Mùa xuân vui hội Lồng Tồng
- Cập nhật: Thứ ba, 10/2/2009 | 12:00:00 AM
YênBái - YBĐT – Mùa xuân - mùa của khát vọng, chờ mong, mùa của các lễ hội. Với người Tày ở xã Kiên Thành, huyện Trấn Yên (Yên Bái), hội Lồng Tồng (hay lễ hội cầu mùa) chính là một trong những lễ hội truyền thống đặc sắc lớn nhất, vui nhất của dân tộc Tày được tổ chức trong dịp đầu xuân năm mới. Lễ hội được tổ chức vào đúng ngày rằm tháng Giêng nhằm gửi gắm ước mong của dân làng, cầu cho mưa thuận gió hòa, vạn vật sinh sôi nảy nở, người người ấm no và hạnh phúc.
Đã từ rất lâu rồi, người dân xã Kiên Thành mới được vui hội Lồng Tồng lớn như thế này. Hội Lồng Tồng năm nay được tổ chức đã thu hút rất đông đảo bà con và nhân dân trong vùng tham gia. Và đây cũng trở thành món ăn tinh thần, cổ vũ người dân hăng say thi đua trong lao động sản xuất.
Cũng giống như các lễ hội khác, hội Lồng Tồng của người Tày ở Kiên Thành được chia làm hai phần, là phần lễ và phần hội. Phần lễ với những nghi thức truyền thống trang trọng, mở đầu là phần rước hoa quả, cỗ bánh. Sau phần rước là lễ cúng Thành hoàng bản thổ, thần núi, thần suối: Núi Khau Raáo ở phía Tây, núi Khau Thú ở phía Bắc, núi Khau Cuốm ở phía Nam và miếu Bà Chúa ở phía Đông cầu cho mưa thuận gió hòa, cây cối tốt tươi, cầu cho chim muông, sâu bọ không phá mùa màng, dân làng khoẻ mạnh, đời sống của nhân dân được ấm no.
Theo tục truyền từ xưa, lễ cúng Thành hoàng bản thổ của bản Roòng Raáo được nhân dân dâng lên 6 cỗ bánh, mỗi cỗ bánh gồm có 6 loại bánh là bánh uôi, bánh bìa, bánh phong trú, bánh tẻ, bánh trà lam, bánh nổ và một cây hoa 12 tầng tượng trưng cho 12 tháng trong năm đơm hoa kết trái. Thân cây được làm bằng cây găng gai, những bông hoa làm bằng cây dâu, những vòng hoa tròn được cắm vào cành găng thành cành hoa. Mỗi đầu cành hoa được treo một quả khế tượng trưng cho những hạt lúa mẩy nặng bông. Mỗi cỗ bánh kèm theo 7 mâm cỗ là những món ẩm thực được chế biến bằng thịt lợn, thịt gà và xôi nếp. Đi cùng với mâm cỗ bánh là cờ thần, trống, chiêng… rộn rã làm bừng lên không khí nhộn nhịp của cả vùng.
Cùng với lễ cúng Thành hoàng bản thổ là lễ cúng miếu bà Chúa. Theo truyền thuyết, có nàng công chúa Quỳnh Hoa vào bản Roòng Raáo và chứng kiến cảnh dân bản ở đây khổ quá, không có bát để ăn mà phải dùng lá rừng làm bát. Cảm thông với người dân, nàng quyết định quay lại triều đình để xin triều đình có giải pháp giúp dân lành. Trên đường đi, đến thác Rào Hạ không may nàng bị nước lũ cuốn trôi, từ đó dân làng lập miếu thờ công chúa ngay trên bờ thác Rào Hạ, đặt tên là miếu Bà Chúa. Hàng năm, cứ vào ngày 25 tháng Chạp âm lịch, nhân dân trong làng lại sắm lễ vật dâng cúng Bà Chúa để cảm ơn bà đã phù hộ cho dân làng. Tất cả mọi nghi lễ đều nói lên tấm lòng thành kính, biết ơn của dân làng đối với trời đất, đối với người xưa.
Xen với phần lễ, các nghệ nhân, các già làng trưởng bản cùng nhân dân các dân tộc xã Kiên Thành cùng nhau trình diễn màn đồng diễn 6 điệu dậm cổ gồm: dậm chéo rứa (múa chèo thuyền), dậm đàn tính, dậm víi (múa quạt), dậm đáp (múa kiếm), dậm teo kéo, dậm quét sân rồng. Các điệu múa thể hiện sự phối hợp nhịp nhàng, sự khéo léo của những đôi bàn tay con người và tinh thần thượng võ của dân tộc.
Sau phần lễ là phần hội sôi nổi và vui nhộn với sự tham gia của hàng nghìn người dân trong xã và khách thập phương với các trò chơi dân gian như: bắn nỏ, đánh yến, đẩy gậy, ném còn… Tất cả các trò chơi trong hội đã thể hiện sự gần gũi và tinh thần cộng động cao của những người tham gia. Những hình thức sinh hoạt mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc đã thực sự là nơi giao lưu giữa các dân tộc Tày, Mông, Kinh và Dao trong vùng.
Lễ hội Lồng Tồng là nét sinh hoạt cộng đồng đặc sắc, chứa đựng nhiều giá trị nhân văn, là nơi tôn vinh văn hóa, phản ánh tâm tư nguyện vọng người Tày với mong ước cả năm được mùa, khoẻ mạnh và một năm mới nhiều tốt lành.
Thanh Chi
Các tin khác
Ở miền Trung, xôi đường là món quen thuộc trong các ngày giỗ, tết... Nguyên liệu nấu xôi đường gồm nếp, đậu đen, đường bát... Sau khi nấu xong, mang hỗn hợp này cho vào cái khuôn bằng gỗ có lót lá chuối để ép lại cho chặt, sau đó rắc mè, đậu phụng rang lên trên bề mặt của xôi đường cho đẹp và hấp dẫn.
Nhân lễ giỗ tổ ngành tóc năm Kỷ Sửu 2009, tối 10-2 tại nhà hàng Quốc Thanh sẽ diễn ra lễ hội “Kanac – Tóc xuân 2009”. Điểm nhấn của lễ hội là màn trình diễn cắt và bới tóc trên sân khấu kết hợp hiệu ứng âm nhạc, ánh sáng sôi động và màu sắc của 16 nhà tạo mẫu tóc chuyên nghiệp, trong đó có nhà tạo mẫu tóc Đài Loan (Trung Quốc) Peter Chiu.
Vào dịp đầu xuân (12, 13, 14 tháng Giêng), người dân khắp vùng Kinh Bắc cùng đông đảo du khách thập phương lại nô nức về dự hội Lim (xã Lũng Giang, huyện Tiên Du - Bắc Ninh). Ai cũng mong muốn được hòa trong không khí tưng bừng của những trò chơi dân gian và được đắm mình trong câu hát giao duyên đậm đà nghĩa tình của người quan họ.
Trong ngày cuối cùng của lễ Newala, Nhà Vua xuất hiện, gương mặt bôi đen bằng một thứ thuốc, đội một chiếc mũ lông chim màu đen, đeo thắt lưng bạc bằng da khỉ, dùng cỏ xanh phủ quanh người.