiều pho tượng phật có giá trị. Nó thể hiện tinh hoa tuyệt vời của nghệ thuật tạc tượng Việt Nam và là minh chứng của một nền văn hoá có từ lâu đời. Đến với Chùa Tây Phương là đến với thế giới cực lạc, cõi niết bàn, chốn tu luyện của thần tiên.

Lễ khai hội Chử Đồng Tử - Tiên Dung được tổ chức sáng 17/3 (tức 10-2 năm Mậu Tý) tại di tích đền Đa Hòa (xã Bình Minh, huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên) với sự tham dự đông đảo của dân làng và khách thập phương.

Một góc nhìn từ Hòn Cò

Nằm giáp ranh giữa tỉnh Ninh Thuận và Bình Thuận, nơi biển có màu xanh ngọc và độ mặn của sóng có thể làm cho bạn cảm giác trên từng cơn gió. Nước biển nơi đây mặn hơn những vùng biển khác 3 - 4 độ.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục