Đẩy mạnh bảo vệ Khu bảo tồn thiên nhiên Nà Hẩu

  • Cập nhật: Thứ hai, 13/12/2010 | 9:16:20 AM

YBĐT - Với diện tích tự nhiên trên 16.400 ha, gồm 17 tiểu khu, 114 khoảnh, tập trung tại xã vùng lõi Nà Hẩu (4.691,6 ha) và 3 xã vùng đệm là: Phong Dụ Thượng (2.612,3 ha), Mỏ Vàng (1.340,9 ha), Đại Sơn (4.060,1 ha), Khu bảo tồn thiên nhiên Nà Hẩu (Văn Yên) được đánh giá là nơi có nhiều tiềm năng về du lịch sinh thái bậc nhất của Yên Bái.

Rừng nguyên sinh Nà Hẩu.
Rừng nguyên sinh Nà Hẩu.

Trong Khu bảo tồn thiên nhiên Nà Hẩu hiện nay còn lưu giữ được hàng trăm loại thực, động vật quý hiếm có nhiều giá trị. Hệ thực vật nhiều tầng đan xen lẫn nhau tạo nên một thảm thực vật phong phú gồm trên 40 loại cây quý hiếm như: dẻ tùng sọc trắng, thảo quả, sa nhân đỏ, gù hương…

Trong số này có tới 3 loài được liệt vào dạng nguy cấp: Kim tuyến, Tô mộc, Chò chỉ; 11 loài lâm vào tình trạng sẽ nguy cấp: song mật, lát hoa, gù hương… và còn nhiều loại đang bị đe dọa như: hoàng đằng, ba gạc. Về động vật cũng có nhiều loài động vật có giá trị bảo tồn trong nước và quốc tế. Loài thú có: báo hoa mai, mèo gấm, báo lửa, cầy vằn bắc…; loài chim có: hồng hoàng, gà lôi trắng và nhiều loài trong họ khướu, bộ sẻ; các loài bò sát có: hổ mang chúa, rùa đầu to, kỳ đà hoa…

Theo ông Đinh Văn Mạnh, Phó hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Văn Yên, với địa hình rộng cùng hệ sinh thái phong phú, nhiều tầng có nhiều giá trị nên công tác bảo vệ, bảo tồn gặp rất nhiều khó khăn.

Trong Khu bảo tồn người dân sống xen kẽ, đặc biệt là tại vùng lõi thuộc xã Nà Hẩu nên việc lấn đất để sản xuất vẫn thường xuyên diễn ra. Người dân đa phần là đồng bào dân tộc thiểu số vẫn giữ thói quen khai thác gỗ làm nhà gây khó khăn cho công tác bảo tồn các loại gỗ quý. Trình độ nhận thức của đại bộ phận người dân còn rất hạn chế, họ chỉ suy nghĩ đơn giản coi chặt gỗ, săn bắt các loại thú, chim là để phục vụ cho cuộc sống chứ chưa hiểu hết được ý nghĩa to lớn của các chương trình bảo tồn.

 

Mùa thu hoạch quế ở Văn Yên. (Ảnh: Thanh Miền)

 Hiện nay người dân tại các vùng giáp ranh vẫn thường xuyên vào khai thác các nguồn tài nguyên của Khu bảo tồn như ở các xã Nậm Mười, Sùng Đô (Văn Chấn). Đây đều là những khu vực có địa hình hiểm trở, núi cao, có khi đi từ 3 - 4 tiếng mới đến nơi nên công tác tuần tra, bảo vệ gặp rất nhiều khó khăn. Hơn nữa, phụ cấp cho các nhóm hộ bảo vệ rừng vẫn còn thấp, chỉ khoảng 100 nghìn đồng/ ha rừng đặc dụng, rừng phòng hộ.

Trước thực trạng trên, Ban quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Nà Hẩu đã họp bàn, phối hợp với UBND các xã, đặc biệt là xã vùng lõi để đề ra các giải pháp bảo vệ hệ sinh thái của khu bảo tồn. Một tổ kiểm lâm gồm từ 3 - 4 đồng chí được thành lập và duy trì tại xã Nà Hẩu thường xuyên tham mưu cho xã về các giải pháp bảo vệ rừng; tuyên truyền, vận động và ký cam kết với tất cả các hộ trong xã về công tác bảo vệ rừng, phòng chống chữa cháy rừng; tăng cường tuần tra, kiểm soát, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm; giao khoán bảo vệ rừng cho các nhóm hộ tại các xã thuộc khu bảo tồn với tổng số lên tới 434 người, tập trung ở 20 nhóm hộ.

Ngoài đẩy mạnh công tác bảo vệ, việc trồng rừng cũng được đẩy mạnh nhằm duy trì sự phong phú của hệ sinh thái nơi đây. Từ đầu năm đến nay, trên 90 ha của Khu bảo tồn đã được trồng mới, hiện Ban quản lý đang tiến hành khảo sát những diện tích có thể khoanh nuôi để trồng rừng tái sinh.

Khu bảo tồn thiên nhiên Nà Hẩu được đánh giá là có tiềm năng lớn về du lịch sinh thái kết hợp với du lịch cộng đồng. Tuy nhiên, làm thế nào để khai thác hết tiềm năng vốn có của khu bảo tồn này vẫn là bài toán đòi hỏi những nỗ lực và biện pháp hữu hiệu hơn nữa của các cấp, các ngành.

Cường Hùng

Các tin khác

Tiếp sau vịnh Hạ Long, Côn Đảo của Việt Nam cũng vừa được Tạp chí Lonely Planet (Anh) đưa vào danh sách 1 trong 10 hòn đảo hấp dẫn và tốt nhất thế giới năm 2011 để nghỉ một kỳ nghỉ lãng mạn.

Tuyến du lịch khám phá, thăm di sản ruộng bậc thang là sản phẩm du lịch được tỉnh Lào Cai, Yên Bái, Phú Thọ khảo sát, mở rộng để phát triển mạnh trong thời gian tới. Tuyến du lịch này dọc theo tuyến đường 32 từ Phú Thọ-Nghĩa Lộ-Mù Cang Chải (Yên Bái)-Sa Pa (Lào Cai)-Nguyên Dương (Trung Quốc).

Ngày 22-11, Hội Phật giáo Việt Nam, Trung tâm Hoằng Pháp phía Bắc (Ban Hoằng pháp TW GHPGVN) cùng quận Hoàng Mai đã tổ chức khánh thành công trình Tháp Báo Ân tại chùa Bằng A - Linh Tiên tự (phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai, Hà Nội).

Cả thành phố Viêng Chăn đang náo nức chuẩn bị cho Lễ kỷ niệm Thủ đô Vientiane (Lào) tròn 450 tuổi (1560 - 2010). Không khí tưng bừng đón chào đại lễ đã hiện diện trên khắp các đường phố. Nhưng với nhiều người, Viêng Chăn vẫn luôn là một thủ đô tĩnh lặng…

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục