Bí mật về đường hầm xuyên núi Bà Chúa Kho
- Cập nhật: Thứ hai, 23/2/2009 | 12:00:00 AM
Ít ai biết được rằng ngay sau quần thể di tích đền Bà Chúa Kho, tại đồi Cổ Mễ, TP. Bắc Ninh lại tồn tại một đường hầm dài hơn 1km ăn sâu hun hút vào lòng đất được xây dựng theo lối kiến trúc "uốn vòm" bằng gạch vữa vôi khá kiên cố...
Nửa thế kỷ chìm trong lòng đất...
Chiều ngày 9-2, chúng tôi đã có mặt tại khu I, đồi Cổ Mễ, phường Vũ Ninh (phía sau đền thờ Bà Chúa Kho), TP. Bắc Ninh. Phần lối vào cửa hầm đã bị vỡ ra một lỗ đủ cho người chui vào trong, bên trong gạch vỡ vứt ngổn ngang. Theo anh Nguyễn Văn Vượng, một người dân địa phương, muốn chui vào đường hầm thì phải chuẩn bị đủ ánh sáng, đồng thời phải có bình dưỡng khí mới có thể đi vào bên trong.
Theo chân anh Vượng chúng tôi bắt đầu thám hiểm đường hầm. Trang bị mang theo lúc này là hai ngọn nến, một chiếc đèn pin và cả đèn của chiếc điện thoại di động. Dò dẫm từ cửa hầm, sau khi leo hết khoảng gần 50 bậc thang sâu xuống lòng đất ước chừng 20-30m, đường hầm bắt đầu mở rộng nền hầm khá bằng phẳng. Tuy nhiên, tầm quan sát bắt đầu bị hạn chế bởi chiều cao của đường hầm ngày một thấp, ánh sáng yếu nên chỉ có thể nhìn trong phạm vi 1m. Đưa đèn pin sát mặt đất, thấy dưới nền đường hầm gạch vỡ ngổn ngang và bùn nhão nhoét, dọc theo trần đường hầm xuất hiện khá nhiều nhũ đá có hình thù khá đẹp mắt.
Sau gần một giờ đồng hồ dò dẫm đi sâu vào trong, chúng tôi bắt gặp những khoảng sụt lở lớn chặn ngay lối đi, vòm uốn của trần hầm sụt xuống để lại những khoảng đất đá lởm chởm trên đầu khá nguy hiểm. Ở những ngã rẽ rộng và tối hun hút khiến cho cảm giác như đang lọt vào một mê cung. Không khí ngày càng ngột ngạt và khó thở. Do đường hầm quá hẹp, nhiều ngã rẽ và không đủ dưỡng khí chúng tôi đã quyết định dừng việc "thám hiểm" và quay ra.
Cửa hầm |
Anh Vượng nhớ lại ngày còn nhỏ, anh và nhiều bạn cùng trang lứa vẫn chui xuống đường hầm này chơi. Theo ước tính của anh đường hầm này có chiều dài ước trên 1 km, có ba cửa chính thoát ra sườn núi và có khoảng gần chục ngã rẽ nằm dọc theo 2 bên đường hầm, chỗ rộng nhất có đường kính 6-7m, vẫn còn sót lại những chiếc giường kê dọc hai bên hầm. Một điều kì lạ là khi trời nắng nóng thì trong hầm rất mát và khi trời lạnh trong hầm rất ấm. Tuy nhiên hàng chục năm qua, cửa đường hầm đã bị đất đá tràn từ đỉnh núi xuống bịt kín, thiếu không khí nên việc đi sâu vào hầm là khá mạo hiểm.
...và bị lãng quên?
Theo các cụ già sống tại khu I, thôn Cổ Mễ kể lại: Giai thoại về đường hầm này có liên quan đến nhiều sự tích khác nhau. Có thông tin cho rằng đường hầm là nơi xưa kia chứa quân lương của Nhà Lý do Bà Chúa Kho quản lý để chống lại quân xâm lược nhà Tống trên tuyến phòng thủ sông Như Nguyệt. Lại có thông tin cho rằng đường hầm là nơi khai thác và chứa vàng của quân xâm lược Hán trong thời gian đô hộ nước ta. Sau đó, thực dân Pháp đã cho xây dựng kiên cố để chứa hàng hoá và cho công nhân Nhà máy Giấy Đáp Cầu tránh bom đạn của phát xít Nhật. Trong những năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước, nóc đường hầm đã trở thành trận địa pháo phòng không của quân và dân ta. Đường hầm cũng là nơi cứu chữa cho thương binh và là nơi trú ẩn của người dân.
Xuống hầm |
Ông Đỗ Văn Xuyên người trông nom Nhà tưởng niệm Bác Hồ trên đồi Cổ Mễ cho biết, bên trong đường hầm này rất nhiều rắn. Nếu vào bên trong mà không có trang thiết bị bảo hộ rất có thể sẽ bị rắn độc cắn.
Một điều khá thú vị, là những năm đế quốc Mỹ đánh phá ác liệt, xung quanh khu vực này phải hứng chịu tới cả trăm quả bom Mỹ thả xuống, nhưng tuyệt nhiên không một quả nào đánh trúng vào núi Kho và cửa đường hầm.
Những bậc thang bằng gạch trên lối dẫn xuống hầm |
Theo ông Nguyễn Thành Lập, thành viên Ban quan lý khu di tích Đền Bà Chúa Kho: Đường hầm này được quân Pháp xây dựng lại vào những năm 1939-1940 thế kỷ trước, là nơi trú ẩn của quân Pháp trong thế chiến lần II. Vào những năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước (1965- 1968), đường hầm là nơi trú ẩn của quân và dân ta khi đế quốc Mỹ đánh bom phá hoại miền Bắc. Tối đa hầm này có thể chứa được từ 600 -700 người cùng nhu yếu phẩm, lương thực sử dụng trong nhiều tháng. Trải qua nửa thế kỷ bị chìm sâu trong lòng đất, hiện đường hầm đang xuống cấp nghiêm trọng.
Mong muốn lớn nhất của của Ban quản lý di tích và người dân khu I, thôn Cỗ Mễ là Nhà nước và tỉnh Bắc Ninh sớm quan tâm, đầu tư nâng cấp tôn tạo để bảo tồn đường hầm có giá trị lịch sử, văn hoá nằm trong quần thể di tích Bà Chúa Kho.
(Theo TTO)
Các tin khác
Vùng núi cao Lào Cai và một số tỉnh Tây Bắc có một mùa tuyệt đẹp để lên ngắm cảnh kỳ thú của ruộng bậc thang. Ðó là mùa đổ nước cấy trồng, cánh đồng như những bức tranh thủy mặc khổng lồ và phong cảnh mùa lúa chín vàng đẹp như mơ... Nơi đây đang là điểm đến hấp dẫn của du khách xa gần, nhất là khách du lịch châu Âu mỗi khi tới thăm vùng núi Sa Pa, Bát Xát, Mường Khương, Si Ma Cai, Bắc Hà...
Kỷ niệm 50 năm ngày mở đường Hồ Chí Minh - Ngày truyền thống Bộ đội Trường Sơn; Uỷ ban nhân dân tỉnh Quảng Bình, Cục Nghệ thuật biểu diễn, Cục Văn hoá thông tin cơ sở (Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch) và Công ty Cổ phần Quảng cáo và Hội chợ Thương mại - CIAT phối hợp tổ chức chương trình kỷ niệm mang tên “Huyền Thoại một con đường”.
Tháng chín cua ra, tháng ba cua vào. Nếu căn cứ vào câu thành ngữ này thì có nghĩa mùa cua sẽ kéo dài từ tháng chín đến tháng ba âm lịch chăng? Hay là một kinh nghiệm của người nông nghiệp đúc kết lại về tập quán sinh sống của loài cua. Có một loài cua sống trong các ghềnh đá ở đoạn sông Cầu chảy qua làng chài Thắng Cương, huyện Yên Dũng, Bắc Giang gọi là cua ra. Cua ra ở đây chỉ xuất hiện nhiều vào mùa lạnh. Phải chục năm trở lại đây, nhiều khách sành ăn cứ về đòi thưởng thức món cua này.
Đường liên xã ngoằn ngoèo. Lên đò qua sông Cầu, đặt chân đến Thổ Hà, qua làng Vân thơm nồng mùi rượu, du khách đi tiếp độ dăm cây số nữa thì đến chân núi Bổ Đà, đối diện có Phượng Sơn chầu về. Dưới chân núi ấy cây cối hoang sơ và trầm mặc; lấp ló trong những rêu mốc và dây leo là mái chùa Tứ Ân cổ kính (còn gọi chùa Bổ Đà).