Sóng lúa vùng cao
- Cập nhật: Thứ sáu, 20/2/2009 | 12:00:00 AM
Vùng núi cao Lào Cai và một số tỉnh Tây Bắc có một mùa tuyệt đẹp để lên ngắm cảnh kỳ thú của ruộng bậc thang. Ðó là mùa đổ nước cấy trồng, cánh đồng như những bức tranh thủy mặc khổng lồ và phong cảnh mùa lúa chín vàng đẹp như mơ... Nơi đây đang là điểm đến hấp dẫn của du khách xa gần, nhất là khách du lịch châu Âu mỗi khi tới thăm vùng núi Sa Pa, Bát Xát, Mường Khương, Si Ma Cai, Bắc Hà...
Ruộng bậc tang Lào Cai.
|
Là vùng tiểu khí hậu á nhiệt đới gió mùa và phải chờ nước mưa đổ xuống, nên vùng cao Lào Cai dịp tháng 3, tháng 4 hằng năm mới vào vụ gieo cấy lúa trên chân ruộng chỉ canh tác được một vụ. Ðây là thời gian xuất hiện phong cảnh đẹp nhất đầu mùa hè trên những cánh đồng ruộng bậc thang mùa nước đổ ở Trung Chải, Sa Pả, Tả Phìn, Lao Chải, Tả Van, Hầu Thào, Bản Hồ, Tả Giàng Phình... (Sa Pa), Lầu Thí Ngài, Lùng Phình... (Bắc Hà), Mường Hum, Mường Vi, Sảng Ma Sáo, Dền Sáng, Ý Tý, Ngải Thầu, A Lù... (Bát Xát), Sín Chéng, Cán Cấu... (Si Ma Cai), Tung Chung Phố, Tả Ngải Chồ, Pha Long, Lùng Khấu Nhin... (Mường Khương). Những cánh đồng ruộng bậc thang Lào Cai có từ hàng trăm năm nay và đều do những đôi bàn tay tài hoa, cần mẫn của nông dân các dân tộc thiểu số đời này nối tiếp đời kia kiến tạo nên. Làm ruộng bậc thang giỏi nhất phải kể tới người Hà Nhì, rồi tới người Mông, người Dao... sống trên những triền núi cao. Họ có kinh nghiệm chọn đất và chọn thế núi thuận lợi tưới tiêu nước để san gạt, tạo ra ruộng bậc thang gieo cấy lúa nước. Những thửa ruộng bậc thang dù to hay nhỏ đều được "thiết kế" trông thuận mắt, trong đó có những cánh đồng bậc thang rộng hàng trăm héc-ta ở thung lũng Mường Hoa, Tả Phìn, Tả Giàng Phình... (Sa Pa), Mường Hum, Sàng Ma Sáo, Ý Tý, Ngải Thầu, A Lù... (Bát Xát), Tung Chung Phố, Lùng Khấu Nhin... (Mường Khương) trông như bức tranh điêu khắc khổng lồ với những đường nét uốn lượn trữ tình.
Có thể tự hào mà nói rằng vẻ đẹp của ruộng bậc thang là những tuyệt tác do người dân vùng cao Lào Cai tạo ra. Ruộng bậc thang xứng đáng là danh thắng của vùng núi cao Lào Cai.
Những cánh đồng bậc thang không chỉ đẹp mà còn là những địa chỉ vàng, luôn thu hút khách du lịch tới chiêm ngưỡng, khám phá theo đề án phát triển du lịch "biến di sản thành tài sản" do UBND tỉnh Lào Cai chỉ đạo thực hiện. Ruộng bậc thang không chỉ là danh thắng để du khách ngắm khi tới thăm, từ lâu nó còn là những "bồ thóc lớn" không bao giờ vơi của đồng bào các dân tộc quê hương ta. Ðó cũng là kết quả của phương thức canh tác nông nghiệp bền vững, nhất là khi thực hiện những chiến dịch ra quân thi đua làm ruộng bậc thang để định canh, định cư theo lời dạy của Bác Hồ khi Người lên thăm Lào Cai cách đây hơn 50 năm. Ở vùng cao trong tỉnh có những cánh đồng ruộng bậc thang gieo cấy thành công các giống lúa đặc sản có giá trị kinh tế rất cao như lúa Séng Cù (Mường Khương), lúa Khẩu Nậm Xít (Bắc Hà)... Gạo đặc sản của những giống lúa trên hiện nay đang bán lẻ trên chục nghìn đồng/kg, đây cũng là một trong số ít những loại gạo đặc sản ngon nhất ở Tây Bắc luôn được khách du lịch chọn mua làm qua khi lên thăm Lào Cai. Ở vùng du lịch Sa Pa đang xuất hiện những khu ruộng bậc thang trồng hoa cao cấp, trồng rau sạch xuất khẩu đạt giá trị kinh tế hàng trăm triệu đồng/héc-ta/năm. Bà con các dân tộc ở một số địa bàn Lào Cai ngày nay không chỉ làm ruộng bậc thang giỏi mà còn biết tính toán trồng cây gì, nuôi con gì trên đồng đất của mình có hiệu quả kinh tế cao nhất. Ðó là tín hiệu vui của nông dân vùng cao trong thời kinh tế mở.
Nhiều khu ruộng bậc thang ngày nay đang góp phần tạo ra sản phẩm du lịch độc đáo cho vùng cao Lào Cai. Bởi vì đây là những điểm đến khá hấp dẫn và không thể thiếu của rất nhiều du khách nước ngoài khi chọn tua tới thăm Sa Pa đang là trung tâm du lịch Tây Bắc.
Vẻ đẹp kỳ thú của phong cảnh ruộng bậc thang và mây núi Lào Cai cũng đã tạo ra nguồn cảm xúc cho không ít văn nghệ sĩ tài danh sáng tác nên những tác phẩm nghệ thuật làm say đắm biết bao người.
(Theo NDĐT)
Các tin khác
Kỷ niệm 50 năm ngày mở đường Hồ Chí Minh - Ngày truyền thống Bộ đội Trường Sơn; Uỷ ban nhân dân tỉnh Quảng Bình, Cục Nghệ thuật biểu diễn, Cục Văn hoá thông tin cơ sở (Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch) và Công ty Cổ phần Quảng cáo và Hội chợ Thương mại - CIAT phối hợp tổ chức chương trình kỷ niệm mang tên “Huyền Thoại một con đường”.
Tháng chín cua ra, tháng ba cua vào. Nếu căn cứ vào câu thành ngữ này thì có nghĩa mùa cua sẽ kéo dài từ tháng chín đến tháng ba âm lịch chăng? Hay là một kinh nghiệm của người nông nghiệp đúc kết lại về tập quán sinh sống của loài cua. Có một loài cua sống trong các ghềnh đá ở đoạn sông Cầu chảy qua làng chài Thắng Cương, huyện Yên Dũng, Bắc Giang gọi là cua ra. Cua ra ở đây chỉ xuất hiện nhiều vào mùa lạnh. Phải chục năm trở lại đây, nhiều khách sành ăn cứ về đòi thưởng thức món cua này.
Đường liên xã ngoằn ngoèo. Lên đò qua sông Cầu, đặt chân đến Thổ Hà, qua làng Vân thơm nồng mùi rượu, du khách đi tiếp độ dăm cây số nữa thì đến chân núi Bổ Đà, đối diện có Phượng Sơn chầu về. Dưới chân núi ấy cây cối hoang sơ và trầm mặc; lấp ló trong những rêu mốc và dây leo là mái chùa Tứ Ân cổ kính (còn gọi chùa Bổ Đà).
Nếu như người dân Hà Thành tự hào về cốm làng Vòng, một món ăn từ lâu như đã trở thành nét đặc trưng của Hà Nội để du khách gần xa nhớ và nhắc đến vào mỗi độ thu về thì người dân Khơmer sinh sống ở vùng đất Nam bộ lại tự hào với bạn bè bốn phương về đặc sản cốm dẹp. Đây là món ăn dân dã của đồng quê Nam bộ và là một lễ phẩm không thể thiếu trong mâm lễ cúng trăng rằm tháng 10.