Món đặc sản của người Tày Lục Yên

  • Cập nhật: Thứ sáu, 28/1/2011 | 3:14:30 PM

YBĐT - Ngày tết, người Tày ở Lục Yên có rất nhiều món ăn ngon. Trong số những món ẩm thực khoái khẩu của người Tày, nếu ai được thưởng thức thịt mắm cơm đỏ một lần chắc hẳn sẽ khó quên.

Không cầu kỳ như nhiều món ăn khác, được chế biến đơn giản từ các nguyên liệu mang đậm chất quê của người miền núi, thịt mắm cơm đỏ cho người thưởng thức biết tới một hương vị riêng biệt của món ăn dân tộc.

Vào những ngày giáp tết, những người có thú sưu tầm ẩm thực có dịp ghé thăm các làng của người Tày, sẽ được chứng kiến cảnh bận rộn của các gia đình mổ lợn, gà vui đón tết và học làm thịt mắm cơm đỏ. Người Tày Lục Yên khi mổ một con lợn, dù to hay bé, phần thịt ba chỉ (thịt bụng) của con lợn thường được dành riêng để làm thịt mắm cơm đỏ.

Trước khi làm thịt mắm, người Tày Lục Yên đã chuẩn bị loại gạo nếp thơm ngon nhất để dành, đến những ngày gần giáp tết nấu thành cơm nếp rồi ủ bằng men lá được làm từ các loại lá cây rừng. Khi nếp cái đã lên men thơm lừng có thể ăn được là lúc có thể dùng làm nguyên liệu. Nguyên liệu làm thịt mắm cơm đỏ không thể thiếu củ giềng thái chỉ và một ít rau răm. Nhưng quan trọng nhất là cây cơm đỏ.

 Lục Yên có hai loại cây cơm đỏ và cơm đen quen thuộc trong vườn nhà. Vào ngày Tết người ta thường dùng nước luộc riêng biệt của cây cơm đen và cơm đỏ để đồ xôi sẽ cho 2 loại xôi đỏ và đen khác nhau đem trộn lẫn thành xôi hai màu đen đỏ rất đẹp mắt, thơm ngon.

Để làm thịt mắm cơm đỏ, người ta lấy cây cơm đỏ rửa sạch phơi qua trên nắng cho ráo nước rồi thái nhỏ. Khi lợn đã mổ ra, tất cả thịt ba chỉ của con lợn được làm sạch, thái nhỏ bằng 2 ngón tay ướp muối. Thịt được đổ vào chum trộn đều với củ giềng thái chỉ, một ít rau răm, cây cơm đỏ và rượu nếp cái thơm rồi buộc thật kín bằng ni lông. Chừng 5 đến 6 ngày sau, mở chum mùi thơm đã sực nức, là lúc thịt mắm đã ăn được. Lúc này những miếng thịt mắm đã săn lại có màu đỏ tươi, lớt phớt những sợi giềng thái nhỏ.

Gắp miếng thịt mắm lên thưởng thức, ta vừa thấy được vị ngọt, vị chua, vị cay của giềng và hương nồng của nếp cái thơm, ăn không ngấy và ngon đến khó tả. Nước thịt mắm cũng có thể chưng lên làm nước chấm, chấm rau sống rất ngon. Cái hay của thịt mắm cơm đỏ, nếu đậy kín có thể để 5 đến 6 tháng vẫn ăn được. Nhưng theo kinh nghiệm của người dân làm thịt mắm nên làm chum vừa phải, một chum chỉ mở một lần rồi đậy kín, lấy ra đến đâu ăn dần hết đến đấy rồi buộc chặt mới bảo quản được, nếu mở ra nhiều sẽ cay và không còn vị ngọt.   

“Món ngon nhớ lâu”, ai đã một làn nếm thử thịt mắm cơm đỏ chắc sẽ khó mà quên.

Đào Minh

Các tin khác

YBĐT - Lễ đón bằng công nhận di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh đình và đền Quy Mông được tổ chức vào ngày 9/2/2011 (tức ngày 7 tháng Giêng năm Tân Mão).

Điệu “Dậm thuông” trong Lễ hội “Cầu mùa” ở xã Thượng Bằng La, huyện Văn Chấn.

YBĐT - Mường Lò - cánh đồng rộng lớn thứ hai Tây Bắc sau Mường Thanh (Điện Biên) cứ mỗi độ xuân về lại rộn ràng lễ hội.

Nghi thức lấy nước thiêng trong lễ hội đình Khả Lĩnh (Đại Minh).
(Ảnh: Trường Túy)

YBĐT - Đền Khả Lĩnh thờ bà Quỳnh Hoa, Quế Hoa được tương truyền là con gái của vua Hùng (thực chất đây là hai nhân vật trong tục thờ Mẫu của người Việt). Nhưng do đền đã đổ nát nên người dân địa phương đã rước hai bà về cùng thờ tại đình Khả Lĩnh.

Ruộng bậc thang ở Mù Cang Chải. (Ảnh: Thanh Thủy)

Nội dung các hoạt động cụ thể của chương trình du lịch về cội nguồn 2011 của ba tỉnh, gồm các nội dung chủ yếu sau:

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục