Theo báo cáo của Tổng cục Hải quan, 6 tháng đầu năm 2019, số thu từ ô tô nguyên chiếc nhập khẩu tăng cao. Cụ thể, lượng ô tô nguyên chiếc các loại nhập khẩu đạt 75.400 chiếc, trị giá 1,63 tỷ USD, tăng 516% về lượng và tăng 417% về trị giá so với cùng kỳ năm trước. Số thuế thu từ mặt hàng này đạt 21.515 tỷ đồng, tăng 17.415 tỷ đồng, tức gần 425% so với cùng kỳ 2018.
Đặc biệt, với việc được miễn giảm thuế nhập khẩu theo Hiệp định tự do thương mại khu vực ASEAN, các dòng xe từ Thái Lan và Indonesia tiếp tục đổ vào Việt Nam với sự tăng lên của cả số lượng và chủng loại.
Cụ thể, Thái Lan chính thức trở thành nhà cung cấp ô tô lớn nhất cho thị trường Việt Nam trong 6 tháng đầu năm 2019, với 46.000 xe, đạt trị giá khoảng 916,7 triệu USD. Indonesia đã xuất sang Việt Nam gần 21.000 xe với trị giá đạt 296,3 triệu USD trong nửa đầu năm 2019 vừa qua. Tổng số xe nhập khẩu 6 tháng bằng 82,2% xe lắp ráp trong nước. Có vẻ như các rào cản kỹ thuật dựng lên tại Nghị định 116 với xe nhập khẩu đã không còn tác dụng.
Còn Báo cáo vừa công bố của Chứng khoán SSI cho biết, GDP quý 2/2019 tăng 6,71%, là mức tăng trưởng thấp nhất 8 quý gần đây của Việt Nam. Trong đó, hai ngành chiếm tỷ trọng cao nhất trong nền kinh tế là công nghiệp chế biến chế tạo và nông nghiệp tăng trưởng chậm lại là nguyên nhân chính khiến GDP giảm tốc. Trong ngành công nghiệp chế biến chế tạo, sản xuất xe có động cơ cũng tăng thấp, đạt 11,7%, trong khi, qúy1 mức tăng trưởng là 20,8%.
Ô tô nguyên chiếc nhập khẩu "tăng tốc” vào Việt Nam đã làm ngành sản xuất xe trong nước suy giảm. Theo số liệu của VAMA, lượng xe sản xuất trong nước bán được trong 6 tháng đầu năm là 91,7 nghìn chiếc, giảm 14% so với cùng kỳ. Sản lượng ô tô trong nước năm 2019 dự báo có thể lại sụt giảm so với đỉnh cao 250.000 xe/năm đạt được trong giai đoạn 2017 và 2018.
Như vậy, công suất sẽ dư thừa lớn. Hiện tại Vinfast đã khánh thành nhà máy ô tô giai đoạn 1 công suất 250.000 xe/năm; Trường Hải có nhà máy ô tô Mazda giai đoạn 1 công suất 50.000 xe/năm; Hyundai Thành Công hơn 40.000 xe/năm; Toyota Việt Nam hơn 50.000 xe/năm,...
Ông Lê Ngọc Đức, Tổng giám đốc Công ty Hyundai Thành Công, cho biết, từ đầu năm 2019 đến nay, sản xuất lắp ráp ô tô trong nước đối mặt với cạnh tranh rất mạnh từ xe nhập khẩu. Xe nhập về nhiều, trong khi xe trong nước cũng tăng sản lượng, khiến cung lớn hơn cầu. Các doanh nghiệp (DN) ô tô trong nước không chỉ giảm giá, tăng khuyến mãi mà còn chịu tồn kho tăng, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh. Tình hình này kéo dài, những DN có dự án đầu tư lớn vào sản xuất ô tô có nguy cơ đối mặt với những rủi ro. Trong khi đó, những chính sách ưu đãi để thúc đẩy sản xuất ô tô trong nước đến nay vẫn chưa thấy đâu.
Để phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam gắn liền với mục tiêu tăng tỷ lệ nội địa hóa, từ cuối năm 2018, Bộ Công Thương đã đưa ra định hướng: tập trung hỗ trợ để thúc đẩy nhanh dự án của Công ty cổ phần ô tô Trường Hải, Công ty cổ phần Tập đoàn Thành Công, Công ty TNHH Sản xuất và kinh doanh Vinfast... qua đó, giúp gia tăng sản lượng ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước trong thời gian tới, tăng nội địa hóa, giảm giá thành.
Tuy nhiên, theo chuyên gia Nguyễn Minh Đồng, để xe nội có doanh số tốt, cạnh tranh được với xe nhập phải có chính sách ưu đãi, hỗ trợ cực mạnh. Nếu không, ngành công nghiệp ô tô Việt Nam sẽ khó mà tồn tại đến sau 2025.
Các chuyên gia của Công ty Chứng khoán SSI khuyến nghị, Việt Nam cần tiếp tục nâng các hàng rào bảo hộ song song với các chính sách ưu đãi sản xuất và tiêu dùng không chỉ với ô tô mà cả nhiều mặt hàng công nghiệp có thể tự sản xuất trong nước. "Xu hướng bảo hộ và thương mại công bằng cần được vận dụng, đặc biệt là với các quốc gia có trình độ phát triển gần với Việt Nam như nhóm nước ASEAN”.
Trong khi đó, một số Hiệp hội các DN nước ngoài tại Việt Nam, thông qua Phòng thương mại châu Âu (EuroCham), Phòng thương mại Hoa Kỳ tại Việt Nam (AmCham),... vẫn tiếp tục kiến nghị lên cơ quan chức năng, cho rằng quy định thử nghiệm khí thải và an toàn với từng lô xe nhập khẩu tại Nghị định 116 gây trở ngại đối với thương mại (thậm chí vi phạm các cam kết trong WTO). Nghị định 116 cần sửa đổi theo hướng thông thoáng hơn, áp dụng quản lý trên cơ sở đánh giá mức độ rủi ro của hàng hóa và mức độ tuân thủ pháp luật của DN.
Xe nhập khẩu càng về nhiều, giá càng cạnh tranh thì ngành sản xuất ô tô trong nước càng gặp khó.
(Theo Dân Trí)